Thêm cơ hội để TPHCM vươn mình
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định 759 phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Với đề án này, TPHCM sẽ sáp nhập với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương. Đây là phương án rất phù hợp để TPHCM có không gian phát triển tốt hơn.
Nhiều thuận lợi sau sáp nhập
Sau sáp nhập, TPHCM sẽ có diện tích 6.772,6 km2, dân số hơn 13,6 triệu người; quy mô kinh tế lớn nhất cả nước so với các tỉnh, thành phố sau sáp nhập.
Nhìn một cách toàn diện, việc sáp nhập ba tỉnh, thành phố sẽ mở ra không gian kinh tế - xã hội rộng lớn với sự hội tụ của đầy đủ các lợi thế, tiềm năng để thúc đẩy TPHCM mới vươn mình phát triển mạnh mẽ và đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung của cả nước trong thời gian tới. Có thể nhận thấy, sau sáp nhập, TPHCM có nhiều thuận lợi và cơ hội lớn.

Sau khi sáp nhập, TPHCM có nhiều thuận lợi hơn để phát triển. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trước hết, về không gian phát triển, TPHCM có đủ không gian để thiết kế, tổ chức phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả hơn, giải quyết tốt các vấn đề đã và đang kìm hãm sự phát triển của thành phố như: năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn của thành phố trong thu hút đầu tư suy giảm do những hạn chế về không gian phát triển, hạ tầng giao thông…
Do đó, việc sáp nhập này giúp thành phố có không gian phát triển để quy hoạch, tổ chức phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức các phân khu đô thị chức năng một cách thuận tiện, chuyển đổi và thu hút các dòng FDI thế hệ mới hiệu quả hơn.
Sau khi sắp xếp, vùng đô thị nội thành hiện hữu nên được tổ chức, đầu tư phát triển để cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ quốc tế cùng với các hoạt động kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo trên cơ sở khai thác các thế mạnh của đô thị tương tác cao như TP Thủ Đức, các vùng lân cận của tỉnh Bình Dương hiện nay.
Phần lớn tỉnh Bình Dương hiện nay kết hợp cùng các vùng tiếp giáp của TPHCM sẽ tạo thành không gian phát triển các chuỗi cụm công nghiệp. Đồng thời, thành phố cũng sẽ thuận lợi khi di dời, chuyển đổi công năng của các khu công nghiệp, khu chế xuất trong nội thành hiện hữu để tạo lập quỹ đất phát triển các dịch vụ quốc tế cao cấp…
Về tổng thể, việc sáp nhập này giúp thành phố khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng trên cơ sở cộng hưởng của ba tỉnh, thành phố hiện hữu để giải các bài toán lớn trong chiến lược tăng tốc phát triển kinh tế của đất nước trong những thập kỷ tới.
Thứ hai, sau sáp nhập, TPHCM có điều kiện, tiềm năng rộng lớn hơn để phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch.
Nhìn vào phương án sáp nhập các tỉnh, thành phố của Bộ Chính trị có thể nhận thấy định hướng quan trọng trong điều chỉnh không gian phát triển kinh tế của đất nước là phát huy, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế kinh tế từ biển.
Giống như nhiều tỉnh, thành mới, TPHCM sau sáp nhập có không gian để tổ chức phát triển kinh tế biển cũng như du lịch thuận lợi, giúp các địa phương khai thác mọi tiềm năng, lợi thế từ biển để tổ chức phát triển kinh tế - xã hội.
Sau sáp nhập, Nhà Bè - Cần Giờ - Vũng Tàu sẽ kết nối, mở ra không gian, cơ hội phát triển cho thành phố từ kinh tế biển. Trong 10 năm tới, với hệ thống đường cao tốc, các đường vành đai; hệ thống đường sắt đô thị kết nối cùng với hệ thống giao thông đường thủy, đường biển và cây cầu trên biển nối Cần Giờ - Vũng Tàu, sẽ tạo ra những lợi thế, tiềm năng mới để thành phố phát triển…

Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại quận 1, TPHCM
Thứ ba, thành phố cũng sẽ chủ động hơn trong quy hoạch phát triển các vùng đệm, vùng dự trữ và các điều kiện phát triển xanh để đảm bảo tính bền vững trong các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Cùng với các tiềm năng, lợi thế khác, thành phố sẽ chủ động hội nhập, huy động và khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, thực sự trở về vai trò là đầu tàu kinh tế, tăng tốc phát triển, đóng góp đến gần 1/3 tỷ trọng kinh tế của cả nước.
Nhanh chóng thích ứng mô hình mới
Tuy nhiên, sau sáp nhập, TPHCM mới cần quan tâm, thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng tốc phát triển. Trước mắt là kiện toàn và nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị của Đảng bộ, chính quyền thành phố thích ứng với mô hình tổ chức mới, với quy mô, phạm vi lãnh đạo, quản lý rộng lớn của một siêu đô thị. Kế đến là đổi mới và thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố ngang tầm nhiệm vụ.
Quy hoạch và tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cùng với các kịch bản phát triển hướng đến mục tiêu tăng trưởng hai con số và tính bền vững trong phát triển đô thị, đồng thời đảm bảo vừa khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế vừa đảm bảo tính hài hòa, cân đối trong phát triển giữa các khu vực của thành phố. Nâng cao năng lực cạnh tranh đô thị và tăng sức hấp dẫn của thành phố trong cạnh tranh quốc tế.

Sáp nhập với Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển. Ảnh: Sở QH-KT
Một giải pháp quan trọng mà TPHCM cần thực hiện ngay là tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong các hoạt động lãnh đạo, quản lý, tổ chức phát triển kinh tế - xã hội để cư dân thực sự là trung tâm của đô thị và doanh nghiệp là đối tác trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, xây dựng TPHCM trở thành đô thị sáng tạo, là không gian để mọi cá nhân, tổ chức ra sức sáng tạo trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Thiết lập các kênh, các diễn đàn để thu hút ý tưởng sáng tạo phát triển thành phố từ mọi chủ thể trong xã hội, trong và ngoài nước. Trong đó, cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố phải thực sự là nơi đi đầu, nuôi dưỡng và tôn vinh các ý tưởng sáng tạo. Thành phố cần xem “sức sáng tạo” trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển thành phố trong những thập kỷ tới. Song song với giải phóng mọi điểm nghẽn để nâng cao năng suất lao động, năng suất nhân tố tổng hợp (TFP); phát triển kinh tế tri thức, kinh tế trí tuệ nhân tạo cùng với việc nhanh chóng chuyển đổi công năng, nâng cao hàm lượng tri thức trong các đơn vị, sản phẩm của các khu công nghiệp, khu chế xuất… trên địa bàn thành phố.
Trong bối cảnh hiện nay, để tăng tốc phát triển, TPHCM hay bất kỳ tỉnh, thành nào cũng không thể tách rời việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, TPHCM cũng phải chú trọng xây dựng và thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo chủ động trong các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và ứng phó với xu hướng già hóa dân số đang ngày càng trở thành thách thức lớn trong tiến trình phát triển.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/them-co-hoi-de-tphcm-vuon-minh-post790854.html