Mặt trận phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - Bài cuối: Cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân

Mặt trận các cấp trong tỉnh Kiên Giang phát huy mạnh mẽ vai trò tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân thi đua học tập, lao động, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ vững quốc phòng, an ninh, xứng đáng là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân.

KHI DÂN ĐỒNG THUẬN

Đến xã nông thôn mới nâng cao Đông Yên (An Biên), chúng tôi không khỏi bất ngờ trước những trục đường dẫn vào các khu dân cư được đổ bê tông phẳng phiu, hai bên đường người dân trồng hoa, làm hàng rào cây xanh tạo mỹ quan cho xóm ấp; hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang. Kết quả này đạt được từ quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, nhân dân xã trong xây dựng nông thôn mới, điển hình nhất là phong trào hiến đất làm đường, các công trình dân sinh.

Ông Trịnh Văn Út (bên trái), ngụ ấp Ngã Cạy, xã Đông Yên (An Biên) tạo dáng hàng rào bằng cây xanh. Ảnh: ĐẶNG LINH

Tuy không phải là hộ dư dả nhưng khi nghe xã có chủ trương xây dựng cầu giao thông nông thôn nối liền chợ xã Đông Yên qua Trường Tiểu học Đông Yên 1, ông Nguyễn Văn Tư, ngụ ấp Xẻo Đước 2 đã tự nguyện hiến hơn 40m2 để công trình sớm được thi công. “Nghe xã nói xây dựng cầu mới mà thiếu kinh phí, trong khi có hộ yêu cầu bồi thường phần đất nơi dốc cầu mới đồng ý cho thi công. Lúc đó vợ chồng tôi ngỏ ý hiến một phần đất thổ cư của gia đình mua chuẩn bị mở quán. Quán cất lên có hẹp một chút nhưng được đóng góp cho quê nhà thì không có gì phải tiếc”, ông Tư nói.

Xã Đông Yên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 và được công nhận nông thôn mới nâng cao vào tháng 12-2022. Sức bật xây dựng nông thôn mới của xã Đông Yên đã góp phần vào thành quả xây dựng nông thôn mới chung của huyện An Biên. Tháng 3-2024, huyện An Biên được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Kết quả này có vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện An Biên và các tổ chức thành viên trong tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện An Biên Trần Thanh Điền, từ năm 2011-2022, Mặt trận và các đoàn thể huyện tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động để thi công công trình giao thông nông thôn, thủy lợi trị giá trên 60 tỷ đồng; vận động cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị, cơ sở tôn giáo và nhân dân ủng hộ, đóng góp quỹ vì người nghèo và các chương trình an sinh xã hội được trên 158 tỷ đồng.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành cùng các lực lượng và người dân tuần tra bảo vệ cột mốc 301 vào tháng 7-2024. Ảnh: THU OANH

Huyện An Biên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là một minh chứng sinh động cho việc huy động sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhiệm kỳ 2019-2024, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã huy động sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới thông qua việc thành lập 987 mô hình trên các lĩnh vực thực hiện tiêu chí nông thôn mới, an toàn giao thông, an ninh, trật tự, môi trường, giảm nghèo bền vững…

Mặt trận các cấp vận động nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công, hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết; tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng gia đình, khu dân cư an toàn, sáng, xanh, sạch, đẹp… góp phần quan trọng hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 7 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có 111/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 21 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

BẢO VỆ ĐƯỜNG BIÊN, CỘT MỐC

Tháng 7-2024, lần đầu tiên ông Nguyễn Văn Ri, ngụ ấp Hòa Khánh, xã Tân Khánh Hòa (Giang Thành) cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành tuần tra bảo vệ cột mốc khiến ông rất xúc động. Ông Ri nói: “Tôi là nông dân chỉ biết làm ruộng, nuôi bò, nhờ được Mặt trận tuyên truyền nên tôi tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Hôm nay dù đi tuần tra gặp mưa lớn, đường bùn sình khó đi, nhưng bản thân tôi cảm thấy rất phấn khởi và tự hào khi được trực tiếp đến và chạm vào cột mốc chủ quyền biên giới quốc gia”.

Trong đội hình tuần tra của bộ đội biên phòng còn có sự tham gia của cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn viên, thanh niên, người có uy tín trên địa bàn. Là người thường xuyên đồng hành cùng bộ đội biên phòng trên những cung đường tuần tra, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tân Khánh Hòa La Thúy Ngọc cho biết: “Là cán bộ Mặt trận công tác ở địa bàn biên giới, tôi chú trọng tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự trên tuyến biên giới là hết sức quan trọng, qua đó phát huy được sức mạnh của nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới”.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Giang Thành Lý Phòl Ly (đứng) tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên, thanh niên và người dân tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Giang Thành Lý Phòl Ly (đứng) tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên, thanh niên và người dân tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Giang Thành Lý Phòl Ly cho biết để có được sự chung sức của người dân tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới, Mặt trận huyện thành lập được 3 mô hình các khu dân cư cập tuyến biên giới. Các mô hình tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, không có tội phạm kinh tế, hình sự, không vi phạm quy chế biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia và giữ gìn an ninh, trật tự trên tuyến biên giới, gắn với xây dựng nông thôn mới. Các tổ chức thành viên thành lập được 27 tổ làm công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc trên tuyến biên giới.

Cùng với đó, Mặt trận, các đoàn thể, lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện giữ gìn mối quan hệ hợp tác với Mặt trận và lực lượng vũ trang huyện giáp biên Kampong trach, Ban Teay Meas, tỉnh Kampot; huyện Kiri Vong, tỉnh Takeo (Vương quốc Campuchia). Các bên phối hợp tuyên truyền, vận động giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra có liên quan và mâu thuẫn trong nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới.

Nhiệm kỳ 2019-2024, Mặt trận huyện Giang Thành góp phần cùng Mặt trận tỉnh Kiên Giang thực hiện tốt các hoạt động xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác giữa các địa phương hai bên biên giới Việt Nam - Campuchia. Điểm nổi bật là Mặt trận tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện tốt tinh thần bản giao ước thi đua về xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang với Ủy ban Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia tỉnh Kampot, tỉnh Kep (Vương quốc Campuchia).

Mặt trận tỉnh Kiên Giang đã tổ chức giao lưu thể thao với Mặt trận các tỉnh giáp biên; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo vùng giáp biên, góp phần duy trì tốt mối quan hệ hữu nghị, truyền thống với các địa phương giáp biên của Vương quốc Campuchia.

THU OANH - ĐẶNG LINH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/mttq-doan-the/mat-tran-phat-huy-suc-manh-dai-doan-ket-toan-dan-toc-bai-cuoi-cau-noi-giua-y-dang-voi-long-dan-21896.html