Mấu chốt là giải quyết đến cùng các kiến nghị của cử tri

Đây là quan điểm được các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh khi thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV. Các đại biểu cũng kiến nghị nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri trong thời gian tới.

Đánh giá thực chất hơn kết quả giải quyết

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV đã cho thấy nỗ lực lớn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao trong việc xem xét, trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri. Qua đó cũng phản ánh mức độ hài lòng, tin tưởng của cử tri đối với chức năng giám sát của Quốc hội.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đưa ra nhận định trên, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cũng cho rằng, chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri cần tiếp tục được quan tâm hơn khi vẫn còn những kiến nghị về một số vấn đề kéo dài, hoặc việc trả lời kiến nghị không thỏa đáng, việc giải quyết kiến nghị chưa được dứt điểm.

Theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, riêng Chính phủ, các bộ, ngành đã tiếp nhận và trả lời 2.117/2.122 kiến nghị, đạt 99,8%. Trong đó, có 1.772 kiến nghị cử tri được các bộ, ngành giải trình và cung cấp thông tin, chiếm 83,7% tổng số kiến nghị cử tri được xem xét, giải quyết, trả lời; có 95 kiến nghị cử tri đã được các bộ, ngành nghiên cứu, xem xét, giải quyết, chiếm 4,5% tổng số kiến nghị cử tri và còn 250 kiến nghị đang được nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết.

“Mấu chốt là phải giải quyết được đến cùng các kiến nghị của cử tri, tránh tình trạng chuyển đơn thư kiến nghị của cử tri đi lòng vòng”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.

ĐBQH Phạm Đức Ấn (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phạm Đức Ấn (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chia sẻ quan điểm trên, ĐBQH Phạm Đức Ấn (Hà Nội) nêu rõ, vấn đề được các đại biểu quan tâm nhất là việc kiến nghị của cử tri có được giải quyết hay không. Nhiều cử tri Hà Nội rất mong muốn tăng tỷ lệ trả lời kiến nghị của cử tri có phương án giải quyết triệt để. Nếu trong trường hợp không giải quyết được triệt để thì cấp có thẩm quyền cần cho biết rõ thời gian giải quyết như thế nào, phương án ra sao.

Để đánh giá thực chất hơn kết quả và chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri, ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) cho rằng, nội dung giải quyết kiến nghị của cử tri cần được phân ra thành ba nhóm: một là, những kiến nghị của cử tri đã được giải quyết cuối cùng; hai là, những kiến nghị thuộc thẩm quyền nhưng đang được xem xét giải quyết; ba là, những kiến nghị bộ, ngành đang nghiên cứu tham mưu trình cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.

ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đại biểu Phạm Đình Thanh cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã tổng hợp gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội 8 kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, ngành Trung ương; đến nay đã nhận được văn bản trả lời đối với 8/8 kiến nghị.

"Tuy nhiên, vẫn còn những việc đã tồn tại nhiều năm, cử tri và chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị và cũng đã nhận được văn bản trả lời nhưng đến nay chưa có kết quả giải quyết cuối cùng".

Do đó, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tăng cường chỉ đạo theo dõi, đôn đốc việc trả lời và giải quyết kiến nghị của cử tri; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, nhất là về những vấn đề tồn tại lâu năm.

Tăng cường giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri

Từ thực tiễn giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng đề nghị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hoàn thiện phương thức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; nghiên cứu bổ sung quy định về việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thông qua hình thức phản hồi của cử tri về kết quả giải quyết đó, tức là quy định cụ thể về việc lấy ý kiến của cử tri về những vấn đề mà họ kiến nghị có được cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời, đầy đủ, đúng quy định pháp luật hay không. Đại biểu cũng đề nghị, cần bổ sung quy định về “hậu giám sát” đối với việc giải quyết các kiến nghị của cử tri để kịp thời yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý những vấn đề mới phát sinh.

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị, cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc triển khai thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, trong đó quy định rõ việc phối hợp giữa các cơ quan của cơ quan dân cử với các cơ quan nhà nước khác trong việc giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; nghiên cứu sớm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015.

Cũng theo đại biểu, cần tiếp tục hoàn thiện quy định về đối tượng, phạm vi giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, “khoanh vùng” tập trung vào đối tượng giám sát là cơ quan hành pháp để qua đó giúp giảm tải cho cơ quan dân cử, đồng thời, có những biện pháp kịp thời nhằm bảo đảm những kiến nghị của cử tri được cơ quan chức năng giải quyết tốt nhất.

ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) kiến nghị Quốc hội chọn lọc những nhóm kiến nghị của cử tri có nhiều vướng mắc, nhất là những vướng mắc về pháp luật, để tổng hợp thực hiện giám sát việc giải quyết nhóm kiến nghị bằng hình thức phù hợp. “Nếu đã thấy đầy đủ cơ sở thì có kiến nghị xem xét sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan”, đại biểu đề xuất.

Tiếp thu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình khẳng định, đối với những ý kiến liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành, Chính phủ, các kiến nghị đã được các bộ trưởng trả lời và đưa ra các giải pháp cụ thể để giải quyết, trong thời gian tới, Ban Dân nguyện sẽ tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện.

Đối với các kiến nghị còn tồn đọng, kiến nghị được đông đảo cử tri có ý kiến qua nhiều kỳ họp, Ban Dân nguyện sẽ tiếp thu và tiếp tục tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát, đôn đốc việc trả lời dứt điểm. Trưởng Ban Dân nguyện cũng đề xuất, sẽ công khai kết quả giám sát việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/mau-chot-la-giai-quyet-den-cung-cac-kien-nghi-cua-cu-tri-i372669/