Mặt bằng lãi suất đang trên đà giảm
Với động thái điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong ngày hôm qua cùng một loạt các ngân hàng thương mại hạ mức lãi suất huy động ở một số kỳ hạn từ đầu tháng 11 cho tới thời điểm này, mặt bằng lãi suất được cho là sẽ sớm hạ xuống trong những tháng tới đây trong khi NHNN sẽ còn dư địa để tiếp tục hạ lãi suất.
Động thái điều chỉnh lãi suất của NHNN, theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban Nguồn vốn và Kinh doanh tiền tệ của Ngân hàng BIDV, nằm trong xu thế nới lỏng chính sách tiền tệ, đi kèm cắt giảm lãi suất, của khoảng 30-40 ngân hàng trung ương các nước trên thế giới trong năm 2019.
Diễn biến lãi suất năm 2019, như ông Quỳnh giải thích, là một điều bất ngờ với nhiều người vì tại thời điểm cuối năm 2018, nhiều chuyên gia dự báo lãi suất sẽ tăng trong năm 2019 và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất ít nhất 2 lần.
Nhưng sang tới năm 2019, diễn biến theo cấp độ tăng nhanh và mạnh của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã làm thay đổi cục diện của tình hình kinh tế thế giới, kéo theo lãi suất đảo chiều, với Fed hạ lãi suất vài lần thay vì tăng như dự báo.
“Thông thường chính sách của NHNN vẫn được coi là linh hoạt-thận trọng, phù hợp với các diễn biến của thị trường. Tới thời điểm này, NHNN đã cắt giảm lãi suất OMO, lãi suất tái chiết khấu, và lãi suất phát hành tín phiếu của NHNN, như vậy là cả lãi suất đầu vào và đầu ra”, ông Quỳnh chia sẻ tại buổi hội thảo về dịch vụ tài chính ngân hàng tại Hà Nội sáng nay (19-11).
“Tín hiệu từ chính phủ cũng mong muốn trong năm 2020 sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ thúc đẩy kinh tế. Việt Nam đang đi theo một xu hướng của thị trường quốc tế: chúng ta đang điều chỉnh và giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh”.
Với việc điều chỉnh lãi suất của NHNN và xu hướng hiện tại, dù độ trễ sẽ xảy ra tại Việt Nam trong tương quan so sánh với diễn biến trên thế giới, ông Quỳnh nhận định tác động tới lãi suất cho vay và huy động trong thời gian tới sẽ trở nên rõ nét hơn trong năm 2020.
“Mục đích NHNN muốn hướng tới nhiều hơn, theo quan điểm của tôi, là hạ mặt bằng lãi suất chung trong nền kinh tế, bao gồm lãi suất huy động và lãi suất cho vay".
Theo phân tích của ông Quỳnh, trên thị trường vốn, việc giảm lãi suất sẽ tác động lên các sản phẩm tài chính khác nhau. Với các công cụ nợ dài hạn như trái phiếu với lãi suất cụ thể, lãi suất trái phiếu càng giảm thì giá trái phiếu sẽ càng cao. Còn đối với tỷ giá, nếu lãi suất của đồng tiền nào giảm, và có xu hướng giảm mạnh, thì sẽ tác động làm giá trị của đồng tiền đó giảm.
Tuy nhiên tỷ giá USD/VND khá ổn định trong thời gian này bởi NHNN điều chỉnh lãi suất muộn hơn so với các nước trong khu vực và tiền đồng cũng được hỗ trợ bởi thăng dư thương mại, cán cân thanh toán, cán cân vốn và Việt Nam đang thu hút đầu tư nước ngoài khá tốt nên nguồn cung đô la trong nền kinh tế đang dồi dào. Và tất cả điều này đang hỗ trợ tiền đồng ổn định và không bị mất giá so với các đồng tiền khác trong khu vực.
Còn theo chuyên gia kinh tế Prakash Sakpal, chuyên nghiên cứu về khu vực châu Á của Ngân hàng ING của Hà Lan, mức lãi suất thực của Việt Nam hiện ở mức xấp xỉ 4% (lãi suất điều hành của NHNN ở mức 6% trừ đi lạm phát giá tiêu dùng gần đây nhất ở mức gần 2%) là một trong những mức lãi suất cao nhất tại khu vực châu Á.
Và với mức độ lạm phát như vậy, ông Prakash cho rằng: “NHNN vẫn còn dư địa để có thể cắt giảm lãi suất điều hành như một chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Với GDP của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7,3% trong quí 3, tăng từ 6,7% trong 2 quí đầu năm, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng NHNN sẽ có lý do để chậm kích thích tiền tệ, bao gồm giảm lãi suất và nới lỏng định lượng, tại thời điểm hiện tại. Với lạm phát giảm trong năm 2019 đi kèm cùng giá dầu đang ở mức thấp, sang tới năm 2020, xu thế này có thể sẽ được tiếp tục duy trì bởi NHNN, nhằm theo đuổi chính sách ổn định.
“Việc NHNN cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản sẽ có lợi cho nền kinh tế nói chung vì nó sẽ khuyến khích chi tiêu nhiều hơn (cả người tiêu dùng và đầu tư, qua đó kích cầu nội địa, là điều cần thiết trong thời điểm có bất ổn thương mại quốc tế), nhằm duy trì nền kinh tế trên chặng đường tăng trưởng nhanh trong giai đoạn sắp tới”, ông Prakash chia sẻ với TBKTSG Online.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phấn đấu giảm lãi suất cho vay, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối, NHNN ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực kể từ ngày 19 tháng 11 năm 2019 như sau:
Quyết định số 2415/QĐ-NHNN ngày 18-11-2019 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại TCTD theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17-3-2014.
(2) Quyết định số 2416/QĐ-NHNN ngày 18-11-2019 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.
Trang Nguyễn
Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/297055/mat-bang-lai-suat-dang-tren-da-giam.html