Mì Hảo Hảo có chất Ethylene Oxide: Chuyên gia nói gì?
Chuyên gia Vũ Thế Thành nhận định mỗi một nước có quy định về an toàn thực phẩm khác nhau. Không thể nói tiêu chuẩn châu Âu khắt khe hơn, tiêu chuẩn Việt Nam thấp hơn.
Cuối tháng 8, dư luận xôn xao với thông tin Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm ăn liền Hảo Hảo vì có chứa chất Ethylene Oxide.
Trao đổi trên báo chí, ông Vũ Thế Thành, chuyên gia thực phẩm cho rằng: Ethylene oxide không phải là phụ gia thực phẩm để đưa vào chế biến. Trong thực tế, nó dùng để phun vào nông sản như các loại hạt, đậu để diệt khuẩn và nấm mốc.
Vì vậy, ông Thành nhận định, có thể chất Ethylene Oxide tồn dư trong mì Hảo Hảo có ngay từ nguồn nguyên liệu đặt mua từ bên ngoài như bột tiêu hành ớt tỏi…
Chuyên gia Vũ Thế Thành nhận định mỗi một nước có quy định về an toàn thực phẩm khác nhau. Không thể nói tiêu chuẩn châu Âu khắt khe hơn, tiêu chuẩn Việt Nam thấp hơn.
Theo ông Thành, hiện nay, không cách nào loại bỏ hoàn toàn Ethylene oxide cả. Vì vậy, mới có hiện tượng có nước cấm loại chất này, có nước không. Ngay cả các nước cấm dùng Ethylene oxide để trong nông sản, cũng phải đưa ra mức tối đa cho phép.
Tại Việt Nam, chất lượng lương thực, thực phẩm theo tiêu chuẩn Codex của Ủy ban quốc tế, và cơ quan này không có giới hạn về loại chất này. Do đó, khó có thể đánh giá được mì Hảo Hảo có vi phạm quy định sản xuất thực phẩm tại Việt Nam không.
“Tôi lấy ví dụ, tại thị trường Nhật Bản cũng theo tiêu chuẩn Codex, như vậy khi xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ không vi phạm”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, mỗi một nước có quy định về an toàn thực phẩm khác nhau. Không thể dùng chuyện khác nhau để nói tiêu chuẩn châu Âu khắt khe hơn, tiêu chuẩn Việt Nam thấp hơn.
“Mì gói, dù mất cân bằng về dinh dưỡng vì nhiều bột nhiều béo, ít xơ ít đạm…, nhưng lại là món ăn phổ biến của người dân, nhất là trong lúc giãn cách về đại dịch”, vị chuyên gia này cho biết.
Trong khi đó, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm chưa có quyết nghị chung liên quan tới dư lượng EO trong thực phẩm. Nhiều quốc gia chưa có quy định về việc sử dụng EO trong nông nghiệp/thực phẩm hay dư lượng của chất này.
Đối với Hoa Kỳ và Canada, hiện nay, hai quốc gia này cho phép sử dụng EO trong khử trùng thảo mộc và rau củ khô. Úc và New Zealand hiện không có quy định về ngưỡng giới hạn dư lượng đối với EO.
Với thị trường Việt Nam, hiện tại, chưa có quy định cho phép hay cấm sử dụng hợp chất EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.
Chính vì vậy, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương khuyến cáo, các nhà sản xuất cần nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản xuất trước khi xuất khẩu.
Trước vụ lùm xùm liên quan tới lô hàng bị thu hồi tại Ireland, trên mạng xã hội, rất nhiều cộng đồng mạng bày tỏ quan điểm trái chiều về sự việc này. Một số ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng nên có những giải pháp kiểm tra đồng bộ các sản phẩm mì ăn liền, liệu loại chất này có ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng hay không.
Theo thống kê của Retail Data, tính đến hết tháng 9/2020, Acecook Việt Nam vẫn đứng đầu thị trường mì ăn liền với, 35,4% thị phần về doanh thu. Xếp sau Acecook là Masan chiếm 27,9%, Uniben chiếm 12,2% và Asia Foods chiếm 8%.