Màu phù sa thương nhớ!

Ai đã từng sinh ra và lớn lên trên những làng quê bên bờ sông Hậu chắc có lẽ không bao giờ quên được hình ảnh dòng sông vào mùa nước đổ, đặc quánh một sắc đỏ phù sa, ngọt ngào, thương nhớ.

Huyện Kế Sách (Sóc Trăng) quê tôi nằm hiền hòa bên bờ sông Hậu. Từ bao đời nay, người dân quê gắn bó máu thịt với mảnh vườn, thửa ruộng nhờ sự chở che, yêu thương của dòng sông mẹ. Dù có khi vơi, khi đầy, khi hiền lành, khi giận dữ nhưng sông vẫn là dòng sữa ngọt ngào nuôi nấng cuộc đời bao thế hệ.

Ngày trước, mỗi năm sông có hai mùa rõ rệt: mùa cạn và mùa nước nổi. Mùa nước nổi cao điểm thường bắt đầu từ tháng Bảy đến tháng Mười âm lịch. Nếu như mùa cạn nguồn nước rất ít, nghèo phù sa, nước trong vắt thì mùa nước nổi nước từ thượng nguồn đổ về rất mạnh, nước chuyển sắc, ngần đục một màu phù sa nuôi đất, lại kéo theo nguồn tôm cá dồi dào nuôi sống con người.

Vớt cá bống trứng mùa nước nổi. Ảnh: QUÁCH TẤN THUẦN

Vớt cá bống trứng mùa nước nổi. Ảnh: QUÁCH TẤN THUẦN

Những năm gần đây, mùa nước nổi yếu dần, phù sa trong nước cũng không phì nhiêu. Đất thiếu phù sa, đất mất đi sức sống, tình trạng sạt lở ngày càng trở nên nghiêm trọng. Việc trồng trọt của nhà nông phải tốn thêm nhiều chi phí để cải tạo đất mà năng suất cây trồng cũng chẳng cải thiện là bao. Nước thiếu phù sa, nước nghèo tôm cá, sông cũng buồn vắng bóng tàu ghe.

Năm nay, mùa nước nổi về sớm trong niềm hân hoan của người dân quê tôi. Mới đầu tháng Sáu âm lịch mà nước đã chuyển son, dấu hiệu báo một mùa nước nổi đẹp. Theo các cụ cao niên ở quê tôi thì năm nào nước son sớm là năm đó ít khi xảy ra tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, thời tiết cũng thuận lợi cho việc trồng trọt, chăn nuôi, mùa màng tươi tốt.

Nhớ hồi nhỏ, lúc đó quê tôi còn làm lúa hai vụ, cứ thu hoạch xong vụ lúa Hè - Thu vào cuối tháng Năm âm lịch là nông dân cho đất nghỉ. Chờ bước sang tháng Bảy âm lịch khi nước tràn đồng thì bắt đầu cày ải rồi ngâm đất trong nước cả tháng trời để đất ăn no phù sa chuẩn bị cho mùa sau nuôi lúa. Thời gian này cả người và đất đều rảnh rỗi nên người dân trong xóm tôi thường rủ nhau ra đồng cắm câu, giăng lưới, săn chuột đồng để cải thiện bữa ăn, có khi nhiều quá ăn không hết thì đem ra chợ bán kiếm ít tiền để dành mua tập sách cho tụi nhỏ chuẩn bị bước vào năm học mới.

Nếu như người dân ở đất liền trông chờ mùa nước nổi từng ngày thì bà con bên cồn lại nơm nớp âu lo khi nước về. Bởi mùa nước kiệt thì mọi thứ trông có vẻ bình thường, bờ đê cao đến nóc nhà rất vững chãi, nhưng đến mùa nước nổi thì nước lé đé bờ, chỉ cần một cơn sóng lớn nước cũng có thể tràn qua đê, nguy hiểm hơn có thể gây vỡ đê, chừng ấy tất cả mọi thứ sẽ bị nhấn chìm trong nước. Vì vậy mà mỗi năm khi mùa nước nổi sắp về thì bà con ở cồn lại rủ nhau hộ đê, xảm mội để giữ gìn màu xanh cho xứ cồn.

Mùa nước nổi đẹp còn tạo sinh kế cho nhiều người dân trong lúc nông nhàn. Nếu như ở các tỉnh đầu nguồn rất giàu nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là đặc sản cá linh non nức tiếng gần xa thì ở Kế Sách quê tôi có một loại cá đặc sản cũng không kém cạnh, chỉ xuất hiện trong mùa nước nổi, đó là cá bống trứng.

Họ hàng cá bống có nhiều loại như: bống dừa, bống cát, bống sao… Các loại này có thể đánh bắt quanh năm còn cá bống trứng chỉ có thể tìm thấy nhiều trong mùa nước nổi. Bình thường không biết chúng trú ngụ nơi đâu nhưng hễ nước từ trên thượng nguồn đổ về mạnh, nước giàu phù sa là cá bống trứng lại theo đó mà về. Cách đánh bắt loại cá này cũng rất đặc biệt, thường chỉ diễn ra vào ban đêm khi nước đứng ròng. Người bắt cá chỉ cần chuẩn bị một chiếc ghe, một cái vợt để vớt cá cùng với đèn chiếu sáng là xong. Cá bống trứng thường nổi trên mặt nước bám vào lá cây, cỏ rác hoặc các dề lục bình, người vớt chỉ cần neo ghe một chỗ để vớt cá. Mặc dù việc vớt cá chỉ diễn ra trong vài giờ đồng hồ nhưng với những người có nhiều kinh nghiệm thì mỗi đêm cũng có thể kiếm được tiền triệu chứ chẳng chơi.

Thế đấy, mùa nước nổi dù chỉ là một hiện tượng bình thường của tự nhiên nhưng với những người từng sinh ra và lớn lên bên những dòng sông thì nó đã trở thành một cái gì đó thân thuộc như là máu thịt, không thể tách rời khỏi cuộc sống. Nước sông có khi đầy, khi vơi, còn đời sống của con người thì ngày càng nâng cao, duy chỉ có những hạt phù sa là vẫn nghìn đời cần mẫn nuôi đất, nuôi người son sắt, thủy chung.

QUÁCH TẤN THUẦN

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/mau-phu-sa-thuong-nho!-75327.html