Mẹ và bé

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến thời gian nghỉ học của trẻ kéo dài. Một số ba mẹ được công ty cho làm việc trực tuyến tại nhà, giúp thời gian gắn kết gia đình nhiều hơn.

Bé vui chơi cùng người thân trong gia đình

Bé vui chơi cùng người thân trong gia đình

Thế nhưng, đây cũng là khoảng thời gian chật vật của không ít ông bố, bà mẹ trẻ khi vừa phải làm việc nhà, vừa kiếm tiền, đồng thời chăm con nhỏ.

Sưu tầm trò chơi

Mùa này, không ít gia đình đang phải “đánh vật” với tụi nhỏ, một nhận định mà chỉ người trong cuộc mới hiểu. Cả ngày, khu chung cư Thái An (đường Nguyễn Văn Quá, quận 12, TPHCM) luôn ồn ào, náo nhiệt tiếng trẻ con xen lẫn tiếng hò hét của người lớn. Lũ trẻ chơi với nhau đang vui đó, rồi lại giận hờn, có khi đánh nhau chỉ vì món đồ chơi. “Nhiều hôm chơi với tụi nó mệt hơn đi làm. Nhưng để tụi nhỏ suốt ngày dán mắt vào tivi, điện thoại thì mình không yên tâm, nên phải tìm kiếm thông tin trên Internet hoặc qua hội bạn thân. Kiếm sách cho bé đọc, bày đồ chơi cũ cho bé cắt dán, khâu vá… Có gì chơi nấy, tận dụng đủ kiểu, giờ thấy quen dần, mà bọn trẻ cũng vui hơn”, chị Ngô Thanh Tâm, 30 tuổi, ngụ chung cư Thái An tâm sự.

Chị Trương Thị Tuyết Thương, ngụ đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TPHCM) có con gái 4 tuổi, chia sẻ, từ tháng 2 đến nay, chị loay hoay nghĩ ra đủ trò để con và các bạn nhỏ trong xóm đến vui chơi. Tại nhà, bé Lan Anh ngắm nghía bông hồng do mẹ dày công cắt dán, luôn miệng khen đẹp rồi chạy ào qua nhà hàng xóm để khoe với chúng bạn. “Từ một bà mẹ khô khan, nay mình đã thành thạo gấp thuyền, đan giỏ giấy, gấp hoa hồng từ giấy màu. Trên mạng có đủ loại trò chơi, phong phú vô cùng. Cái chính là mình có nhiều thời gian chơi với bé hay không mà thôi”, chị Tuyết Thương thích thú nói.

Cô giáo Phan Thị Vân Anh (ngụ đường Trường Chinh, quận Tân Bình, TPHCM) đánh giá, con trẻ rất thích đồ chơi mới, nhưng tâm lý chung vẫn là chóng thích, chóng chán. Mỗi món đồ các bé chỉ chơi được một vài ngày là muốn thay thế đồ mới. Cho nên, phụ huynh rất khó đáp ứng đủ các sở thích vô hạn của các bé trong khi tiền bạc luôn có hạn mức nhất định. Làm thế nào để tiết kiệm chi phí nhưng vẫn có những món đồ thú vị để thu hút trẻ? Cô giáo Vân Anh gợi ý, tận dụng một số món đồ cũ sẵn có, biến tấu đôi chút, gợi ý trẻ cùng tham gia vui chơi với người lớn. Ba mẹ, con cháu, ông bà có thời gian vui chơi chung không những giúp gắn kết gia đình mà còn tạo điều kiện rèn luyện vốn từ vựng cho trẻ. Vừa học, vừa chơi là vậy.

Làm bạn cùng con

Bé Misa, tên gọi ở nhà của Hoàng Ngân 5 tuổi, ngụ đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh, TPHCM), một ngày đẹp trời bỗng đòi mẹ mua son môi đỏ, phấn má hồng, váy đẹp, giày công chúa… Chị Lê Kim Phụng rất bất ngờ và cũng không hiểu tại sao con gái nhỏ bỗng dưng trở chứng, điệu lạ thường. Chưa kể, vài tuần nay, chị Kim Phụng quan sát và phát hiện Misa lười ăn hơn, suốt ngày soi gương làm điệu. “Mình nghỉ ở nhà để làm việc online. Tối qua, con bé phụng phịu: Mẹ à, con không muốn ăn vì con sợ mập. Suốt ngày nội nói con mập ú, nên con phải nhịn ăn cho ốm bớt. Con muốn mình xinh đẹp, lộng lẫy giống công chúa, với môi đỏ, má hồng…

Nghe bé tâm sự mà mình thấy choáng luôn. Mới tí tuổi đầu, học đâu làm điệu sớm vậy. Tìm hiểu thêm, mình được biết, con bé học đòi từ các YouTuber nhí trên Internet”, chị Kim Phụng kể lại. Suy nghĩ một lúc, chị Phụng mới phân tích cho Misa hiểu, tuổi nhỏ nên ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, vận động nhiều sẽ trở nên khỏe mạnh, xinh đẹp. Để yên tâm hơn, chị Phụng còn gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm mà Misa yêu quý, nhờ cô động viên Misa. Mới đây, chia sẻ với bạn bè, chị Phụng vui mừng cho biết, không rõ cô giáo nói gì mà sau đó Misa ăn uống đàng hoàng, không bỏ bữa. Bé vẫn điệu đà, nhưng chỉ là vui chơi kiểu đóng kịch trên sân khấu, thoa son giả bộ… rồi thôi, không đòi hỏi gì thêm.

Vài ngày nay, hàng xóm nhà chị Lương Ngọc Anh (đường Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12, TPHCM) rất ngạc nhiên khi có dịp đi ngang nhà chị. Hai mẹ con chị Anh từ đợt nghỉ ở nhà phòng chống dịch Covid-19 đến nay khá chăm chỉ vẽ vời, nấu nướng… Mặc dù trước đó, vị trí trưởng phòng kinh doanh một công ty du lịch đã chiếm nhiều thời gian của chị Ngọc Anh. “Mình chưa từng nghĩ sẽ có một ngày mò mẫm học vẽ cùng con. Không ngờ càng học càng vui, khiến đầu óc sảng khoái, tỉnh táo hơn trước nhiều lần. Tâm trạng phấn chấn hơn hẳn so với những ngày bình thường bị áp lực công việc đè nặng. Nói thật, lúc đầu chưa có kiến thức hội họa, cầm cọ lóng ngóng vô cùng. Nhưng sau, nhờ giáo viên tận tình chỉ dạy, mình và cậu con trai 9 tuổi đã tiến bộ rõ rệt. Chưa kể, nhờ học vẽ mà bé trai nhà mình bớt chơi game online, bớt nghịch ngợm so với trước đây”, chị Ngọc Anh tâm sự.

Làm bạn, lắng nghe tâm tư, tình cảm của con chính là một trong những phương pháp hữu ích để kết nối “sợi dây” gắn bó gia đình. Từ đó góp phần tạo động lực vững chắc cho con trẻ trưởng thành, đồng thời còn giúp cho các bậc phụ huynh trở thành những người bạn thân thiết, chỗ dựa tin yêu của trẻ.

GIA BẢO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/me-va-be-658016.html