Màu của nỗi nhớ

Bạn tôi nói, nỗi nhớ thì làm gì có màu? Vậy mà với tôi, thật lạ, nỗi nhớ trong tôi lúc nào cũng đầy màu sắc rực rỡ, lung linh đến diệu kỳ. Màu nỗi nhớ trong tôi là màu bình yên. Bình yên là khi được ở trong ngôi nhà của mẹ, một buổi sáng tinh sương thảnh thơi nhìn nắng lấp ló ngoài rặng cây hoặc một buổi chiều ngắm mưa rơi lắc rắc từng giọt nhẹ nhàng, trong suốt, tí tách.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Tôi lắng nghe từng tiếng chim hót và cảm nhận âm thanh của từng loài một. Chim khướu với chất giọng thánh thót, ngân vang, trầm bổng, chi ri thường tụ tập một nhóm lích cha lích chích, còn chim cu thì lại có một âm điệu gù gù nghe cũng dễ thương vô cùng... Thi thoảng, trong hợp âm tiếng chim có lẫn tạp âm của mấy chú chó nghịch ngợm trêu đùa nhau inh ỏi, tiếng gà trống đứng trên ụ rơm cao gáy vang từng hồi như tiếng trống giục giã...

Bình yên là khi tôi bước chân ra khu vườn ngập tràn sắc màu xanh của cây cỏ, đưa mũi ngửi những mùi của các loài hoa, của lá non ban mai sương đọng long lanh, của mùi đất dậy lên sau một đêm ướt đẫm sương nồng nồng, ngai ngái. Tôi như chú ong, chú bướm nhỏ dạo chơi quanh vườn với muôn hoa, lá mà không biết chán. Tôi thấy mình thật nhỏ bé, đứng dưới gốc cây nghe cây thì thầm, nghe đất trở mình với biết bao câu chuyện của muôn loài.

Màu nỗi nhớ trong tôi là màu hạnh phúc. Hạnh phúc được tạo nên bởi những điều giản dị, chẳng cao siêu, khó tìm mà gần ngày trước mắt. Đó là khi tôi được thức dậy trong ngôi nhà với đầy đủ khuôn mặt, dáng hình của mẹ cha, của anh chị em thân quen. Tôi yêu từng cử chỉ, giọng nói, tiếng cười và cả những lời càm ràm của cha mẹ. Tôi vẽ màu hạnh phúc cho bạn xem trong mâm cơm gia đình gồm 6 thành viên, đạm bạc nhưng đủ đầy, quây quần. Mâm cơm có chút cá mọn cha đi chài lưới dưới sông sáng mai, có bát canh rau tập tàng mẹ hái ngoài vườn, có đĩa rau bí luộc xanh mướt mắt. Và không thể thiếu bát cơm trắng nóng hổi, thơm tho chắt chiu từ công sức lao động của cha mẹ.

Tôi vẽ màu nỗi nhớ hạnh phúc thuở còn ở quê cắp sách tới trường cùng đám bạn trong làng. Chúng tôi tung tăng nắm tay nhau qua mùa hè bỏng rát, mồ hôi rỉ ướt đẫm áo, mùa đông gió lùa lạnh cắt da cắt thịt. Tôi nhớ đốm lửa hồng lúc giờ ra chơi trong mùa đông lạnh giá, nhớ giọng nói thầy cô thân thương, thương học sinh nghèo lúc nào cũng coi như con cái trong gia đình. Chúng tôi cùng nhau lớn lên vô tư, chẳng bao giờ để ý, sợ bạn bè cười chê hay miệt thị...

Màu nỗi nhớ trong tôi là màu sẻ chia. Tôi nhớ một chiều hoàng hôn đứng bóng bên chợ làng bé xíu, người ta đã cưu mang, san sẻ với những mảnh đời bất hạnh. Mỗi người góp sức một chút. Người cho miếng thịt, người cho con tôm, con cá... Những mảnh đời bất hạnh đó là những em bé lang thang ngoài chợ, chị gái là mẹ đơn thân trong làng thêm bệnh tật ốm đau chịu khó ngồi góc chợ mong có đồng ra đồng vào. Người dân ở chợ giúp nhau bằng cái tình, người có ít giúp ít, người có nhiều giúp nhiều. Cách giúp cũng nhẹ nhàng, tinh tế để người nhận không cảm thấy bị tổn thương. Và những hành động như vậy đã soi rọi vào tôi để thấy mình lớn hơn từng ngày, để lòng mở ra bao dung và rộng lượng với câu thành ngữ “Lá lành đùm lá rách”...

Màu của nỗi nhớ là niềm đau, là sự thất bại. Người ta thường giấu đi những khó khăn, nỗi đau, nhưng với tôi, tất cả những thứ đó đã tạo nên một hình hài, nhân cách giúp tôi trưởng thành hơn. Tôi học cách chấp nhận, học cách sửa chữa lỗi lầm trong quá khứ để gây dựng kế hoạch, ước mơ cho sau này.

Màu của nỗi nhớ trong tôi là là vô vàn những gam màu khác nhau, kì diệu và lấp lánh. Tôi biết ơn tất cả những sắc màu đó. Trân trọng quá khứ để viết tiếp cho một tương lai tốt đẹp...

Mai Hoàng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mau-cua-noi-nho-post477376.html