Mang xuân đất liền đến đảo tiền tiêu: Bài 2- Vượt ngàn sóng dữ

Sau lễ tiễn đoàn, tàu Kiểm ngư 390 nổi hồi còi và từ từ rời bến trong ánh hoàng hôn đang buông. Khi thành phố Đà Nẵng dần lùi xa cũng là lúc chúng tôi cảm nhận rõ hơn từng con sóng lớn dội vào thân tàu. Hải trình này xuất phát đúng thời điểm biển động mạnh…

Tàu KN-390 rời bến bắt đầu hải trình.

Tàu KN-390 rời bến bắt đầu hải trình.

Nỗi nhớ từ những con sóng

Bên chiếc bàn nước kê dã chiến ngay boong tàu, đồng chí Hồ Minh Biên, Bí thư chi bộ tàu KN-390 cho hay, chuyến đi này đúng thời điểm biển động cấp 6 – cấp 7. Cô phóng viên một tờ báo tại Hà Nội, không giấu được thắc mắc: “Thường xuyên sống và làm việc trên tàu trong những chuyến đi biển dài ngày, vậy những cán bộ, chiến sĩ kiểm ngư chắc đã thích nghi và sẽ không bị say sóng?”.

Anh Biên cười hiền: Đa số chứ không phải tất cả. Nhiều chuyến công tác dài ngày, biển động nhiều hơn dịp này. Sóng nhồi lắc liên tục trong suốt hành trình công tác dài ngày nên vẫn có một số ít đồng chí bị say sóng, mong sớm hoàn thành nhiệm vụ để trở về đất liền. Nhưng ở đất liền lại thấy “nhớ” những con sóng ấy. Bởi yêu tàu, gắn bó với biển đảo quê hương…

Cán bộ, chiến sĩ tàu Kiểm ngư 390 thường xuyên làm việc trong điều kiện sóng to, gió lớn.

Cán bộ, chiến sĩ tàu Kiểm ngư 390 thường xuyên làm việc trong điều kiện sóng to, gió lớn.

Mặc dù tàu KN-390 có lượng giãn nước tới hơn 2.000 tấn, phòng nghỉ của đoàn cán bộ, phóng viên ở tầng dưới boong tàu, nhưng sóng lớn vẫn gây rung lắc, chao đảo. Cả đêm nằm trên giường cá nhân, sóng nhồi lắc khiến người nằm nghiêng hết bên nọ đến bên kia. Nhiều thành viên trong đoàn phải liên tục ra nhà vệ sinh vì nôn nao say sóng. Vậy nhưng các chiến sĩ trên tàu vẫn liên tục đi lại, thực hiện các nhiệm vụ nhanh thoăn thoắt với sải bước vững chãi đầy kinh nghiệm.

Khâm phục nhất là các chiến sĩ làm công tác hậu cần, nuôi quân. Mặc cho sóng lớn nhồi lắc, họ vẫn cần mẫn trong gian bếp nấu ngột ngạt, chuẩn bị suất ăn nóng sốt cho hàng trăm người, mỗi ngày ba bữa. Chúng tôi ngồi ăn, tay vẫn phải bám chắc vào chiếc bàn thép để thủ thế. Nếu không chú ý, gặp con sóng lớn các đĩa thức ăn đặt trên khăn trải bàn có thể trượt đổ hết vào người.

Biển khơi mênh mông, các con tàu trở nên nhỏ bé trước sự hùng vĩ của thiên nhiên.

Biển khơi mênh mông, các con tàu trở nên nhỏ bé trước sự hùng vĩ của thiên nhiên.

Biển đêm gió lớn kèm mưa lạnh, dù sóng lớn nhưng thi thoảng tàu vẫn gặp các thuyền đánh cá của ngư dân, ánh đèn vàng nhấp nhô xa xa. Biển động, nhưng các tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân ta vẫn miệt mài bám biển. Công việc ấy vừa là mưu sinh, khai thác kinh tế biển, vừa góp phần giúp khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của Tổ quốc trên biển.

Một chiến sĩ trực gác bên boong tàu, nét mặt rắn giỏi và cương nghị cho hay: Bà con ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ thấy tàu kiểm ngư Việt Nam thì rất phấn khởi và yên tâm. Sự hiện diện của lực lượng kiểm ngư giúp ngư dân và các tàu thuyền vận tải an tâm hoạt động trong vùng biển chủ quyền của ta. Không những vậy, trên tàu Kiểm ngư luôn chuẩn bị sẵn các phương tiện, vật dụng cần thiết để hỗ trợ sửa chữa hỏng hóc cho tàu thuyền ngư dân gặp sự cố…

Lỡ hẹn với Cồn Cỏ

Vượt hải trình 90 hải lý, từ Cảng 2 thuộc Vùng 3 Hải quân, tàu KN-390 hành quân suốt 12h trong đêm. Chiếc loa trong ca bin phòng ngủ vang lên âm thanh “Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”, thông báo tàu đã tới sát đảo Cồn Cỏ.

Phóng viên Báo Bắc Kạn cùng các đồng nghiệp chờ giây phút đặt chân lên huyện đảo Cồn Cỏ.

Phóng viên Báo Bắc Kạn cùng các đồng nghiệp chờ giây phút đặt chân lên huyện đảo Cồn Cỏ.

Cánh phóng viên chúng tôi nhanh chóng làm công tác vệ sinh cá nhân, sắp xếp lại nội vụ, chuẩn bị thiết bị tác nghiệp và lên boong tàu.

Cồn Cỏ đây rồi! hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc thuộc địa giới hành chính của tỉnh Quảng trị đã hiện ra cách nơi tàu KN-390 của chúng tôi chưa đầy 1km.

Tàu KN-390 phải dừng cách đảo Cồn Cỏ một đoạn, chờ tàu nhỏ ra chuyển người cùng hàng Tết lên đảo.

Nhìn từ xa, đảo nổi bật với cột cờ và các tháp ăng-ten vươn cao. Tuy đảo không lớn nhưng có vị trí rất đặc biệt: Là điểm phân chia Vịnh Bắc Bộ - cửa ngõ phía Nam của Vịnh Bắc Bộ - là tiền đồn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đảo cũng chính là điểm A11, là căn cứ để xác định đường cơ sở và hoạch định biên giới quốc gia trên biển. Huyện đảo Cồn Cỏ có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giữ vững an ninh, chủ quyền biển đảo của nước ta…

Sóng lớn, các tàu nhỏ không thể tiếp cận để đưa người lên đảo Cồn Cỏ, mà chỉ có thể gửi quà Tết lên đảo.

Rất nhanh, đã có một tàu nhỏ được cử ra để tiếp cận, đón đoàn đại biểu cán bộ, phóng viên lên đảo. Các chiến sĩ tàu KN-390 thoăn thoắt di chuyển các sợi dây, tìm cách kết nối hai tàu. Mười phút, hai mươi phút… gần một giờ đồng hồ. Nét mặt các cán bộ, chiến sĩ ngày một âu lo. Sóng to và gió lớn khiến tàu nhỏ không thể cập được vào mạn tàu KN-390. Thậm chí những sợi dây chão to bằng bắp tay cũng bị giằng đứt ngọt. Nhiều lúc, các con sóng lớn nâng tàu nhỏ lên cao như muốn quăng mạnh vào mạn tàu KN-390.

Một thành viên trong đoàn công tác không nén được cảm xúc tiếc nuối, vì đảo Cồn Cỏ ngay trong tầm mắt mà không thể đặt chân tới được vì sóng lớn.

Một thành viên trong đoàn công tác không nén được cảm xúc tiếc nuối, vì đảo Cồn Cỏ ngay trong tầm mắt mà không thể đặt chân tới được vì sóng lớn.

Suốt gần 4 tiếng đồng hồ, việc kết nối hai tàu để đưa đoàn đại biểu, phóng viên lên đảo vẫn không thể thực hiện được. Tiếng loa vang lên, thông báo việc không thể lên đảo do thời tiết xấu, không đảm bảo an toàn. Tất cả chúng tôi đều buồn bã hụt hẫng. Đã có những ánh mắt rưng rưng khi trông về phía đảo, tiếc nuối vì chỉ ngay trước mắt mà không thể đặt chân tới được…

Các chiến sĩ kiểm ngư đành cố gắng đưa hai tàu chạy hướng song song để tung các thùng hàng Tết, gửi lên đảo cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân. Việc chúc Tết đảo Cồn Cỏ được quyết định sẽ thông qua live stream trực tuyến…/.

(Còn nữa)

Đăng Bách

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/mang-xuan-dat-lien-den-dao-tien-tieu-bai-2-vuot-ngan-song-du-post60791.html