Mẹ Việt - sừng sững một tượng đài nghệ thuật

Trên suốt dặm dài đấu tranh của dân tộc Việt Nam, bên cạnh hình ảnh người lính đã viết nên bao thiên anh hùng ca bất khuất, chúng ta chưa bao giờ quên nhắc đến những người phụ nữ chịu nhiều mất mát hy sinh mà ta thường gọi bằng một danh từ chung đầy trìu mến: Mẹ Việt!

 Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu từ mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ Ảnh: VGP

Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu từ mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ Ảnh: VGP

Mẹ là một phần của lịch sử bi tráng, đau thương, lặng thầm mà cao cả, giản dị mà can trường, là nguồn cảm hứng bất tận để nhiều thế hệ nghệ sĩ đặt trọn tâm huyết và tạc nên một tượng đài nghệ thuật sống động.

Từ trong thơ ca, âm nhạc cho đến những công trình kiến trúc sau này, đâu đâu cũng thấy mẹ hiện diện như những nốt nhạc trầm - thăng trong bản trường ca bất tử, đầy kiêu hãnh, tự hào.

Điển hình cho thế hệ nhà thơ cách mạng, Tố Hữu từng viết rất nhiều và rất hay về mẹ. Từ hình ảnh của mẹ Suốt, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Suốt, quê ở tỉnh Quảng Bình, nay là tỉnh Quảng Trị: "Kể chi tuổi tác già nua/Chống chèo xin cứ thi đua đến cùng/Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung/Gió lay như sóng biển tung, trắng bờ/Gan chi gan rứa, mẹ nờ?/Mẹ rằng: Cứu nước, mình chờ chi ai?/Chẳng bằng con gái, con trai/Sáu mươi còn một chút tài đò đưa/Tàu bay hắn bắn sớm trưa/Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò...".

Đến "mẹ Tơm" (tên thật là Nguyễn Thị Quyển, quê ở Thanh Hóa) - người mẹ nuôi của bao đàn con chiến sĩ nặng sâu ân tình cách mạng: "Con đã về đây, ơi mẹ Tơm/Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm/Cho con, cho Đảng ngày xưa ấy/Không sợ tù gông, chấp súng gươm!". Với những câu thơ này, nhà thơ Tố Hữu đã khái quát vẻ đẹp của "những trái tim như ngọc sáng ngời" của biết bao bà mẹ nuôi con đánh giặc.

Nhà thơ Bằng Việt cũng có bài "Mẹ" viết về người mẹ vùng hậu cứ thương chiến sĩ như con đẻ. Cảm động biết bao khi người lính sốt cao, trong cơn mê sảng vẫn thì thầm cùng mẹ: "Con nói mớ những núi rừng xa lạ/Tỉnh ra rồi, có mẹ hóa thành quê…".

Điều ấy cũng được các nhà thơ khác tái hiện với niềm tin yêu vô hạn. Trong "Trở về quê nội", nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân đã tạc nên một hình hài sống động của bà mẹ Bến Tre: "Ta có ngờ đâu mái lều của mẹ/Dưới lớp đất kia ngọn lửa vẫn còn/Mẹ ta tần tảo sớm hôm/Nuôi các anh ta dưới hầm bí mật/Cả đời mẹ hi sinh gan góc/Hai mươi năm giữ đất giữ làng/Ôi mẹ là bà mẹ miền Nam…".

Cùng biết ơn những người mẹ yêu thương, quan tâm chăm lo các chiến sĩ, nhà thơ Bùi Minh Quốc - Dương Hương Ly đã gửi vào tác phẩm "Đất quê ta mênh mông" bằng một tình cảm thiết tha và nỗi hàm ơn sâu sắc: "… Đất quê ta mênh mông/Quân thù không xăm hết được/Lòng mẹ rộng vô cùng/Đủ giấu cả sư đoàn dưới đất/Nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất/Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam".

Và còn nữa, một tác phẩm quen thuộc và hết sức cảm động khi ta gặp người mẹ của Đoàn Ngọc Thu: "Cả cuộc đời cha đi bộ đội/Quà về cho mẹ là mái tóc pha sương/Và những vết thương trên ngực cha/Khi trở gió lại đau nhức nhối/Chiếc ba lô gió sương đã gội/Gia tài cha tặng mẹ… chỉ thế thôi". Thử hỏi, còn nể phục nào hơn thế, cảm thương nào hơn thế bằng sự hi sinh của mẹ: "Hai mươi năm ngày cưới/Đến hôm nay đời chồng vợ bắt đầu/Hai mươi năm lấy nhau/Mẹ đẻ con rồi nuôi con một mình/Tháng năm trôi…".

Anh hùng Nguyễn Thị Suốt chèo đò đưa bộ đội sang sông Nhật Lệ trong kháng chiến chống Mỹ - Ảnh tư liệu

Anh hùng Nguyễn Thị Suốt chèo đò đưa bộ đội sang sông Nhật Lệ trong kháng chiến chống Mỹ - Ảnh tư liệu

Bên cạnh thơ ca, hình tượng mẹ đã đi vào âm nhạc một cách dung dị mà sống động, chất phác mà vô cùng ám ảnh. Lấy cảm hứng từ hình tượng mẹ Suốt sau chuyến công tác tại Quảng Bình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết ca khúc để đời "Huyền thoại mẹ", khái quát một cách đầy đặn hình tượng Mẹ Tổ quốc ngoan cường, đầy bao dung, nhân hậu: "Đêm chong đèn ngồi nhớ lại/Từng câu chuyện ngày xưa/Mẹ về đứng dưới mưa/Che đàn con nằm ngủ/Canh từng bước chân thù/Mẹ ngồi dưới cơn mưa…".

Đó là người mẹ của hàng ngàn đứa con chiến sĩ dũng cảm, mưu lược, là bóng mát chở che cho bao thế hệ đàn con cách mạng chiến đấu và tìm về như một chốn bình an: "Mẹ là nước chứa chan/Trôi dùm con phiền muộn/Cho đời mãi trong lành/Mẹ chìm dưới gian nan".

Tiếp tục mạch cảm xúc đó, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn với "Đất nước" (phổ thơ Tạ Hữu Yên) một lần nữa phác thảo chân dung Mẹ thầm lặng hi sinh, rứt ruột hiến dâng những đứa con cho Tổ quốc mình: "Đất nước tôi, thon thả giọt đàn bầu/Nghe dịu nỗi đau của mẹ/Ba lần tiễn con đi/Hai lần khóc thầm lặng lẽ/Các anh không về/Mình mẹ lặng im…".

Đó là chân dung người mẹ tảo tần, lam lũ mà son sắt thủy chung và sáng ngời chân lý cách mạng: "Hạt thóc chia đều, dẫu no dẫu đói/Ta vẫn vẹn tình, đắng ngọt cùng vui…".

Với "Người mẹ của tôi", nhạc sĩ Xuân Hồng đã nói thay triệu triệu người con đất Việt niềm thương cảm lớn lao, bởi những cuộc trường chinh của Tổ quốc này đã lấy đi của Mẹ tất cả: "Nước mắt mẹ không còn/Vì khóc những đứa con/Lần lượt ra đi, đi mãi mãi/Thời gian trôi qua/Vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng/Nhưng vết thương lòng, mẹ vẫn còn nặng mang…".

Từ đó nhắn nhủ các thế hệ lớn lên trong hòa bình biết trải lòng mình ra san sẻ, tri ân, biết sống có ích hơn, xứng đáng hơn với những hy sinh không gì bù đắp nổi của Mẹ: "Mẹ Việt Nam ơi, mẹ Việt Nam ơi/Cho con xin chia sớt nỗi buồn/Cho con xin xẻ đôi bát cơm/Cho con hôn đôi mắt mỏi mòn/Cho con soi lại bóng hình con…/Mẹ Việt Nam ơi, mẹ Việt Nam ơi/Xin cám ơn người, người mẹ của tôi"…

Năm 1994, nhà nước đã ban hành pháp lệnh công nhận danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Tuy nhiên, suốt dặm dài lịch sử đấu tranh của dân tộc, hình tượng Mẹ đã tạc vào dáng đứng của Tổ quốc, đã đi vào các tác nghệ thuật như một biểu tượng của bản thiên hùng ca kiêu hãnh.

Đi suốt dọc dài đất nước, ta dễ dàng bắt gặp những tượng đài Mẹ sừng sững, kiêu hùng giữa đất trời. Những kiến trúc ấy đã nói thay phần còn lại của lịch sử, như một sự ghi nhận xứng đáng đức hi sinh của hàng ngàn người Mẹ Việt Nam cũng như truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ mai sau.

Điển hình là tượng đài mẹ Suốt, còn được gọi bằng cái tên thân mật "người mẹ Bảo Ninh", được xây dựng bên bờ sông Nhật Lệ. Mẹ Suốt được biết đến như một người mẹ kiên trung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Khi các tuyến giao thông, bến phà trên sông Nhật Lệ - mạch máu của Quảng Bình và miền Trung bị các cuộc tấn công dữ dội, mẹ Suốt đã dũng cảm xung phong đảm nhận nhiệm vụ kết nối đường dây liên lạc cách mạng, chèo đò qua sông, vận chuyển lính, vũ khí và hàng hóa từ bờ Bắc sang bờ Nam.

Đặc biệt, nhằm tri ân tưởng nhớ hơn 127.000 Mẹ Việt Nam anh hùng trên cả nước, những người đã hy sinh thầm lặng, hiến dâng những người chồng, người con yêu quý của mình vì nền hòa bình, độc lập của dân tộc, quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng đã được xây dựng tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (nay là phường Quảng Phú, TP Đà Nẵng).

Ở đấy, tiêu biểu là tượng đài mẹ Thứ - nguyên mẫu từ mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, người đã hiến dâng 9 người con cho 2 cuộc trường chinh của dân tộc. Thật khó mà giải mã đức hi sinh và sức chịu đựng phi thường của mẹ.

Cũng trong quần thể kiến trúc này, 8 trụ huyền thoại đã được dựng lên tại quảng trường Tiền Môn với những khắc họa hình ảnh về người Mẹ Bắc bộ hiền lành, phúc hậu; Mẹ Nam bộ kiên trung, bất khuất; Mẹ Trung bộ tần tảo nắng mưa;

Mẹ Tây Nguyên tuy cái bụng không no nhưng vẫn để dành từng miếng cơm, trái bắp, củ khoai… cho bộ đội; hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại…

Dù có nói bao nhiêu, viết bao nhiêu, tái hiện bao nhiêu cũng khó có thể kể hết công ơn của hàng ngàn bà mẹ kiên trung trên đất nước này. Mặc dù vậy, từ thơ ca, âm nhạc, kiến trúc hay các loại hình nghệ thuật khác, chúng ta có cơ hội được gặp, được thấy và được cúi đầu ngưỡng vọng đức hi sinh vô bờ bến của những bà mẹ anh hùng.

Sự hi sinh ấy không nhiều lời nhưng đầy ám ảnh. Vượt lên tất cả những tấm huân - huy chương, những tấm bằng khen ghi nhận công trạng hậu chiến, mẹ chính là huyền thoại bất tử, là một phần chứng tích trong trang sử bi - hùng của dân tộc.

Xin được mượn lời của cố nhạc sĩ An Thuyên để khép lại thông điệp tháng 7 như một lời tri ân thành kính nhất dành cho Mẹ Việt Nam - người mẹ chung của một dân tộc đau thương nhưng quật khởi này: "Mẹ đã có ngàn đứa con, mẹ đã có cả nước non/Mẹ mãi mãi cùng con trên đường dài/Núi sông hôm nay biết ơn người mẹ hiền…./Trọn tình nước non, mẹ Việt Nam anh hùng/Tự hào chúng con có mẹ Việt Nam anh hùng".

Ngô Thế Lâm

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/me-viet-sung-sung-mot-tuong-dai-nghe-thuat-2025072515340946.htm