Mẹ và mùi áo mới
Bấc về rào rạo mái tôn, khuấy động đêm miệt quê bằng âm thanh chẳng mấy thân thiện. Thể nào mẹ cũng chẹp môi 'Lại sắp tết rồi!'. Trong câu nói của mẹ niềm vui thì ít mà lo lắng thì dâng đầy.
Không lo sao được, nhà bảy miệng ăn, gạo chạy từng bữa, tết về bao thứ phải gánh gồng thêm. Mẹ ngồi bó gối nhìn đêm không ngủ, mắt còn sâu và dày hơn màn đêm ngoài kia…
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Nghèo khó mấy thì cũng phải có bộ đồ mới mặc vào ngày mồng một cho cả năm may mắn nên thứ đầu tiên mẹ sắm tết là quần áo cho chị em chúng tôi. Mỗi đứa một bộ quần tây áo trắng, vừa mặc tết vừa dành để đi học, tiện cả đôi đường.
Thích nhất là được ôm bộ đồng phục mới vào lòng, hít lấy hít để mùi vải mới, thứ hương thơm rất đặc biệt, trộn lẫn mùi hồ và phấn vẽ. Thứ mùi ấy ám vào ký ức, qua bao tháng năm vẫn vẹn nguyên, sau này mỗi lần cầm tấm áo mới lên, mùi hương quen thuộc ấy như chìa khóa mở bung hộc cửa quá khứ làm sống dậy bao kỷ niệm tuổi thơ đẹp đẽ, rộn tiếng cười và niềm háo hức, thứ mà bây giờ chẳng bao giờ có thể có lại được. Chỉ nhiêu đó thôi là tết đã về ngập tràn niềm vui trong ngôi nhà cũ kỹ, tường lổn ngổn bên tô bên không, cửa sổ trơ trọi khung được che sơ sài bằng miếng bao cắt đôi, tối đến lại bị chàng bấc nghịch ngợm kéo tung rồi thích chí cười vang tỏa ra vô vàn những hơi dài rét buốt. Chị em tôi co ro trong tấm mền mỏng vá chằng chịt bằng những tấm vải đủ màu, lởm khởm như hàng răng sún. Những lúc như thế lại ước ao có được manh áo ấm để khỏi phải giành nhau tấm mền khóc nhoi đến độ mẹ phải quát to mới chịu im.
Khi ấy chúng tôi đâu biết mẹ đau lòng lắm nhưng bất lực. Con thì đông, mình mẹ lo khôn xiết. Bởi vậy nên mẹ thức bao đêm cặm cụi bào khoai mì khi chị em tôi đã chìm say vào giấc ngủ, rồi mỗi sáng lại dậy thật sớm lát khoai đem phơi.
Sáng tháng chạp sương giăng khắp chốn, trời mờ mờ một màu đùng đục như nước luộc hến và gió sớm mai thoảng thôi nhưng cắt da cắt thịt. Thứ giá lạnh giữ chân tôi trong chăn nằm nghe âm thanh “bụp, bụp” đều đều, mường tượng ra từng lát khoai mì trắng bung rơi ra từ lưỡi dao bén nằm chồng lên nhau đợi chờ được rải mỏng tắm nắng. Bao nhiêu công đoạn mà chỉ mình mẹ cặm cụi làm. Thương mẹ, tôi tung chăn quyết chí ngồi dậy cho tỉnh ngủ đặng ra làm phụ. Bưng thau khoai đi phơi chừng vài vòng cơ thể nóng dần lên, rồi mồ hôi nhễ nhại tuôn, khi ấy sương đã tan dần chỉ còn vương lác đác trên mấy ngọn cây để lộ vòm trời trong ngằn ngặt phía trên cao. Mẹ hối tôi vào chuẩn bị áo quần sách vở đi học, cơm mẹ đã rang sẵn trong chảo, ăn đi chén rồi hẵng đi đừng nhịn đói kẻo bệnh…
Tôi lớn lên nương theo những mùa bấc và những mùa lát mì khô của mẹ. Đều đặn mỗi năm mẹ đều mua quần áo mới cho chúng tôi mỗi dịp tết về. Khi ấy kinh tế đã khá hơn xưa, nhưng mỗi lần ôm tấm áo mới mẹ mua lòng vẫn rộn ràng niềm vui trong trẻo háo hức đợi chờ ngày mồng một để được mặc áo mới. Làm sao quên được thứ ánh sáng ánh lên trong con ngươi ngày thường vẫn u buồn của mẹ khi xem chúng tôi mặc thử đồ. Mẹ cười liên tục khen cô bán hàng khéo chọn, đứa nào cũng bận vừa y, lại khen người ta khéo thế mẫu mã năm nay đẹp hơn năm ngoái…
Khi đã nhổ giò cao gần bằng mẹ tôi mới để ý thấy năm nào cũng vậy, mẹ lôi bộ quần áo cũ cất kỹ trong tủ ra mặc dịp tết rồi lại cất dành sang năm. Hỏi sao mẹ không mua quần áo mới cho mình, mẹ cười hiền bảo mẹ mặc đồ cũ được rồi, mỗi năm mặc có mấy ngày, với lại bộ đồ này còn mới lắm. Có thứ nước mắt rỉ rả rơi trong tim, mẹ ơi con biết đó chỉ là lời nói dối, sự thật là mẹ đã nhường tất cả những gì tốt đẹp cho chúng con. Khi đó con mới ngộ ra tại sao ngày thường mẹ hay giành vét cháy thừa ăn mà khen ngon, không cho chúng con ăn vì còn nhỏ ăn cháy hại bao tử.
Cái tính tằn tiện lo cho gia đình tới giờ vẫn còn nguyên đó, mẹ chẳng bao giờ mua cho mình thứ gì dù bây giờ kinh tế đã khá hơn xưa rất nhiều. Bởi vậy mỗi lần tết chúng tôi chia nhau mỗi người mua một thứ đem về. Bao giờ tôi cũng giành mua quần áo tết cho mẹ, rồi ngồi xuýt xoa khen khi mẹ thử đồ. Thể nào mẹ cũng càm ràm sao mua nhiều đồ cho mẹ, già rồi mặc chi cho nhiều. Mẹ ơi, còn bao nhiêu năm nữa để mua đồ cho mẹ nữa mẹ ơi khi quỹ thời gian đang ngắn dần với mẹ. Mẹ ơi con mong tết cũng chỉ để háo hức mua đồ mới cho mẹ, được ngửi mùi vải mới, thứ mùi thân thương mẹ đã cho con cả tuổi thơ yên bình…
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/me-va-mui-ao-moi-104895.html