Máy bay tiếp liệu Mỹ đánh rơi cần tiếp dầu khi hỗ trợ tiêm kích F-22
Phi cơ tiếp liệu hiện đại KC-46 của không quân Mỹ bị rơi thiết bị khi làm nhiệm vụ tiếp dầu trên không cho tiêm kích F-22, hiện chưa rõ mức độ thiệt hại.
"Một máy bay KC-46A Pegasus gặp tình huống khẩn cấp ở vùng trời ngoài khơi bờ biển phía đông Mỹ hôm 8/7/2025, khi tiếp dầu cho các tiêm kích F-22. Tổ lái quyết định đáp xuống căn cứ Seymour Johnson ở Bắc Carolina và đã hạ cánh an toàn. Phi cơ sẽ ở lại đó một thời gian", John Van Winkle, phát ngôn viên Không đoàn Tiếp dầu số 22 của không quân Mỹ, cho biết.
Truyền thông Mỹ trước đó công bố ghi âm nội dung đàm thoại vô tuyến giữa máy bay KC-46A với đài kiểm soát không lưu, cho thấy tổ lái thông báo cần tiếp dầu của chiếc KC-46 "đã rời ra" và họ đang thực hiện quy trình ứng phó khẩn nguy trên không.

Theo dữ liệu theo dõi hành trình bay dân sự, chiếc KC-46A cất cánh từ bang Kansas và hạ độ cao xuống dưới 3.000 m sau khi sự cố xảy ra. Nó bay nhiều vòng quanh căn cứ liên hợp Langley-Eustis ở bang Virginia trước khi hướng đến Bắc Carolina.
Phát ngôn viên Van Winkle xác nhận cần tiếp dầu của máy bay KC-46A đã bị hư hại sau sự cố, thêm rằng không quân Mỹ đang xác minh các chi tiết liên quan và thiệt hại đối với máy bay. Không rõ tiêm kích F-22 có chịu tổn thất hay không.
KC-46A Pegasus là máy bay tiếp nhiên liệu trên không thế hệ tiếp theo do Boeing phát triển để thay thế cho máy bay KC-135 Stratotanker và KC-10 Extender.
Dự án Pegasus có tổng giá trị khoảng 7,5 tỷ USD, trong đó không quân Mỹ đặt hàng 179 máy bay với giá trị trung bình 160 triệu USD mỗi chiếc.
Loại máy bay này thể hiện bước tiến đáng kể về tính linh hoạt trong hoạt động khi kết hợp vai trò tiếp nhiên liệu với khả năng vận chuyển hàng hóa, di chuyển nhân sự và sơ tán y tế hàng không.
KC-46A được thiết kế để có thể hoạt động với hiệu suất cao ngay cả trong môi trường tác chiến ác liệt, điều mà máy bay tiếp dầu truyền thống không thể làm được.
KC-46A dựa trên khung máy bay Boeing 767 nhưng đã được cải tiến đáng kể cho các ứng dụng quân sự.
KC-46A tự hào có sức chứa nhiên liệu tối đa lên tới 96.297 kg, cho phép nó tiếp nhiên liệu cho nhiều loại máy bay trong một lần cất cánh.
Điều ấn tượng là KC-46A có thể truyền nhiên liệu tốc độ cao lên tới 1.200 gallon mỗi phút, rất hiệu quả trong việc tiếp nhiên liệu.
Ngoài ra, KC-46A có thể chứa tối đa 58 hành khách hoặc kết hợp hàng hóa và nhân sự trên khoang đa nhiệm của nó.
Được đẩy bởi hai động cơ Pratt & Whitney PW4062, KC-46A có tầm bay ấn tượng lên tới 11.830 km.
Máy bay tiếp nhiên liệu KC-46A có thể nạp đầy nhiên liệu cho F-15, F-22 và F-35 chỉ trong vài phút.
Thông thường luôn phải có phi đội tiêm kích hộ tống và bảo vệ máy bay tiếp dầu trên không do chúng to lớn và không hề có vũ khí phòng vệ, rất dễ làm mồi ngon cho chiến đấu cơ đối phương.
Tuy nhiên Mỹ đang phát triển và trang bị hệ thống đánh chặn cho các máy bay tiếp dầu trên không (LAIRCM), trong đó có máy bay tiếp dầu KC-46A.
Ngoài việc chống lại tiêm kích đối phương, hệ thống cảnh báo đánh chặn mới được phát triển cho máy bay tiếp dầu còn có thể đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa từ phía mặt đất.
Hệ thống LAIRCM được phát triển từ hệ thống tương tự của hải quân Mỹ, được bổ sung gói nâng cấp Cảnh báo mối đe dọa tiên tiến.
Một tổ hợp LAIRCM gồm nhiều cảm biến phát hiện tên lửa tầm nhiệt và thiết bị phát laser bảo vệ (GLTA).
Khi nhận thấy mối đe dọa, cảm biến sẽ gửi thông tin tới máy tính điều khiển, giúp cảnh báo tổ lái và tự động kích hoạt GLTA, chĩa nó về phía mục tiêu để gây nhiễu.
Một khi hệ thống này đi vào hoàn thiện, KC-46A sẽ là loại máy bay tiếp dầu duy nhất trên thế giới có thể tự phòng vệ trước các chiến đấu cơ của đối phương.
Ngoài Mỹ thì Nhật Bản và Israel và Nhật Bản cũng đã đặt hàng loại máy bay tiếp dầu cực hiện đại này.