Manabiya Yumenomori-mô hình giáo dục độc đáo, sáng tạo và nhân bản
Manabiya Yumenomori là một không gian mở, tự do và hòa nhập, nơi trẻ em từ 0 đến 15 tuổi học tập cùng nhau trong một môi trường tích hợp: từ nhà trẻ đến trung học cơ sở.

Học sinh của trường Manabiya Yumenomori say mê khám phá và vui chơi tại Quảng trường sách Wakuwaku. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)
Fukushima - vùng đất từng gánh chịu thảm họa hạt nhân nặng nề năm 2011, đang chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ không chỉ về hạ tầng mà cả về tri thức và hy vọng.
Tại thị trấn Okuma, một mô hình giáo dục tiên phong mang tên Manabiya Yumenomori (tạm dịch: Rừng giấc mơ học tập) đang thu hút sự quan tâm sâu rộng của cộng đồng Nhật Bản nhờ triết lý giáo dục độc đáo, sáng tạo và nhân bản.
Giáo dục không còn ranh giới
Khác với hình dung truyền thống về trường học với hàng rào khép kín, chuông báo giờ học và lớp học cố định, Manabiya Yumenomori là một không gian mở, tự do và hòa nhập, nơi trẻ em từ 0 đến 15 tuổi học tập cùng nhau trong một môi trường tích hợp: từ nhà trẻ đến trung học cơ sở.
Tại đây, không có chuông reo, không có lớp học cứng nhắc - thay vào đó là những khu học tập linh hoạt được đặt tên giàu hình ảnh như “Rừng thảo luận Runrun," “Xưởng Dokidoki," và đặc biệt là Quảng trường sách Wakuwaku với hơn 20.000 cuốn sách và những “pháo đài đọc ẩn mình” khiến trẻ em say mê khám phá.
Triết lý giáo dục của trường nhấn mạnh đến tính tự chủ, cá nhân hóa và tinh thần đồng sáng tạo. Trẻ em được tự lên kế hoạch học tập, tự chọn môn học, nhóm học và thời gian nghỉ ngơi - một cách tiếp cận mới để khơi dậy động lực nội tại và xây dựng kỹ năng tư duy độc lập.
Manabiya Yumenomori không chỉ là một trường học - đó còn là trung tâm kết nối cộng đồng. Trường không có hàng rào bao quanh, người dân địa phương được tự do ghé thăm và tương tác với học sinh. Các sân chơi mở, sàn gỗ ấm áp và cách bài trí mở đã biến trường thành một nơi gặp gỡ giữa thế hệ, giữa giáo dục và xã hội, góp phần tạo dựng một cộng đồng gắn bó, nuôi dưỡng tinh thần “cùng nhau trưởng thành."

Học sinh của trường Manabiya Yumenomori đang say mê với những môn học kỹ năng mềm được tự chọn theo sở thích. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)
Học sinh là người kiến tạo hành trình
Theo ông Masuko Keishin, Phó hiệu trưởng của trường và là người đồng hành từ những ngày đầu phát triển mô hình: “Thay vì nghĩ rằng giáo dục phải theo khuôn mẫu, tôi muốn tạo ra một nơi mà trẻ học vì tò mò và niềm vui. Trường học cần là nơi vui vẻ, nơi các em cảm thấy được là chính mình.”
Từ thứ Hai đến thứ Năm, giáo viên sẽ hỗ trợ lên kế hoạch học tập, nhưng thứ Sáu được gọi là “ngày tự do” - thời điểm trẻ tự thiết kế lịch trình học riêng. Đây cũng là lúc năng lượng sáng tạo được phát huy mạnh mẽ nhất.
“Chúng tôi khuyến khích các em lựa chọn. Và điều đó không dễ. Nhưng thông qua mỗi quyết định, các em học được trách nhiệm. Khi cảm thấy được tin tưởng, các em sẽ tự giác học tập” - ông Masuko chia sẻ thêm.
Trường học tái sinh cộng đồng
Từ 26 học sinh ban đầu khi mở cửa năm 2023, đến nay, số học sinh tại Manabiya Yumenomori đã tăng lên 72 em (tính đến tháng 1/2025). Đáng chú ý, 85% học sinh đến từ các gia đình di cư tới Okuma, chủ yếu từ các thành phố lớn như Kanto và Kansai. Nhiều phụ huynh đã quyết định thay đổi nơi sinh sống chỉ để con mình có cơ hội học tập tại một ngôi trường như mơ.
Mô hình này đã trở thành “nam châm” hút cư dân mới, góp phần tái thiết cộng đồng - một minh chứng rằng giáo dục không chỉ nuôi dưỡng con người mà còn hồi sinh cả một vùng đất từng bị tổn thương sâu sắc.
Bé Saito, học sinh lớp 3, chia sẻ: “Cháu thích ngôi trường này lắm, rất vui và thoải mái. Cháu hay ở thư viện vào giờ nghỉ trưa. Hôm nay cháu học tiếng Nhật và đã viết thư cho mẹ. Tiết sau cháu làm một chiếc máy gachapon trong giờ mỹ thuật.”

Một “pháo đài đọc ẩn mình” dành cho học sinh có không gian yên tĩnh và riêng tư đọc sách tại trường Manabiya Yumenomori. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)
Qua đôi mắt trẻ thơ, Manabiya Yumenomori là nơi niềm vui gắn liền với học tập, nơi mỗi ngày đến trường là một chuyến phiêu lưu đáng nhớ.
Manabiya Yumenomori không chỉ là một mô hình giáo dục sáng tạo, mà còn là biểu tượng sống động cho khả năng phục hồi, đổi mới và truyền cảm hứng của vùng đất Fukushima sau biến cố. Nơi đây, trẻ em không chỉ học chữ, mà còn học làm người, học sống tự chủ và nhân ái - những hành trang quan trọng để bước vào tương lai.
Trong bối cảnh giáo dục toàn cầu đang tìm kiếm những mô hình mới, Manabiya Yumenomori có thể chính là câu trả lời: một ngôi trường không chỉ dạy học sinh, mà còn truyền niềm tin về một tương lai tốt đẹp hơn cho cả cộng đồng./.