Măng non ở Trường Sa

Trong hải trình ra Trường Sa giữa tháng 5 vừa qua, niềm vui và sự ngỡ ngàng lớn nhất với chúng tôi là được gặp những em bé sinh ra và lớn lên trên đảo. Các em chính là những búp măng non của đất nước có quê hương là huyện đảo Trường Sa.

Các em bé lớn lên ở trên đảo như thế nào, đó là điều tò mò đối với đoàn công tác của chúng tôi.

Đảo nhỏ mến yêu

Thị trấn Trường Sa, xã đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn…, từ lâu đã có nhiều hộ dân đến sinh sống, lập nghiệp. Họ chính là những cư dân ở Trường Sa. Gặp gỡ, trò chuyện với cán bộ chiến sỹ và người dân, chúng tôi càng hiểu thêm về cuộc sống hiện tại của bà con giữa bốn bề sóng nước. Thời tiết khắc nghiệt, cuộc sống còn thiếu thốn so với đất liền, nhưng điều kiện sống, sinh hoạt, học tập của các hộ dân và các bé đã tốt hơn nhiều.

Tiết mục Cháu yêu chú bộ đội của các nghệ sỹ nhí Trường tiểu học xã đảo Sinh Tồn Ảnh: Nguyễn Tuấn

Tiết mục Cháu yêu chú bộ đội của các nghệ sỹ nhí Trường tiểu học xã đảo Sinh Tồn Ảnh: Nguyễn Tuấn

Được sự hỗ trợ của nhà nước, các gia đình đều có nhà xây kiên cố, có điện sinh hoạt, có tivi thu sóng truyền hình Việt Nam. Các cháu đến tuổi được đi học tại trường Tiểu học khang trang, sạch đẹp, có cả khu vực sân chơi ngoài trời rộng rãi, thoáng mát.

Ở Song Tử Tây, các chị các em mặc áo dài nền đỏ sao vàng rực rỡ trong nắng chiều, tay cầm cờ vẫy chào chúng tôi từ trên âu tàu.

Đến Sinh Tồn, thị trấn Trường Sa, vẫn là những hình ảnh thân thiết của tà áo dài quê hương nhiều màu sắc, hòa với màu xanh cây trái và mây trời. Gặp cô bác từ đất liền ra chơi, các em bé trên đảo vui mừng, sà vào lòng chúng tôi chụp ảnh, nói chuyện mà không chút ngại ngần, e dè.

Gia đình nhỏ của anh Phạm Ngọc An ở xã đảo Song Tử Tây Ảnh: Hải Đăng

Gia đình nhỏ của anh Phạm Ngọc An ở xã đảo Song Tử Tây Ảnh: Hải Đăng

Nếu sáng tác về Trường Sa sau chuyến đi, tôi nghĩ Nhạc sỹ Trọng Lưu - cùng ra Trường Sa lần này, sẽ lấy cảm hứng là tà áo dài: Giữa bao la mây trời sóng nước Trường Sa, bỗng hiện lên tà áo dài mềm mại, thân thương! Tôi đã thấy một trời áo dài bay bay trong gió Trường Sa từ Song Tử Tây, An Bang, Cô Lin, Nhà giàn DKI đến thị trấn Trường Sa…

Mỗi khi lên thăm đảo, màu áo dài của người dân lại pha với màu áo dài của chị em từ đất liền ra, khiến Trường Sa thêm rực rỡ, thêm hơi ấm quê hương.

Nếu dựng tiết mục múa sau chuyến đi, tôi muốn hình dung NSND, Biên đạo múa Nguyễn Hồng Phong (Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam) sẽ đưa vào hình ảnh tà áo dài Việt Nam bay trong sóng biển xanh của Trường Sa một chiều lộng gió…

Và xen trong những tà áo dài ấy, là hình ảnh của các em thiếu nhi Trường Sa đang nhảy múa, nô đùa, ca hát về quê hương Trường Sa thân thương của các em.

Người dân thị trấn Trường Sa bên ngôi nhà thân yêu

Người dân thị trấn Trường Sa bên ngôi nhà thân yêu

Là xã đảo khá rộng, có đủ nước ngọt sinh hoạt, nếu đi sâu sẽ thấy Song Tử Tây không khác đất liền là mấy: Những cột ăng ten thu sóng, cột điện gió cao vút; cây trái xanh mát và có cả những rặng dừa. Bên cạnh các công trình hạ tầng phục vụ đảo, còn có bệnh xá, nhà văn hóa, chùa Song Tử Tây, Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Tượng Đức Thánh Trần làm bằng chất liệu đá khối cao 11m, đặt trong khuôn viên hơn 5.600m2, hướng ra phía Biển Đông. Tượng đài khánh thành ngày 6/5/2012 - nhân dịp kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng đảo Song Tử Tây và quần đảo Trường Sa (1975-2012); 750 năm Thiên Trường - Nam Định (1262-2012).

Trên các xã Sinh Tồn, Song Tử Tây, thị trấn Trường Sa, đảo Nam Yết, Sơn Ca… còn có không gian văn hóa tâm linh ấm tình đất mẹ. Những ngôi chùa ở Trường Sa như cột mốc tâm linh của dân tộc - luôn tỏa hương trầm, đầy ắp tiếng kinh cầu nguyện cho đất nước bình yên, cho mọi nhà an vui.

Lớp học của thầy Tuấn

Lớp học của thầy Tuấn

Thị trấn Trường Sa còn có Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tượng đài Liệt sỹ trang nghiêm; các thiết chế văn hóa, phòng trưng bày tư liệu ghi dấu ấn lịch sử cha ông và truyền thống của quân, dân trên quần đảo thiêng liêng.

Di sản văn hóa đó tiếp thêm ý chí, sức mạnh, hào khí và bản lĩnh ngàn đời của dân tộc cho các thế hệ trên đảo hôm nay.

Tự hào quê hương Trường Sa

Đến thị trấn Trường Sa tôi có dịp gặp và trò chuyện với gia đình chị Lê Thị Minh Diệp và anh Nguyễn Văn Tâm. Anh chị có hai cháu, một cháu lớp 6 vừa vào đất liền học, cháu sau 4 tuổi học mầm non. Cuộc sống lúc đầu còn bỡ ngỡ nhưng sau đó anh chị lại thích ở đảo, vì quá yên bình. “Em thích cuộc sống trên đảo khí hậu trong lành. Cán bộ, chiến sỹ hỗ trợ gia đình rất nhiều” - Chị Diệp nói.

Các em bé ở đảo Sinh Tồn thích thú chụp ảnh cùng các chú Hải quân và khách ở đất liền ra thăm

Các em bé ở đảo Sinh Tồn thích thú chụp ảnh cùng các chú Hải quân và khách ở đất liền ra thăm

Các gia đình đều trồng thêm được rau xanh, chăn nuôi gà vịt để cải thiện thêm bữa ăn. Những lúc rảnh rỗi các chị còn cùng nhau trang hoàng nhà cửa, làm thạch dừa để mời khách quý từ đất liền ra…

Trên đảo Song Tử Tây, chúng tôi gặp anh Phạm Ngọc An và vợ đang cho hai bé sinh đôi đi dạo trên chiếc xe nôi. Anh An nói, gia đình rất yên tâm, nơi đây các con anh sẽ lớn lên, rồi đi học trên đảo.

Hôm đó, thầy Tuấn dẫn cả lớp đến giao lưu với cán bộ chiến sỹ và đoàn công tác. Dưới tán cây tra, cây bàng vuông, các con thể hiện bài hát múa Cháu yêu chú bộ đội rất ngộ nghĩnh, vui tươi. Phía dưới thầy bắt nhịp cho các “nghệ sỹ nhí” trong tiếng vỗ tay cổ vũ, cùng hát vang của mọi người.

Ở đảo Sinh Tồn, thầy giáo Phan Quang Tuấn kể rằng: Hơn 36 năm dạy tiểu học ở TP Nha Trang, đây là năm học đầu tiên thầy tình nguyện ra đảo. Ở đâu có dân ở đó sẽ có trường học, và nơi nào cần thì thầy sẵn sàng đến với các con. “Tuy khó khăn nhưng tình yêu thương của anh em chiến sỹ, nhân dân trên đảo khiến tôi muốn gắn bó lâu dài với đảo trong thời gian công tác còn lại của mình” - thầy Tuấn nói.

Trước mặt cô bác đến thăm, bé Phạm Anh Thư (5 tuổi, lớp mầm non Trường Tiểu học Sinh Tồn) tự tin đứng lên giới thiệu và xin đọc bài thơ Quê em ở Trường Sa: “Quê em ở Trường Sa/Những đảo chìm, đảo nổi/Quê em có biển trời/Bốn mùa xanh bao la/Sinh ra ở Trường Sa/Em là con của biển /Những chuyến tàu yêu thương/Mang hơi ấm đất liền/Nhà em đảo Sinh Tồn/Còn bạn Song Tử Tây/Sẽ thấy vui biết mấy/Nếu đảo gần nhau hơn/Mỗi bước em đến trường/Phong ba rợp bóng mát/Chú hải quân đứng gác/ Thân thương quá đi thôi/Các bạn đất liền ơi/Một lần ra đảo nhé/Tự hào em sẽ kể/Quê em ở Trường Sa…”.

Bài thơ này cũng chính là lời bài hát “Quê em ở Trường Sa” của nữ nhạc sĩ, nhà báo Quỳnh Hợp (nguyên biên tập viên âm nhạc Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh) - bài hát từ lâu đã trở thành một “đặc sản” với các em thiếu nhi ở đảo.

Bài hát đó chúng tôi còn được nghe thầy trò Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa hát trong đêm giao lưu trước khi trở về đất liền.

Các em Trường tiểu học xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa biểu diễn. Clip Trọng Lưu

Câu chuyện của thầy Tuấn và các em bé trên quần đảo Trường Sa sẽ mãi còn đọng lại sâu lắng, tạo cảm hứng về đề tài thiếu nhi trên đảo đối với văn nghệ sỹ. Theo gia đình chuyển đến Trường Sa, hoặc được sinh ra ở nơi này, các em sẽ có nhiều kỷ niệm đẹp, có niềm vui của tuổi thơ trên đảo, các em sẽ được bồi đắp về tình yêu đối với Tổ quốc và biển đảo quê hương.

Anh Bùi Xuân Dự, Vụ trưởng Vụ Thư ký - Biên tập Văn phòng Chính phủ cho biết: Được trực tiếp tìm hiểu đời sống sinh hoạt, công tác của cán bộ, chiến sỹ, người dân trên đảo, chúng tôi rất phấn khởi, tự hào; đặc biệt khâm phục ý chí, quyết tâm khắc phục khó khăn của cán bộ, chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió.

“Tôi ấn tượng và sẽ ghi nhớ mãi hình ảnh dưới tán đa xanh mát, tiếng chuông chùa ngân lên sâu thẳm, tiếng trẻ líu lo học bài, đọc 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng ở Trường tiểu học Sinh Tồn. Tôi thấy hình ảnh người phụ nữ trẻ mang bầu đứng ở cửa ngôi nhà cạnh đó. Và tôi thấy hình bóng Phật nơi đây” - anh Dự cảm nhận.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mang-non-o-truong-sa-post1642238.tpo