Mang Tết bốn phương vào trường học

Ngày 13/1, Trường phổ thông liên cấp Phenikaa tổ chức Lễ hội 'Tết bốn phương - Xuân yêu thương'.

Học sinh trang trí không gian Tết truyền thống Tây Nam Bộ. Ảnh Ngô Chuyên.

Học sinh trang trí không gian Tết truyền thống Tây Nam Bộ. Ảnh Ngô Chuyên.

Khám phá và hội nhập Tết Bốn phương

Lễ hội Tết bốn phương - Xuân yêu thương là chuỗi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với sự tham gia của học sinh cùng sự đồng hành của thầy cô, phụ huynh.

Theo đó, học sinh sẽ được lên ý tưởng trang trí không gian văn hóa theo đặc thù các quốc gia/vùng miền, không gian nghệ thuật ẩm thực, biểu diễn văn nghệ và nghệ thuật đường phố, các trò chơi mang nét đặc trưng của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới;

Hoạt động tạo nên một bức tranh mùa Xuân đa màu sắc với văn hóa truyền thống đặc trưng 3 miền Bắc – Trung – Nam của Việt Nam, rộn ràng của châu Mỹ, rực rỡ của châu Á, cổ điển của châu Âu, huyền bí của châu Phi và cởi mở của châu Đại dương…

Lễ hội còn triển khai các hoạt động phong phú như: xin chữ đầu xuân, tham gia các trò chơi dân gian Việt Nam (Ô ăn quan, đi cầu khỉ, nhảy sạp – múa xòe Thái, đi cà kheo…); các dân gian nước ngoài: TouHu (Trung Quốc), đi goòng (Thái Lan, Hàn Quốc), Yutnori (Hàn Quốc), kéo co 3 góc (Thái Lan), vẽ mặt nạ, nặn bóng nghệ thuật.

Phó hiệu trưởng Trường phổ thông liên cấp Phenikaa, cô Đoàn Thu Hà trao đổi: “Chúng tôi mong muốn những hoạt động thực tế sẽ thêm gắn kết tình cảm giữa thầy – trò, phụ huynh - học sinh trong bối cảnh công việc bận rộn, ít có thời gian tham gia hoạt động chung cùng con trẻ...".

Học sinh háo hức xin chữ. Ảnh Ngô Chuyên.

Học sinh háo hức xin chữ. Ảnh Ngô Chuyên.

Hoạt động cũng đưa học sinh, phụ huynh, thầy cô cùng đi du lịch thế giới, khám phá Tết bốn phương trong không gian đầm ấm, yêu thương và gắn kết.

“Chúng tôi muốn Lễ hội “Tết bốn phương - Xuân yêu thương” sẽ truyền cảm hứng sáng tạo cho thế hệ trẻ bằng các chương trình, phương pháp đào tạo độc đáo, nhân văn, lấy học sinh làm trung tâm...”, cô Đoàn Thu Hà nói.

“Tết bốn phương - Xuân yêu thương” đã gắn kết tình cảm giữa nhà trường và gia đình, phụ huynh - học sinh – giáo viên trong ngôi trường hạnh phúc; Thể hiện đúng tinh thần và giá trị cốt lõi nhân văn - cộng tác - sáng tạo của nhà trường"..., Phó hiệu trưởng Trường phổ thông liên cấp Phenikaa, cô Đoàn Thu Hà chia sẻ.

Khơi dậy ý tưởng sáng tạo

Chuỗi hoạt động trong lễ hội, được nhà trường tổ chức theo chủ đề, kết hợp liên môn với phương châm “học mà chơi – chơi mà học”, giúp học sinh phát triển toàn diện về kiến thức, kĩ năng một cách tự nhiên, không áp lực. Qua đó các em cùng tìm hiểu về các quốc gia trên thế giới với những nét văn hóa truyền thống; mở mang thêm kiến thức về xã hội, địa lí, lịch sử...

Cuộc thi viết “cảm xúc xuân”, thiết kế bao lì xì, vẽ về chủ đề Tết bốn phương… cũng được tổ chức. Sau lễ hội, học sinh sẽ làm bài thu hoạch, giúp các em phát triển ngôn ngữ, phát huy tính sáng tạo, năng khiếu...

Niềm vui của học sinh sau khi xin chữ. Ảnh Ngô Chuyên.

Niềm vui của học sinh sau khi xin chữ. Ảnh Ngô Chuyên.

Háo hức, chờ đợi ngày diễn ra lễ hội, Lê Minh Tuấn, lớp 11A1 tâm sự: “Hai năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chúng em phải học trực tuyến nên cảm giác không khí Tết phần nào bị giảm đi. Năm nay, dịch được khống chế, nhà trường tổ chức chuỗi hoạt động khiến em và các bạn hào hứng. Chúng em được tìm hiểu cách đón Tết, năm mới của các nước trên thế giới, hiểu sâu hơn Tết của quê hương, văn hóa đón Tết các vùng miền trên đất nước và trân trọng văn hóa truyền thống...".

“Năm 2023, em sẽ cố gắng hoàn thành tốt chương trình học, cải thiện bản thân và học thêm kỹ năng mới, đặc biệt cố gắng chinh phục chứng chỉ IELTS 8.0...”, Tuấn chia sẻ.

Nhiều học sinh mang trang phục truyền thống tham dự lễ hội. Ảnh Ngô Chuyên.

Nhiều học sinh mang trang phục truyền thống tham dự lễ hội. Ảnh Ngô Chuyên.

Chị Phạm Thị Nga (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) chia sẻ: “Tôi vui và hạnh phúc khi cùng con tham dự lễ hội. Tại đây đã giúp tôi gợi nhớ tuổi học trò đã qua, những háo hức về ngày Tết khi còn đi học. Tham dự hoạt động cùng nhiều phụ huynh cho tôi thêm cơ hội hiểu, gần gũi về cuộc sống ở trường của con...”.

Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc điều hành cho biết: “Lễ hội xuân đã tạo ra sân chơi bổ ích, các em tham gia với vai trò “nhà tổ chức”, chủ động tìm tòi, sáng tạo và triển khai thực hiện. Từ đó, học sinh sẽ thêm trân trọng, tự hào về văn hóa truyền thống, phát triển cả kiến thức lẫn kĩ năng sống; học tập hứng thú, tự tin hơn. Tạo gắn kết chặt chẽ giữa phụ huynh - học sinh – giáo viên/nhà trường...”.

Ngô Chuyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mang-tet-bon-phuong-vao-truong-hoc-post622705.html