Mì ăn liền Việt Nam ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm tại EU

Mì ăn liền khi xuất khẩu vào thị trường EU đã được Ủy ban châu Âu đưa ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm nhưng vẫn bị kiểm tra tần suất tại cửa khẩu 20%.

 EU đã bổ sung mì ăn liền vào kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ tháng 12/2021. Ảnh: Foodmakesmehappy.

EU đã bổ sung mì ăn liền vào kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ tháng 12/2021. Ảnh: Foodmakesmehappy.

Ủy ban châu Âu (EC) vừa đăng công báo sửa đổi quy định về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU).

Trong đó, đáng chú ý, mì ăn liền Việt Nam đã được cơ quan này đưa ra khỏi danh mục kiểm soát an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, tần suất kiểm tra tại cửa khẩu đối với mặt hàng này vẫn được duy trì ở mức 20%. Quy định này có hiệu lực từ ngày 2/7.

Việc được đưa ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm là một bước tiến quan trọng, giúp mỳ ăn liền Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường EU, vốn có tiềm năng lớn với hơn 450 triệu dân.

Trước đó, kể từ 12/2021, EU bổ sung mặt hàng mì ăn liền vào kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (Ethylene Oxide) với tần suất kiểm tra là 20% do mỳ ăn liền là sản phẩm tổng hợp.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhiều lần có văn bản đề nghị có ý kiến để tháo gỡ khó khăn trước việc sản phẩm mì ăn liền bị kiểm soát dư lượng Ethylene Oxide.

Hồi tháng 3/2023, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cũng tổ chức cuộc họp với doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền sang EU nhằm đưa ra các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm mì ăn liền xuất khẩu.

Bên cạnh mì ăn liền, theo thông báo mới của EC, mặt hàng đậu bắp vẫn bị yêu cầu chứng thư kiểm soát thuốc trừ sâu của Việt Nam và tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu EU là 50%. Mặt hàng sầu riêng vẫn giữ nguyên tần suất kiểm tra 10%.

Mặt hàng ớt được chuyển từ phụ lục I (kiểm soát 50%) sang phụ lục II (kiểm soát 50% và kèm theo giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm) do cơ quan này ghi nhận dư lượng thuốc trừ sâu trên sản phẩm này xuất khẩu sang EU tiếp tục tăng.

Bên cạnh đó, EC cũng điều chỉnh quy định kiểm tra đối với một số sản phẩm nông sản khác của Việt Nam. Cụ thể, đối với thanh long, tần suất kiểm tra tại cửa khẩu được tăng từ 20% lên 30% do phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu trong quá trình kiểm soát.

Ethylene Oxide là một hợp chất hữu cơ thường ở dạng khí không màu và được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau. Đây không phải là phụ gia thực phẩm hay chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nhưng có thể được sử dụng với mục đích kiểm soát côn trùng, vi sinh vật trong sản phẩm thực phẩm khô (đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế… nhằm diệt khuẩn Salmonella).

Hiện nay, một số quốc gia và khu vực đã đưa ra quy định về việc sử dụng Ethylene Oxide trong nông nghiệp/thực phẩm hay dư lượng của chất này trong thực phẩm nhưng với sự chênh lệch rất lớn. Tại EU, hợp chất này được xếp vào nhóm 1B về khả năng gây ung thư, gây đột biến, độc tính sinh sản và trong nhóm 3 về độc tính cấp.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ xây dựng ngưỡng giới hạn cho phép đối với dư lượng chất Ethylene Oxide trong mì ăn liền tiêu thụ trong nước và các sản phẩm thực phẩm khác có mối nguy tương tự thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Thanh Thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/mi-an-lien-viet-nam-ra-khoi-dien-kiem-soat-an-toan-thuc-pham-tai-eu-post1480655.html