Metro Hà Nội nói gì về tuyến Cát Linh- Hà Đông lãi 'khủng'?
Tổng doanh thu của Metro Hà Nội năm 2023 đạt 515 tỷ đồng; trong đó có 74,03 tỷ đồng doanh thu từ bán vé. 414,231 tỷ đồng từ trợ giá.
Liên quan đến yêu cầu của Sở GTVT về việc, yêu cầu Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) phải báo cáo, làm rõ về số lãi hơn 13 tỷ đồng trong năm 2023, ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc công ty cho biết, năm 2023, tuyến đường sắt đô thị số 2A đã vận chuyển được 10.809.625 lượt hành khách, tăng 31,7% so với năm 2022.
Tổng doanh thu của đơn vị năm 2023 đạt 515 tỷ đồng; trong đó có 74,03 tỷ đồng doanh thu từ bán vé. 414,231 tỷ đồng từ trợ giá. Công ty cũng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 3,2 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 13,1 tỷ đồng, tương đương 3,7% doanh thu.
Đáng chú ý, theo ông Trường, trong định mức được duyệt theo đơn giá tạm thời để đặt hàng, Công ty phải đạt mức lợi nhuận 4,5%. Trên thực tế, đơn vị mới đạt 3,7%, thấp hơn định mức yêu cầu.
Báo cáo tài chính năm 2023 của đơn vị đã được kiểm toán theo quy định. Ngày 16/4 vừa qua, Sở Tài chính đã chủ trì họp liên ngành với các Sở: GTVT tải, Kế hoạch & Đầu Tư Lao động Thương binh & Xã hội, Cục Thuế Hà Nội để thông qua báo cáo kết quả thực hiện năm 2023, phê duyệt kế hoạch năm 2024, trong đó có báo cáo về khoản lãi định mức nêu trên.
Lãnh đạo Metro Hà Nội khẳng định, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhân dân đã được đảm bảo tốt, minh bạch, đúng quy định và được kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, theo ông Trường được sự quan tâm chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, sự hỗ trợ hiệu quả của các Sở ban, ngành, Công ty đã từng bước đi vào hoạt động ổn định.
Tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động từ ngày 6/11/2021. Sau giai đoạn khởi đầu, các năm 2022, 2023, Metro Hà Nội đều đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch được TP giao; liên tục gia tăng sản lượng hành khách, góp phần rất tích cực vào giảm thiểu ùn tắc, xây dựng văn hóa giao thông Thủ đô.
Hiện mỗi ngày có trên 35.000 lượt hành khách sử dụng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông làm phương tiện đi lại. Trong đó 47% là những người đi làm, 45% là những người đi học, và 8% đi lại với các mục đích khác.
Lượng hành khách đi lại thường xuyên bằng vé tháng có tỷ lệ bình quân trong ngày chiếm 70%, trong giờ cao điểm là trên 85%. Điều này thực sự đã góp phần giảm thiểu mật độ phương tiện trên hành lang tuyến giờ cao điểm, từng bước giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.