'Màu lá rừng trên màu biển xanh'

Chương trình nghệ thuật chính luận 'Màu lá rừng trên màu biển xanh' do Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi và Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên (VTV8) tổ chức cuối tháng 6 vừa qua đã mang đến những câu chuyện xúc động, đậm nghĩa tình quân dân. Chương trình kể lại những tấm gương người lính quân hàm xanh đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, để lại dư âm lắng đọng và bùi ngùi trong lòng người xem.

Một tiết mục văn nghệ do Đoàn Văn công Quân khu 5 biểu diễn trong chương trình. Ảnh: Văn Chương

Một tiết mục văn nghệ do Đoàn Văn công Quân khu 5 biểu diễn trong chương trình. Ảnh: Văn Chương

Chương trình diễn ra trong 90 phút tại tỉnh Quảng Ngãi và được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình tại nhiều tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Lâm Đồng, An Giang, Khánh Hòa... Tại xã Vạn Tường, tỉnh Quảng Ngãi, người dân thôn Phước Thiện khi theo dõi chương trình đã xúc động nhắc đến những câu chuyện mang nặng nghĩa tình quân dân, gắn liền với cái tên Mai Hớn, Nguyễn Ngận. Sau năm 1975, lực lượng trinh sát và vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Bình Hải, Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ngãi được cắm chốt lâu dài tại địa bàn. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã sinh hoạt, công tác tại chính nhà của ông Hớn, ông Ngận và nhiều hộ dân khác.

Ông Hớn và ông Ngận khi đó đều đã tuổi cao, nhưng đêm nào cũng thức dậy khi thấy anh em Biên phòng trở về trong màn đêm, để thắp đèn dầu soi sáng ngôi nhà đơn sơ - cột kèo bằng tre, mái lợp tôn, quanh nhà đầy lưới, chì, phao. Người dân địa phương thường quen gọi lực lượng BĐBP là “Công an Biên phòng”, do giai đoạn 1988-1995, thuộc Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Ông Hớn từng trìu mến hỏi: “Giờ mới về hả con? Đêm nào cũng đi địa bàn tới khuya. Bà con ai cũng nói, có các chú Công an Biên phòng, tình hình an ninh trật tự yên tâm lắm!”.

Những năm trước, đường giao thông trên tuyến biên giới còn lầy lội, chủ yếu là đường đất cấp phối. Mùa nắng thì bụi mù, mùa mưa có lúc tắc nghẽn. Anh em bám địa bàn phần lớn phải di chuyển bằng xe đạp, nên quãng đường từ đồn về địa bàn dường như dài hơn gấp bội. Cũng từ đó, nhiều gia đình đã trở thành “gia đình kết nghĩa” của những người lính Biên phòng. Không ít chiến sĩ sau khi xuất ngũ đã lập gia đình, gắn bó trọn đời với mảnh đất này.

Tại phường Hòa Hiệp (trước thuộc tỉnh Phú Yên, nay thuộc tỉnh Đắk Lắk), bà Nguyễn Thị Sửu sống trong căn nhà nhỏ gần cửa biển - đoạn cuối của dòng sông Đà Nông. Mỗi khi nhắc đến những người lính Biên phòng, ánh mắt bà lại ánh lên niềm thương nhớ. Lần gặp gần đây, tôi cùng bà ra bờ sông trước nhà. Dòng nước lấp lánh ánh mặt trời, soi bóng ngọn núi Đá Bia xa xa. Bà Sửu lặng im, mái tóc bạc phơ bay nhẹ trong gió. Rồi bà chậm rãi cất tiếng, gọi tên từng người lính đã từng trú lại nhà mình. “Thằng Anh, thằng Ảnh về quê hết rồi, mẹ nhớ tụi nó lắm!”. Từ “nhớ” được bà lặp lại trong nghẹn ngào.

Những năm trước, khi BĐBP tỉnh Phú Yên (nay là BĐBP tỉnh Đắk Lắk) bám địa bàn tuyến biển, căn nhà nhỏ của bà Sửu như một “chốt Biên phòng” bên dòng Đà Nông. Hai người con gái của bà – Nguyễn Thị Điểm (sinh năm 1969) và Nguyễn Thị Trang (sinh năm 1973) mỗi ngày đều chuẩn bị cơm nước cho các anh trong tổ công tác. Bà Trần Thị Hạnh, người cùng xóm, xúc động nói: “Giải phóng rồi mà bà Sửu vẫn nhận bộ đội làm con, đông lắm, lớp này đi lại có lớp khác về”.

Bà Sửu kể: “Ngày đó, anh em Biên phòng đến từ nhiều tỉnh phía Bắc và miền Trung. Xa nhà nên các chú coi mẹ như mẹ ruột”. Trước năm 1975, bà từng tham gia tải đạn từ những con tàu không số ngoài khơi. Sau ngày hòa bình, nhà bà trở thành điểm tựa cho biết bao người lính và ai qua đây cũng được bà xem như con ruột.

Tại xóm chài phường Thuận An, thành phố Huế, ông Nguyễn Tuy rạng rỡ khi thấy bóng dáng người lính Biên phòng đến thăm. Ông kể về tình nghĩa gắn bó suốt mấy chục năm giữa dân làng và BĐBP: “Anh em Biên phòng thủy chung lắm. Mấy chục năm rồi mà các chú vẫn thường xuyên quay lại thăm hỏi, mang quà, mang gạo. Có người giờ công tác xa mà vẫn nhớ địa bàn cũ”.

Trong chương trình “Màu lá rừng trên màu biển xanh”, đại diện chính quyền các địa phương như Đặc khu Lý Sơn, các xã tuyến biển (trước đây thuộc tỉnh Bình Định, nay thuộc tỉnh Gia Lai) đã chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động về tình quân dân nơi biên giới, biển, đảo. 10 lời thề danh dự của quân nhân trong QĐND Việt Nam được những người lính quân hàm xanh cụ thể hóa bằng những hành động cụ thể, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng nhân dân.

Tại Trường Trung học phổ thông Tuy Phong (xã Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, nay thuộc tỉnh Đắk Nông), thầy cô giáo thường kể cho học sinh nghe về người lính Biên phòng đang đỡ đầu em Nguyễn Thị Kiều - mồ côi cả cha lẫn mẹ do tai nạn giao thông và bệnh hiểm nghèo. Kể từ đó, em Kiều đã có những “người cha quân hàm xanh” từ Đồn Biên phòng Liên Hương, Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Nông đồng hành. Tại Trường Trung học cơ sở Vĩnh Hảo gần đó, BĐBP cũng đỡ đầu 2 học sinh người Raglai có hoàn cảnh khó khăn. Những trường hợp này là 3 trong số rất nhiều em nhỏ đang được các đơn vị Biên phòng chăm sóc thông qua Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”.

Đến nay, các đồn Biên phòng trên cả nước đang nuôi dưỡng 356 học sinh (41 em mồ côi cả cha lẫn mẹ, 180 em mồ côi cha hoặc mẹ, 5 em là con liệt sĩ, 3 em bị khuyết tật), trong đó, 271 em sinh hoạt, học tập tại đồn, 85 em ở cùng người thân nhưng được hỗ trợ thường xuyên. Đây không chỉ là biểu hiện sinh động của tình quân dân, mà còn là sự tri ân sâu sắc của những người lính Biên phòng hôm nay đối với nhân dân - những người từng cưu mang, che chở và nuôi dưỡng lớp người đi trước.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: “Chương trình "Màu lá rừng trên màu biển xanh" đã khắc họa rõ nét hình tượng người lính quân hàm xanh thủy chung, nghĩa tình, sắc son với nhân dân. BĐBP đã xây dựng thế trận lòng dân trong thế trận quốc phòng toàn dân, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ với lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) về công tác dân vận”.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quotmau-la-rung-tren-mau-bien-xanhquot-post492016.html