Màu áo xanh tuổi trẻ Đồng Nai chung tay dựng xây mái nhà yêu thương
Từ những mái tôn thủng dột, hay những mảng tường bong tróc, nhiều gia đình khó khăn ở Đồng Nai đã có được căn nhà mới khang trang hơn nhờ vào tấm lòng và sự chung sức của những người trẻ áo xanh.

Lễ khởi công ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh, xã bàu Cạn, huyện Long Thành. Ảnh: Minh Hạnh
Những phận đời chênh vênh trong căn nhà xiêu vẹo
Nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai đã triển khai thực hiện phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đoàn viên thanh niên.
Để thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, công tác rà soát, xác định những gia đình thực sự cần sự hỗ trợ là điều hết sức quan trọng. Đoàn viên thanh niên chính là lực lượng tuyến đầu trong việc này. Họ không chỉ tổ chức, vận động mà còn thường xuyên sâu sát, thăm hỏi từng gia đình để nắm rõ tình hình của các hộ cần hỗ trợ.
Trong đó có hoàn cảnh của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Yến (ngụ xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu). Hơn 5 năm nay, sau khi chồng bỏ đi biền biệt, bà một mình nuôi 3 người con bị khuyết tật trí tuệ. Là lao động tự do, thu nhập lại bấp bênh, cuộc sống của gia đình bà Yến luôn chật vật từng ngày.
Khó khăn chồng chất khó khăn, căn nhà cấp 4 của bà ngày càng xuống cấp. Vào mùa khô, nắng rọi vào mái tôn khiến căn nhà như một lò lửa. Mùa mưa, cả bốn mẹ con phải liên tục lấy xô và chậu để hứng nước mưa dột từ mái.
Không chỉ vậy, vì mang trong mình căn bệnh sỏi thận lại không có ruộng rẫy để trồng trọt nên bà Yến chỉ có thể sống nương vào sự cưu mang của người thân và bà con xung quanh.

Căn nhà xập xệ của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Yến tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: Đoàn xã Phú Lý
Cũng sống trong căn nhà xập xệ, bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh (ngụ xã Bàu Cạn, huyện Long Thành) còn mang trong mình nhiều căn bệnh dai dẳng như tai biến, tiểu đường, cao huyết áp và hở van tim...
Do bệnh nặng, sức khỏe yếu, bà không thể đi làm để kiếm sống. Mọi gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai người chồng. Chồng bà đi làm xa nửa tháng mới về một lần. Chính vì vậy, trong căn nhà cấp 4 dột nát chỉ có hai mẹ con chăm sóc nhau.

Hai mẹ con bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh nương tựa nhau trong căn nhà nhỏ. Ảnh: Minh Hạnh
Bà Trinh ngậm ngùi chia sẻ: “Căn nhà của gia đình tôi được xây cách đây hơn 10 năm, giờ đã xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi khi mùa mưa đến, nước dột khắp nơi, khiến cuộc sống của gia đình càng thêm vất vả. Cũng muốn sửa lắm nhưng tôi không làm ra tiền, ông xã làm bảo vệ lương ba cọc ba đồng, không đủ chi tiêu nữa là sửa nhà”.
Thanh niên là lực lượng tuyến đầu thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nắm bắt được hoàn cảnh khó khăn của bà Trinh, bà Yến, cũng như những trường hợp tương tự cần hỗ trợ, đoàn viên thanh niên địa phương thường xuyên quan tâm, thăm hỏi và đặt mục tiêu quyết tâm giúp các hộ gia đình này sửa chữa lại căn nhà mới, giúp họ ổn định cuộc sống.

Đoàn viên thanh niên chung tay hỗ trợ sửa chữa nhà cho người dân. Ảnh: Minh Hạnh
Ngày chính thức khởi công nhà, dưới cái nắng gay gắt, các bạn trẻ không ngần ngại khuân vác gạch, bưng bê đồ đạc, hỗ trợ người dân trong quá trình sửa chữa nhà. Hình ảnh những thanh niên áo xanh nhiệt huyết làm việc không ngừng nghỉ đã truyền tải một thông điệp mạnh mẽ về tình đoàn kết, sự sẻ chia và tinh thần "tương thân tương ái".

Đoàn viên thanh niên chung tay hỗ trợ sửa chữa nhà cho người dân. Ảnh: Minh Hạnh
Bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh không kìm được xúc động khi nhận được sự hỗ trợ: “Lúc biết tin được xã hỗ trợ sửa chữa nhà, tôi cảm thấy rất là vui và xúc động. Hiện tại tôi mang trong mình bao nhiêu căn bệnh, tiền tái khám, điều trị cũng là nhờ bà con hỗ trợ, đâu có tiền mà sửa nhà. Căn nhà hiện tại thì xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa bão. Nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của xã, tôi rất biết ơn và vui mừng”.
Từ đầu năm 2025 đến nay, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh đã cùng phối hợp thực hiện 4 công trình hưởng ứng phong trào “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên toàn tỉnh, tổng trị giá 300 triệu đồng, trong đó có huy động 800 ngày công của đoàn viên, thanh niên.

Ban Thường vụ Đoàn xã Bàu Cạn thăm hỏi hộ gia đình đã được bàn giao lại căn nhà mới. Ảnh: Minh Hạnh
Bí thư đoàn xã Bàu Cạn, huyện Long Thành Huỳnh Thuận Phát cho biết: "Ban Thường vụ Đoàn xã đã vận động được 180 triệu đồng để mua vật liệu, công thợ thực hiện công trình. Việc hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở sớm ổn định cuộc sống, có điều kiện vươn lên thoát nghèo là việc làm thiết thực có ý nghĩa to lớn. Thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương".
Bí thư đoàn xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu Phạm Thị Khánh Linh chia sẻ: ''Những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã đều được tổ chức Đoàn xã quan tâm bằng nhiều cách khác nhau. Và mong rằng, những việc làm thiết thực của Đoàn xã, sẽ lan tỏa rộng rãi, mang những đơn vị tài trợ tiềm năng về hỗ trợ thêm cho người dân xã nhà. Giúp xã Phú Lý ngày càng giàu đẹp và văn minh".
Từng viên gạch xây lên ngôi nhà mới không chỉ là niềm hy vọng của những gia đình được hỗ trợ, mà còn là niềm vui, sự tự hào của tuổi trẻ khi được cống hiến hết mình cho quê hương. Từ đó, thực hiện thắng lợi mục tiêu không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách nào phải sống trong nhà tạm, nhà dột nát mà UBND tỉnh đã đề ra tại Lễ phát động “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2025.
Phát biểu tại Lễ phát động “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh: “Từ năm 2021 đến nay toàn tỉnh đã xây dựng mới và sửa chữa được 1.085 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết. Trong đó xây mới 897 căn nhà và sửa chữa 188 căn nhà, góp phần ổn định chỗ ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ các hộ khó khăn nâng cao đời sống vật chất, tinh thần".