Mẹ là miền cổ tích

Cuộc đời làm báo, viết văn của tôi, thường những bài viết đong đầy cảm xúc và được bạn đọc đón nhận đều là những bài viết về người phụ nữ. Dẫu xây dựng hình tượng người nông dân, nhà khoa học, giáo viên, doanh nhân, chính khách, hay nhà báo nữ… và dù là người phụ nữ truyền thống hay phụ nữ thời 4.0, tôi luôn đặt họ trong hoàn cảnh một người mẹ - người luôn gánh vác vai trò nội trợ, giữ lửa và luôn chịu hy sinh nhiều nhất trong gia đình. Sự liên tưởng ấy khiến bài viết sinh động, chân thật và gần gũi, vì nhiều người sẽ thấy mình trong đó. Và nguồn cảm xúc đầy đặn ấy luôn đến từ một mẫu hình có thật - người đã sinh ra tôi!

Trong số 4 chị em mẹ tôi sinh ra, tôi hay được mẹ cho về ngoại nhất. Có lẽ vì chị tôi đã lớn, thằng em giáp tôi ham chơi, ít ở nhà và em út còn quá nhỏ nên mẹ thường gọi tôi đi theo. Và chẳng hiểu sao mỗi lúc nhớ về quê ngoại, trong tôi luôn hiện lên hình ảnh rất buồn thương: mẹ vừa đút bánh cho ngoại ăn, vừa khóc. Và khi trở về, trong lúc tôi vồ cào cào hay bắt chuồn chuồn trên bờ ruộng thì mẹ vẫn vừa đi vừa khóc. Đã mấy chục năm rồi, mẹ bây giờ còn già hơn ngoại hồi đó, nhưng hình ảnh mẹ vừa cho ngoại ăn hay tắm cho ngoại, vừa khóc vẫn cứ choán ngợp lòng tôi.

Mẹ là cổ tích của chị em tôi

Mẹ là cổ tích của chị em tôi

Mười tám tuổi, đang làm hộ lý tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, mẹ bị cha tôi “tán đổ” rồi tự nguyện chấm dứt “đời thoát ly”, xách bị áo quần vượt con sông Chìm và cánh đồng thẳng cánh cò bay của làng Nhân Trạch về làng Phú Đa của xã Quảng Tân, cách nhà ngoại gần 3 cây số làm vợ. Ngược lại với cái tên Phú Đa, làng tôi nghèo lắm. Dưới mái tranh nghèo của những năm tháng khốn khó ấy, mẹ là trụ cột cho bốn đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, một người cha chồng tuổi xế chiều và một người chồng rong ruổi với chiến chinh. Cái gia đình không lớn không nhỏ giữa một vùng chiêm trũng phía Bắc đã làm oằn vai mẹ. Thời hợp tác xã, mẹ lăn lóc ngoài đồng từ sáng sớm tới tối mịt, nhưng mỗi vụ cũng chỉ được chia non hai tạ thóc cho sáu miệng ăn. Thế nên nắng lửa, mưa rào, sương mù, gió bấc, cả khi cá chết trắng đồng vì say nắng hay rét cắt thịt da, mẹ cứ ngụp lặn ngoài đồng. Vừa thả cái cày, cái liềm của hợp tác xã, mẹ lại đặt đôi quang gánh lên vai. Kéo te, mò ốc, đào ao, gánh đất, cắt cỏ thuê… việc gì mẹ cũng làm để nuôi cha chồng và bầy con đang tuổi lớn.

Những năm tháng giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, những cọng rơm rếp hiếm hoi chỉ đủ để mẹ vặn đan bốn chiếc mũ rơm cho chúng tôi đến trường hoặc đi chăn trâu, thả vịt. Còn mẹ, giữa đồng không mông quạnh, cùng con trâu, mẹ oằn mình đánh vật với những luống cày dưới làn bom đạn chỉ với mê nón rách trên đầu. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, miền Bắc không còn đạn bom nhưng lại đối mặt với những tháng ngày đói kém. Với tấm giấy chứng nhận là công dân của vùng bị thiên tai, mất mùa, đôi quang gánh lại cùng mẹ ngược xuôi trên những chuyến tàu chợ Thanh Hóa - Nam Định, tảo tần nuôi gia đình. Cứ 3 ngày cho một chuyến đi, mẹ để lại gạo, ngô, khoai cho chúng tôi đủ sống chờ ngày mẹ về. Nhưng có những chuyến đi, tàu bị chết máy, gánh hàng của mẹ kẹt giữa đường. Thương ông nội và chúng tôi phải nhịn đói, nhưng mẹ không thể gánh bộ hàng trăm cây số. Vừa chân ướt chân ráo về đến nhà, mẹ vội vàng nấu cơm. Nhìn năm ông cháu ăn vội vàng vì quá đói, mẹ lặng lẽ chùi nước mắt.

Tôi vào đại học là niềm hãnh diện lớn lao đối với mẹ. Những tấn lúa, những lứa heo đong đầy mồ hôi và cả nước mắt của mẹ cứ lần lượt đội nón ra đi để tôi có được những đợt kiến tập, thực tập rồi đi tham quan như những sinh viên khác. Xót cho công sức của mẹ, không dưới một lần tôi đòi nghỉ học. Mẹ đã mắng át đi, thời đạn bom mình còn sống được, con đỗ đạt là báo đáp mẹ rồi!

Nhưng nào tôi đã báo đáp mẹ được gì? Tốt nghiệp đại học, tôi đi làm Nhà nước, lấy chồng rồi sinh con. Rồi tôi lại bị cuốn vào cuộc đời với bao toan tính cho cái gia đình bé nhỏ của mình, như mẹ đã một thời toan tính. Đã bao lần nghe tin mẹ bệnh, nhưng rồi bận công việc ở cơ quan, bận chuyện hiếu hỷ với bạn bè và hàng trăm lý do khác, tôi đã không thể về thăm mẹ. Mỗi lần như thế tôi lại tự dằn vặt mình và chỉ biết giải thoát bằng cách mua quà cho mẹ. Nhưng những tấm bánh tôi mang theo mỗi lần về thăm lại được mẹ gói ghém để dành cho cháu. Những tấm áo, tấm khăn tôi và chị Hai, em Út mua cho mẹ mỗi khi Tết đến Xuân về cứ được xếp lại trong chiếc rương cũ kỹ, bởi mẹ luôn bảo rằng “mẹ có đi đâu mà mặc đẹp”. Đời mẹ như chiếc đồng hồ quả lắc, suốt một đời cần mẫn, chẳng biết đến nghỉ ngơi.

Ông trời thật không công bằng, người suốt một đời vì gia đình, vì chồng con mà mới chưa tròn bảy mươi lại bị tai biến mạch máu não, phải nằm một chỗ. Mười bảy năm qua, chị em tôi thay nhau chăm sóc mẹ. Tháng Giêng năm ngoái, mẹ mắc Covid-19. Người bình thường mắc covid đã khó qua. Vậy mà mẹ vừa cao tuổi, lại nằm một chỗ đã lâu, nhưng sự chăm sóc chứa đựng bao cầu mong, ước vọng của chị em tôi đã thấu đến trời xanh. Và một lần nữa, mẹ đã chiến thắng tử thần. Chúng tôi thường tự hào nói với nhau: Ông trời bắt mẹ nằm một chỗ, bắt mẹ bị covid cũng giống như phép thử tình yêu thương, chăm sóc mẹ của chị em mình. Mỗi khi thấy tôi về thăm, mẹ lại thều thào: Mẹ khỏe, con đừng về nhiều mà tốn kém!

Ngồi chắp nối những câu chuyện xa lắc xa lơ mẹ kể. Từ chuyện mười bảy tuổi, mẹ xung phong đi dân công hỏa tuyến, gánh gạo phục vụ Chiến dịch Điện Biên, khi trở về thì bị sốt rét rụng trọc cả đầu; Chuyện mẹ nghỉ làm bệnh viện, ôm bị áo quần về làng Phú Đa làm vợ cho đến những chiều dìm mình trong nước lạnh mò cua bắt ốc để nuôi chúng tôi; Những lần mẹ gánh hàng rất nặng mà phải đứng một chân trên chuyến tàu chợ vì tàu quá đông… và cố ghìm nước mắt. Tôi vẫn nhớ những trưa hè mẹ tranh thủ ngồi bắt chí cho mấy chị em và tôi thường gỡ những miếng bùn khô cong trên vai áo mẹ. Nhớ ống quần vặn xoắn tít của mẹ, khi thả xuống cũng chỉ luôn quá gối với nước da cháy sém mùa hè và nứt nẻ mùa đông. Rồi những đêm đông rét mướt, tấm lưng gầy của mẹ cứ rung lên từng đợt mỗi khi cơn gió bấc luồn vào nhà, bởi mảnh chăn mỏng mẹ đã dành đắp cho con. Nhớ mẹ thường ngồi vào mâm cơm và vào giường ngủ sau cùng, nhưng lại luôn dậy sớm nhất để lo chu toàn mọi việc. Tất cả chị em tôi đều vô tư đón nhận sự chăm chút yêu thương của mẹ như là sự tự nhiên của đất của trời, bởi mẹ là mẹ của chúng tôi.

Mẹ ơi, dù con lưu lạc nơi phương trời nào, dù con đã sáu mươi hay cả khi con sống bằng tuổi mẹ, thì con vẫn chỉ là đứa con bé bỏng trong vòng tay yêu thương của mẹ. Bởi thế, mẹ mãi là miền cổ tích trong lòng chúng con.

Linh Tâm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/142074/me-la-mien-co-tich