Máy bay C919 của Trung Quốc có đủ sức cạnh tranh với Boeing và Airbus?
Chiếc máy bay chở khách C919 do COMAC sản xuất đã hoàn thành chuyến bay chở khách thương mại đầu tiên trong hôm 28/5 và sẽ thực hiện các chuyến bay thương mại bình thường trên tuyến Thượng Hải - Thành Đô.
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng do các cơ quan quản lý hàng không châu Âu và Mỹ chưa cấp giấy phép bay nên mẫu máy bay này hiện chủ yếu phụ thuộc vào các đơn đặt hàng ở trong nước Trung Quốc.
Theo Reuters, việc chiếc máy bay phản lực chở khách cỡ lớn C919 sản xuất trong nước của Trung Quốc hoàn thành chuyến bay thương mại đầu tiên đã đánh dấu một bước tiến nữa trong nỗ lực của nước này nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nước ngoài.
Máy bay C919, với sức chứa tối đa 192 hành khách, là một loại máy bay chở khách cỡ lớn do Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) thuộc sở hữu nhà nước sản xuất. Năm 2007, Quốc Vụ viện Trung Quốc đã chính thức thông qua phê duyệt dự án, theo đó C919 hoàn thành chuyến bay đầu tiên vào năm 2017 và được Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cấp giấy phép sản xuất vào năm 2022, cho đến hôm 28/5 vừa qua mới thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên. Máy bay này được chế tạo nhằm cạnh tranh với các loại máy bay A320 Neo của Airbus và 737 MAX của Boeing.
Chiếc C919 hạ cánh xuống Sân bay Thủ đô Bắc Kinh (Ảnh: VCG).
Vào lúc 10h32 sáng Chủ Nhật (28/5) theo giờ địa phương, chuyến bay số hiệu MU9191 của hãng hàng không China Eastern Airlines, sử dụng chiếc máy bay chở khách C919 đầu tiên trên thế giới do COMAC chuyển giao, đã cất cánh từ Sân bay Hồng Kiều Thượng Hải và hạ cánh tại điểm đến là Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh vào khoảng 12h30 trưa.
Máy bay đã quay trở lại Thượng Hải cùng ngày Chủ nhật và dự kiến sẽ đáp chuyến bay đến Thành Đô vào thứ Hai (29/5).
Hãng China Eastern Airlines (Hàng không Phương Đông Thượng Hải) thuộc sở hữu nhà nước năm 2021 đã đặt hàng 5 chiếc C919. COMAC đã bàn giao chiếc đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái. China Eastern Airlines cho biết họ dự kiến sẽ hoàn thành việc nhận bàn giao 4 chiếc còn lại trong năm nay.
Tính đến cuối năm 2022, COMAC đã nhận được tổng cộng 1.035 đơn đặt hàng từ 32 khách hàng. Truyền thông Trung Quốc hồi tháng 1/2023 đưa tin COMAC có kế hoạch trong vòng 5 năm sẽ nâng số lượng chế tạo C919 lên 150 chiếc/năm.
Rất đông người dân đến bên ngoài sân bay chào mừng chuyến bay (Ảnh: Guancha).
Tập trung cho thị trường nội địa
Vào ngày 28/5, Đại sứ quán Pháp tại Trung Quốc đã đăng trên tài khoản Weibo chính thức của mình lời chúc mừng máy bay COMAC C919 số hiệu MU9191 của China Eastern Airlines có chuyến bay thương mại đầu tiên; đồng thời bày tỏ vui mừng thấy nhiều Công ty của Pháp và Trung Quốc tham gia Dự án tự chế tạo máy bay chở khách cỡ lớn của Trung Quốc; kêu gọi mở cửa và hợp tác để thúc đẩy cùng nhau tiến bộ. Các đối thủ cạnh tranh của COMAC là Boeing và Airbus cũng đăng trên Weibo "lời chúc mừng chân thành" gửi tới China Eastern Airlines và COMAC.
Ông Lý Hán Minh (Li Hanming), một chuyên gia độc lập quan tâm đến ngành hàng không dân dụng của Trung Quốc, nói với Reuters rằng hầu hết các đơn đặt hàng C919 mà COMAC nhận được đều chỉ là thư bày tỏ ý định của các hãng hàng không nội địa ở Trung Quốc; chỉ có một số ít khách hàng nước ngoài, trong đó có GE Capital Aviation Services, công ty cho thuê máy bay thuộc sở hữu của General Electric.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng đối với C919, "thị trường nội địa cũng đã đủ lớn".
Tài khoản Weibo của Boeing gửi lời chúc mừng COMAC và China Eastern Airlines.
Ông Greg Waldron, chủ biên bộ phận châu Á của trang FlightGlobal, một trang mạng chuyên ngành hàng không, chỉ ra rằng do các cơ quan quản lý hàng không ở châu Âu và Mỹ chưa cấp phép cho C919 nên vẫn còn vấn đề đối với việc làm thế nào để mở ra thị trường quốc tế cho loại máy bay này. Ông kết luận: "Cho đến khi có được giấy phép, các thị trường quốc tế quan trọng sẽ vẫn đóng cửa đối với C919".
Trong khi đó, cộng đồng mạng Trung Quốc rất phấn khởi trước việc C919 bắt đầu bay thương mại. Có người viết: ngoài chữ “A” (Airbus) và chữ “B” (Boeing), từ nay trên bầu trời xanh bao la còn có chữ “C” (COMAC).
Trên mạng xuất hiện nhiều lời bình về sự kiện này, như: "Một cột mốc quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm đạt được khả năng tự cung tự cấp hơn nữa", "đã phá vỡ sự lũng đoạn ngành hàng không quốc tế do Mỹ và châu Âu thống trị", "được kỳ vọng sẽ phá vỡ sự thống trị của Airbus và Boeing trong lĩnh vực máy bay phản lực chở khách một lối đi"...
Logo độc đáo của chiếc C919 đầu tiên trên thế giới (Ảnh: CCTV).
Trải nghiệm bay trên C919
Tờ Guancha viết, trong chuyến bay chở khách thương mại đầu tiên, hơn 130 hành khách đã lần đầu trải nghiệm hành trình trên không do C919 mang lại. Đối với những hành khách tham gia chuyến bay chở khách thương mại đầu tiên, China Eastern Airlines đã thiết kế thẻ lên máy bay đặc biệt để kỷ niệm.
Ngoài ra, có 20 màn hình LCD 12 inch đã được lắp đặt trong khoang máy bay, hỗ trợ chiếu phim độ phân giải cao 1080P. Đây là lần đầu tiên đội bay một lối đi của China Eastern Airlines có màn hình1080P. China Eastern Airlines còn đặc biệt quay video thông báo an toàn hàng không dành riêng cho C919 với chủ đề “Quốc sắc nhuộm sông núi, nhìn chỗ nào nào cũng đẹp”, lồng ghép hàng loạt yếu tố văn hóa Trung Quốc dưới hình thức nghe nhìn, được cho là sẽ mang đến nhiều bất ngờ cho hành khách.
Các suất ăn theo chủ đề do hành khách lựa chọn được phục vụ trên chuyến bay. Trong đó, bữa ăn ở hạng phổ thông này có tên là “Ngũ phúc lâm môn”, gồm 5 món, vừa ngon lại bắt mắt.
Bữa ăn mang tên "Ngũ phúc lâm môn" dành cho hành khách chuyến bay thương mại đầu tiên (Ảnh: CCTV).
Máy bay chở khách cỡ lớn C919 là máy bay phản lực chở khách đầu tiên của Trung Quốc được phát triển theo tiêu chuẩn đủ điều kiện bay quốc tế và có bản quyền sở hữu trí tuệ hoàn toàn do Trung Quốc tự chủ nghiên cứu.
Chiếc C919 thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên được bố trí hai khoang hành khách 164 ghế với 8 ghế hạng thương gia và 156 ghế hạng phổ thông. Nội thất cabin, ghế hành khách, hệ thống giải trí trên máy bay và sơn bên ngoài máy bay đều được thiết kế riêng.
Mặt trước của thân máy bay được in logo kiểu “triện” với 4 chữ “Toàn cầu thủ giá” (chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới) và tiếng Anh “The world’s first C919”. Số đăng ký của máy bay là B-919A, "B" đại diện cho quốc tịch Trung Quốc của máy bay, "919" khớp với tên kiểu máy bay và "A" có nghĩa là chiếc máy bay đầu tiên, nêu bật ý nghĩa đặc biệt của mẫu mới toàn cầu này và chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới.
Ngoài ra, hạng thương gia và hạng phổ thông của máy bay cũng được trang bị thế hệ ghế ngồi khoang nội địa mới được phát triển hoàn toàn độc lập. Trong đó, 8 ghế hạng thương gia có kết cấu khung hoàn toàn bằng hợp kim nhôm, áp dụng thiết kế kiểu nôi, tựa lưng có thể gập 120 độ, khoảng cách giữa ghế trước và ghế sau vượt quá 1 mét; 156 ghế hạng phổ thông được thiết kế theo kiểu bố trí 3-3, ghế giữa rộng hơn hai bên 1,5 cm, ngoài ra, cabin C919 có chiều cao lối đi là 2,25 mét, hành khách có thể cảm nhận không gian phía trên và phía trước rất thoải mái.
Thẻ lên tàu bay được thiết kế độc đáo.
Tờ Wall Street Journal của Mỹ dẫn nguồn tin từ báo chí Trung Quốc cho biết, hơn 10.000 người Trung Quốc đã đăng ký được tham gia chuyến bay thương mại đầu tiên của C919.
Đối mặt nhiều thách thức
Trang Guancha (Trung Quốc) viết, nhiều hãng truyền thông nước ngoài, trong đó có Reuters, Bloomberg, AFP nhất trí đánh giá đây là “sự cạnh tranh giữa các công ty Trung Quốc và các công ty phương Tây, chấm dứt sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, đồng thời phấn đấu đạt được nhiều thành tựu tự chủ hơn nữa”. Theo Wall Street Journal, điều này có nghĩa là nhà sản xuất máy bay Boeing của Mỹ và gã khổng lồ sản xuất máy bay châu Âu Airbus đang "bị thách thức sự độc quyền kéo dài hàng thập kỷ của họ tại một trong những thị trường quan trọng nhất, nhưng khá mang tính biểu tượng".
Theo Wall Street Journal, thách thức đối với nhà sản xuất C919 COMAC là làm thế nào để tăng năng lực sản xuất một cách nhanh chóng để chiếm được một thị phần đáng kể trong số hơn 6.000 máy bay phản lực loại một lối đi mới mà Trung Quốc có thể cần trong 20 năm tới. Lưu lượng hành khách hàng không ở Trung Quốc dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2041, khi nhu cầu máy bay thương mại trong nước dự kiến sẽ chiếm 1/5 tổng số máy bay thương mại mua mới trên toàn cầu, theo dự báo dài hạn mới nhất của Boeing. Boeing cho biết các mẫu máy bay một lối đi có thể sẽ chiếm 3/4 tổng nhu cầu của Trung Quốc.
COMAC có thể sản xuất số lượng lớn C919 thuận lợi hay không vẫn còn phải đối mặt với hàng loạt nhân tố bất ổn. Một trong số đó là họ có được các cấu kiện then chốt hay không. Mặc dù C919 là sản phẩm “Made in China”, nhưng C919 phụ thuộc rất nhiều vào các linh, phụ kiện do các công ty phương Tây cung cấp, trong đó bao gồm sản phẩm của General Electric (GE), Safran và Liebherr...
Có tới hơn 70% các bộ phận, linh kiện phụ thuộc vào các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu, chỉ khoảng 20% được sản xuất trong nước. C919 cũng phụ thuộc nghiêm trọng vào các công ty phương Tây cho những bộ phận phức tạp nhất, bao gồm cả trái tim của máy bay (động cơ). Động cơ C919 là sản phẩm của CFM International Company, liên doanh giữa hai tập đoàn General Electric của Mỹ và Safran của Pháp.
Financial Times trước đó đưa tin, Sash Tusa, nhà phân tích hàng không vũ trụ và quốc phòng tại công ty nghiên cứu "Agency Partners", cho rằng nếu mối quan hệ của Trung Quốc với các nước phương Tây xấu đi, Trung Quốc sẽ nhận ra rằng họ sẽ phải đối mặt với hậu quả như thế nào…
Trong bối cảnh quan hệ không ổn định giữa Trung Quốc và phương Tây, liệu COMAC có thể đảm bảo nhận được các thành phần then chốt và dịch vụ hậu mãi cần thiết để sản xuất C919 từ phương Tây hay không là một nhân tố mà người mua quốc tế phải xem xét.
Bài viết của The Wall Street Journal: chuyến bay thương mại đầu tiên của C919 Trung Quốc giáng cú đầu tiên vào Boeing.
Lệnh cấm xuất khẩu chip của Mỹ sang Trung Quốc đã ảnh hưởng nặng nề đến các nhà sản xuất chip Trung Quốc, nếu các hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc được áp đặt đối với ngành hàng không, khó có thể nói rằng việc sản xuất C919 sẽ không bị ảnh hưởng.
Ngoài các vấn đề trên, tính năng của C919 khiến nó khó cạnh tranh được với các dòng máy bay Boeing 737 MAX và Airbus A320 Neo của các đối thủ trên thị trường. Cả Boeing và Airbus đều đang thúc đẩy những tiến bộ công nghệ trong các lĩnh vực như hiệu suất, tiếng ồn và độ bền, đồng thời có nhiều thập kỷ kinh nghiệm tích hợp các công nghệ này vào quy trình sản xuất và thẩm định phê duyệt của họ. Trong khi đó, C919 vẫn chưa được cơ quan hàng không Mỹ và châu Âu cấp phép.
Theo Guancha, Wall Street Journal, Reuters