Miễn, giảm thuế đất nông nghiệp: Nâng cao sức cạnh tranh, đảm bảo an ninh lương thực
Trao đổi với báo chí xung quanh việc Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030, ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho rằng, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp kỳ vọng tạo ra sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn và thúc đẩy phát triển nông thôn mới…

Việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp còn mang lại nhiều kỳ vọng tích cực trong tương lai. Ảnh tư liệu
PV: Thưa ông, đâu là lý do khiến Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030 và chính sách này tác động ra sao đối với ngành Nông nghiệp, cũng như bà con nông dân?

Ông Nguyễn Thành Hưng: Như chúng ta đã biết, nông nghiệp, nông thôn và nông dân có vị trí chiến lược rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như ổn định kinh tế, ổn định chính trị và là nhân tố quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua. Theo quy định hiện hành, thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn đến hết ngày 31/12/2025, căn cứ theo các Nghị quyết 55/2010/QH12, Nghị quyết 107/2020/QH14 và Nghị quyết 28/2016/QH14. Theo các nghị quyết này, hầu hết đất nông nghiệp được miễn thuế, đặc biệt là đất giao cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý để sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đất nông nghiệp được giao nhưng không trực tiếp sản xuất mà cho tổ chức, cá nhân khác thuê lại để sản xuất thì không được miễn thuế.
Bên cạnh đó, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng nhằm đảm bảo các mục tiêu của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, cũng như thúc đẩy tích tụ đất đai theo các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ sửa đổi chính sách thuế, phí trong thời gian tới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành sản xuất nông nghiệp phát triển.
Việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp còn mang lại nhiều kỳ vọng tích cực trong tương lai, như: tạo ra sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; tạo công ăn, việc làm cho khu vực nông thôn và thúc đẩy phát triển nông thôn mới; đồng thời đảm bảo tuân thủ các cam kết và thông lệ quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
PV: Việc thực hiện chính sách miễn tiền thuê đất nông nghiệp sẽ ảnh hưởng ra sao đến nguồn thu ngân sách, Bộ Tài chính đánh giá như thế nào về hiệu quả từ việc triển khai chính sách này, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Hưng: Mục tiêu thứ nhất trong thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
Mục tiêu thứ hai là thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Thứ ba là, qua đánh giá quá trình thực hiện chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời gian qua, số thu từ đất nông nghiệp rất nhỏ, chỉ khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm (năm 2022 và 2023 đều khoảng 10 tỷ đồng). Số thu này chủ yếu để bù đắp chi phí cho các địa phương trong việc quản lý và sử dụng đất nông nghiệp, chiếm tỷ trọng rất nhỏ khoảng 0,0057% tổng thu ngân sách nhà nước theo tính toán năm 2023 tổng kết đánh giá.
Như chúng ta đã biết, chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp không phải mới mà đã được thực hiện từ lâu, do đó hiện nay chúng ta vẫn đang áp dụng miễn, giảm thuế này. Vì vậy, việc thực hiện chính sách này không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.
Việc đề xuất kéo dài chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đến ngày 31/12/2030 dự kiến sẽ làm giảm thu khoảng 7.500 tỷ đồng mỗi năm. Qua đánh giá tại các địa phương cho thấy, trong quá trình thực hiện chính sách miễn, giảm thuế này không gặp vướng mắc lớn và được các địa phương cho rằng, việc tiếp tục cho miễn, giảm thuế đất nông nghiệp là phù hợp và cần thiết để khuyến khích sản xuất nông nghiệp phát triển, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
PV: Có ý kiến lo ngại việc miễn thuế đại trà dẫn đến tình trạng đất bỏ hoang cũng sẽ được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi này. Vậy Bộ Tài chính có giải pháp nào để chính sách này thực sự đi vào đúng đối tượng, sử dụng hiệu quả hơn?
Ông Nguyễn Thành Hưng: Thực tế, chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được thực hiện hơn 30 năm, kể từ năm 1993. Theo Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp ban hành năm 1993 và các sửa đổi, bổ sung từ năm 2001 đến nay, chính sách này được điều chỉnh nhằm phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân cũng như mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
Qua tổng kết, đánh giá các nghị quyết của Quốc hội đã được ban hành cho thấy phạm vi và đối tượng miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện nay vẫn còn phù hợp và không cần sửa đổi. Đề xuất kéo dài chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030, nhằm tiếp tục khuyến khích sản xuất nông nghiệp, phát triển nông dân và nông thôn, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngoài ra, việc kéo dài miễn, giảm thuế còn góp phần đảm bảo công ăn, việc làm cho người dân, khuyến khích họ gắn bó lâu dài với sản xuất nông nghiệp, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực nông thôn.
PV: Có thông tin cho rằng, tại nhiều địa phương có tình trạng đất nông nghiệp được miễn thuế sử dụng nhưng lại bị bỏ hoang nhiều năm không được đưa vào sử dụng đang gây ra sự lãng phí. Theo ông, cần có giải pháp quản lý ra sao để việc sử dụng đất được tiết kiệm, hiệu quả?
Ông Nguyễn Thành Hưng: Nghị quyết không bổ sung phạm vi đối tượng miễn, giảm thuế. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đất bị bỏ hoang, nhưng số lượng này rất nhỏ. Việc quản lý nhà nước về đất đai, hiện nay được Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) quản lý, cũng như các cơ quan quản lý đất đai tại địa phương cùng tham gia thực hiện quản lý.
Do đó, việc quản lý đất đai thuộc chức năng của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các cơ quan quản lý đất đai ở địa phương. Theo quy định tại Khoản 7, Điều 81 Luật Đất đai năm 2024, đối với đất nông nghiệp như đất trồng cây hàng năm và đất nuôi trồng thủy sản, nếu không được sử dụng liên tục trong vòng 12 tháng; đất trồng cây lâu năm không sử dụng liên tục trong 18 tháng; đất trồng rừng không sử dụng liên tục trong 24 tháng bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu không đưa đất vào sử dụng theo thời hạn trong quyết định xử phạt, thì sẽ bị thu hồi.
Ngoài ra, tại Điều 103 Luật Đất đai năm 2024 cũng quy định, trong trường hợp thu hồi đất nông nghiệp bỏ hoang, nhà nước sẽ không bồi thường cho phần đất bị thu hồi. Đây là biện pháp nhằm khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thực tế, khái niệm đất bỏ hoang rất hiếm gặp và số lượng đối tượng này rất nhỏ, đồng thời chưa có định nghĩa cụ thể về đất bỏ hoang.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm
Với đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2030, số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm. Đây tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất…, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và ổn định kinh tế - xã hội.