Mấy chi tiết về 'Đàng Trong'

Tên bảng tiếng Anh của luận án tiến sĩ là Nguyễn Cochinchinna Southern Vietnam in Seventeen and Eighteen Centuries, được chỉnh lý in sách phổ thông công bố rộng rãi, sách có tên tiếng Việt là Xứ Đàng Trong - Lịch sử kinh tế - xã hội thế kỷ 17-18. Chỉ một thời gian ngắn, bản tiếng Việt được tái bản lần thứ ba, năm 2016, NXB Trẻ. Tác giả là người Trung Quốc, sinh năm 1953, cao học Lịch sử Bắc Kinh 1983, nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á và Việt Nam tại Đại học Quốc gia Australia và trình luận án này tại Đại học Quốc gia Australia năm 1992.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu viết: “Riêng công trình nghiên cứu về Đàng Trong này được đánh giá cao và coi như là một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc”. Bà đứng trong đội ngũ những nhà Việt Nam học nổi tiếng như: Alexander Woodside, David Chandler, Anthony Reid…

Công trình in thành sách có 7 chương, kể cả phần phụ lục, gần 300 trang. Là một công trình khoa học nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu là “nghiêm túc” và là luận án tiến sĩ trình tại Đại học Quốc gia Australia, dung lượng khoa học cao, trong phạm vi bài giới thiệu ngắn này chỉ xin nêu những chi tiết thú vị liên quan đến Đàng Trong, trong đó có thời mở cõi đến Biên Hòa - Đồng Nai.

Chương VII có tiêu đề là Cuộc sống ở Đàng Trong: Hội nhập và sáng tạo. Luận án được trình năm 1992 nên tiêu đề chương sách mang hơi thở thời Đổi mới sau Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986.

Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ Đồng Nai năm 1698 thời chúa Nguyễn Phúc Chu, trong công trình nghiên cứu trên có chi tiết rất thú vị: “Nguyễn Phúc Chu đã dùng Antonio de Arnedo năm 1704 (6 năm sau Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam) và De Lima năm 1724 để dạy ông toán và thiên văn học)”. Trước đó, năm 1686, “Chúa Hiền đã lấy quyền của mình bắt Bartholomeo da Costa, bác sĩ của chúa đang chuẩn bị về châu Âu phải từ Macao trở lại Đàng Trong để chăm sóc sức khỏe cho chúa”. Sau đó, “Võ Vương (Nguyễn Phúc Khoát, cai trị từ năm 1738-1765) đã dùng Neugebauer và Siebert…”.

Xem ra như vậy, trước và sau thời Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam, các nhà chúa đã dùng người phương Tây.

Sách cũng viết: “Tơ lụa kéo người Anh tới Đàng Trong vào buổi đầu (…). Hàng năm số tơ được đưa đến Đàng Trong (từ Trung Hoa) chắc chắn nhiều gấp hai lần số tơ từ cả ba nơi cộng lại là Bantam, Pattania và Xiêm và không muốn thứ vải nào khác”. Quan hệ với thương nhân người Anh xảy ra sự cố Công ty Đông Ấn của Anh được biên chế binh sĩ và vũ trang, bị quân chúa Nguyễn đánh tan khi đồn trú ở Côn Đảo trong một điệp vụ tướng chúa Nguyễn là Trương Phúc Phan cài người vào Công ty Đông Ấn như người phục vụ, sau đó làm binh biến nội gián”. Đại Việt sử ký toàn biên có viết việc này.

Ngoài quan hệ với người Tây phương, sách còn dẫn ra các quan hệ thương mại với Manila, các tàu của Đàng Trong tới Manila chở theo gạo từ Cao Miên. Hoặc như năm 1632, một chiếc thuyền từ Đàng Trong qua Xiêm mang theo số vốn 10 ngàn nén bạc.

Nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á, tác giả còn cho biết, việc giao thương bằng đường biển đối với người Chăm không có gì mới mẻ nhưng với người Việt là điều mới mẻ. “Đàng Trong vào thế kỷ 17 được họ Nguyễn cổ vũ theo gương người Chăm. Đàng Trong cũng mở rộng quan hệ thương mại của mình với các nước Đông Nam Á. Đối với người Chăm không có gì mới mẻ cả nhưng đối với người Việt Nam thì đây là hiện tượng mới và là một nhân tố nữa làm cho thế kỷ 17 trở thành một thời kỳ buôn bán phồn thịnh nhất trong lịch sử Việt Nam”.

Về thuế má, sách viết rằng: “Thuế đất ở đây thấp. Vào thập niên 1770, ở Tân Bình (Sài Gòn ngày nay), Phước Long (Biên Hòa ngày nay) gieo 1 hộc thóc thu gặt 100 hộc nhưng thuế chỉ phải để từ 4-10 hộc để đóng thuế đất mà thôi (…). Nói tóm lại thuế đất chỉ chiếm từ 0,6-10% mùa màng. Chỉ trong những điều kiện như thế mới có một số lượng lớn thóc gạo được đem ra bán và chở đi từ đồng bằng sông Cửu Long như một mặt hàng có lời” (trang 175, sách tái bản lần thứ 3).

Trần Chiêm Thành

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202312/may-chi-tiet-ve-dang-trong-63a098b/