'Mặt tiền' của đô thị mới Thủ đô

Trong tương lai phường Hồng Hà sẽ trở thành một khu vực điểm nhấn của khu đô thị hiện đại hướng mặt về sông Hồng, một diện mạo mới của Thủ đô.

Phường Hồng Hà

Một góc phường Hồng Hà, thành phố Hà Nội. Ảnh: Tâm Đỗ

Một góc phường Hồng Hà, thành phố Hà Nội. Ảnh: Tâm Đỗ

Biểu tượng phát triển mới

Với vị trí nằm dọc theo bờ Nam sông Hồng, phường Hồng Hà sở hữu những đặc điểm địa lý độc đáo và tạo nên một không gian phát triển đầy tiềm năng. Dải đất ven sông này không chỉ đơn thuần là ranh giới địa lý mà còn là cầu nối tự nhiên, nơi giao thoa giữa đô thị và dòng chảy lịch sử. Ngoài ra, phường Hồng Hà được kỳ vọng là “mặt tiền” của đô thị mới, kết nối khu phố cổ với các vùng đô thị phía bắc như Long Biên, Đông Anh, Gia Lâm. Hà Nội đang đầu tư mạnh mẽ vào trục cảnh quan - giao thông - văn hóa dọc sông, gồm: đường ven sông, vành đai xanh, tuyến buýt thủy, cầu vượt, phố đi bộ ven đê, công viên nổi và điểm đỗ xe ngầm. Đặc biệt, phường Hồng Hà đang sở hữu lợi thế giao thoa giữa đô thị cổ và hiện đại, giữa văn hóa truyền thống và hạ tầng mới là điểm xuất phát để “đưa Hà Nội ra sông”, mở rộng không gian đô thị và phát triển kinh tế - du lịch bền vững.

Điểm nhấn là bến hoa Phúc Xá, nằm dưới chân cây cầu Long Biên lịch sử, nơi trước đây được biết đến là địa điểm ngập tràn rác thải, thậm chí tệ nạn xã hội, thì nay đã biến thành một điểm nhấn đặc biệt với những dải hoa rực rỡ, điểm check-in lý tưởng của nhiều người dân. Là một trong những người dân đóng góp sức mình để cải tạo khu vực này trở thành bến hoa Phúc Xá như ngày hôm nay, chị Hoàng Thị Thu Lan (Đoàn thanh niên phường Phúc Xá cũ) mong muốn tương lai, sắc hoa sẽ trải dài hai bên bờ sông thay vì chỉ là một phần diện tích rất nhỏ này.

Ngay sau khi phường Hồng Hà chính thức vận hành theo mô hình đơn vị hành chính mới, Tổ công tác số 4 về chỉ đạo, hướng dẫn công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn TP do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền làm Tổ trưởng đã trực tiếp đến kiểm tra, đôn đốc và động viên Đảng bộ, chính quyền cùng Nhân dân phường Hồng Hà. Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nhận định, bên cạnh niềm tự hào khi nhận sứ mệnh mới, phường Hồng Hà cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức. Gợi mở một số định hướng để phát triển phường Hồng Hà phù hợp với tiềm năng và điều kiện tự nhiên vốn có, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị, phường Hồng Hà cần đặt trọng tâm phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp chất lượng cao, tận dụng lợi thế của vùng bãi ven sông để phát triển. Đây vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là hướng đi lâu dài để xây dựng phường Hồng Hà thành một công viên sinh thái, điểm đến hấp dẫn của Thủ đô.

Hình mẫu về quản lý đô thị hiện đại

Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc tổ chức lại địa giới và hình thành phường Hồng Hà giúp giải quyết những tồn tại từ nhiều năm qua về phát triển đầu tư xây dựng hai bên sông Hồng. “Từ trước đến nay, ranh giới các phường, xã ven sông chia theo dòng sông, cho nên có những khu vực cùng một vùng đất bãi nhưng lại chịu sự quản lý hành chính của nhiều đơn vị khác nhau. Sự phân hóa địa bàn này khiến việc giải quyết những vấn đề lớn của khu vực đất ngoài đê thiếu sự đồng nhất, tạo ra tiếng nói chung. Hiện nay, tất cả đã thuộc địa giới hành chính của một phường nên chắc chắn sẽ là bước đột phá, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong giải quyết các tồn tại từ trước đến nay” - TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, trên địa bàn phường Hồng Hà, nhiều dự án giao thông trọng điểm đã và đang được triển khai, đóng vai trò tạo động lực cho đô thị phát triển. Điển hình là dự án Cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, giúp kết nối thuận lợi giữa khu vực trung tâm và các quận ven đô. Bên cạnh đó, các tuyến đường ngoài đê được nâng cấp và mở rộng, bảo đảm thoát lũ, giao thông thuận tiện và phát triển dịch vụ đô thị. Dự kiến hình thành đại lộ cảnh quan ven sông Hồng, công viên đô thị, phố đi bộ và bến thuyền du lịch, hứa hẹn biến khu vực ven sông thành không gian mở mang tính biểu tượng của Thủ đô.

Tại kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Bộ Chính trị đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ đặc biệt của TP là chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, với mục tiêu phát triển sông Hồng sẽ là “biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Trên cơ sở đó, nhiều tuyến đường trước đây vốn xuống cấp, ngập úng hoặc thiếu hệ thống thoát nước nay đã được quy hoạch lại, mở rộng kết nối, gắn với các giải pháp cảnh quan đô thị và cây xanh đô thị. Hệ thống thu gom rác thải, chiếu sáng công cộng, vỉa hè và công viên ven sông được đồng bộ hóa, xóa bỏ hình ảnh lộn xộn, nhếch nhác tồn tại suốt nhiều năm ở vùng bãi sông Hồng.

Đáng chú ý, chính quyền cơ sở mới được thành lập đang tập trung tổ chức lại không gian sinh hoạt cộng đồng: khu vực thể dục thể thao, sân chơi trẻ em, tuyến đường đi bộ, bến thuyền du lịch… Đồng thời, nhiều địa phương trong khu vực đã tích cực phát động phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp”, huy động sự tham gia của người dân trong trồng cây, chỉnh trang mặt tiền nhà ở, cải tạo ngõ xóm và bảo vệ cảnh quan chung.

Phường Hồng Hà đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá, trở thành khu đô thị ven sông hiện đại, xanh và đáng sống giữa lòng Thủ đô. Phường Hồng Hà đang là đầu tàu mới cho hành trình vươn mình hiện đại hóa của Thủ đô. Một minh chứng cho bước chuyển mình của Hà Nội trong chiến lược phát triển đô thị tương lai.

Trong tương lai, hai bên sông Hồng là khu vực hình thành các tổ hợp thương mại, dịch vụ hiện đại với kiến trúc độc đáo, ấn tượng, thu hút cộng đồng và góp phần tạo dựng hình ảnh TP hai bên sông. Như vậy, khu vực này sẽ là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho kinh tế đô thị của Thủ đô Hà Nội phát triển.

GS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Với quy mô vượt trội, phường Hồng Hà trải dài từ cầu Nhật Tân đến cầu Vĩnh Tuy, ôm trọn một phần lớn không gian ven sông Hồng. Trụ sở của HĐND, UBND phường Hồng Hà được đặt tại địa chỉ số 30 phố Tứ Liên, trước là trụ sở hiện tại của Đảng ủy - HĐND - UBND phường Tứ Liên (quận Tây Hồ). Các đơn vị hành chính khác của phường Hồng Hà cũng sẽ có các trụ sở đặt tại các phường Nhật Tân, Tứ Liên (quận Tây Hồ cũ) và Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng cũ).

Triệu Tâm

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/mat-tien-cua-do-thi-moi-thu-do-425457.html