Miễn, hỗ trợ học phí là chủ trương rất ý nghĩa, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta

Chiều 22/5, Phó Chủ tịch Quốc hội dự, phát biểu tại Phiên họp Tổ 17 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, Nam Định, Quảng Ngãi và Cà Mau. Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình và thống nhất cao với sự cần thiết ban hành 3 Nghị quyết của Quốc hội về các vấn đề liên quan trực tiếp đời sống người dân.

Toàn cảnh thảo luận Tổ 17

Toàn cảnh thảo luận Tổ 17

Đề nghị hỗ trợ kinh phí các địa phương khó khăn trong việc miễn, hỗ trợ học phí

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, đại biểu Vũ Thị Liên Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, hiện nay, căn cứ để xác định mức đóng học phí được thực hiện theo Nghi định số 81/2021/NĐ-CP và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP. Các địa phương khác nhau có mức thu học phí khác nhau; các cơ sở giáo dục ngoài công lập khác nhau cũng có mức thu học phí rất khác nhau. Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định mức/ khung hỗ trợ phù hợp, thống nhất giữa các địa phương để đảm bảo công bằng trong giáo dục.

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

“Đề nghị rà soát để bổ sung các đối tượng và các mức đúng với thực tế hiện nay và lấy số liệu năm học 2024-2025. Thứ hai, đề nghị cơ qua soạn thảo đánh giá kỹ hơn về khả năng cân đối ngân sách của địa phương, đặc biệt là các địa phương khó khăn”, Đại biểu Vũ Thị Liên Hương nhấn mạnh.

Về nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết, đại biểu Trần Thị Quỳnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đề nghị Nghị quyết quy định nguyên tắc phân bổ ngân sách, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ nhiều hơn cho các tỉnh nghèo, vùng khó khăn, nơi số thu thấp nhưng số lượng học sinh đông hoặc tỷ lệ trẻ em bỏ học do khó khăn kinh tế còn cao. Hoàn toàn ủng hộ mục tiêu và ý nghĩa nhân văn của chính sách miễn, hỗ trợ học phí, đại biểu Trần Thị Quỳnh nhấn mạnh, đây là một chủ trương rất ý nghĩa, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta: mọi trẻ em, học sinh đều không bị gặp rào cản về tài chính khi đến trường. Chính sách này phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và cụ thể hóa nhiệm vụ “giáo dục bắt buộc 9 năm” mà Bộ Chính trị đã đề ra. Việc miễn học phí rộng rãi sẽ giảm gánh nặng chi phí cho hàng chục triệu gia đình, khuyến khích những học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đi học, qua đó nâng cao mặt bằng học vấn và nguồn nhân lực trong tương lai.

Đại biểu Trần Thị Quỳnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Đại biểu Trần Thị Quỳnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần làm rõ về mức độ và cơ chế “hỗ trợ học phí” đối với cơ sở ngoài công lập, bởi dự thảo mới dừng ở nguyên tắc hỗ trợ, chưa nêu chi tiết hỗ trợ mức nào và bằng hình thức gì. Đại biểu nêu rõ: “Trong thực tế, học phí tại các cơ sở ngoài công lập rất đa dạng. Nhiều trường tư thục thu mức học phí tương đương trường công, nhưng cũng có trường chất lượng cao thu học phí rất cao. Do vậy, để đảm bảo công bằng và hiệu quả ngân sách, đề nghị Nghị quyết giao Chính phủ quy định rõ mức hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập”. Trên cơ sở đó, đại biểu Trần Thị Quỳnh đưa ra gợi ý, đó là mức hỗ trợ tối đa không vượt quá mức trần học phí công lập tại địa phương hoặc mức ngân sách Nhà nước chi bình quân cho một học sinh công lập. Với cơ chế này, học sinh trường tư sẽ được Nhà nước hỗ trợ tương đương như khi học trường công, phần chênh lệch (nếu học phí tư thục cao hơn) thì phụ huynh tự chi trả.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Thông tin thêm với các đại biểu Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục, cơ quan thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân cho biết, đối với khối công lập, mục tiêu của chúng ta là đến trường không phải đóng học phí. Vì vậy, số học phí mà học sinh phải đóng hiện nay, Ngân sách nhà nước sẽ chi để hỗ trợ cho các trường công để học sinh không phải đóng. Còn đối với khối ngoài công lập, chúng ta thực hiện theo Luật Giáo dục. Học sinh đi học tại các trường ngoài công lập vẫn được hỗ trợ mức học phí. Chính phủ tính toán khoản hỗ trợ đó sẽ hỗ trợ thẳng cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra kiến nghị nên cấp trực tiếp cho gia đình học sinh để đảm bảo công bằng hơn. “Đại biểu có đề nghị Chính phủ quy định chi tiết mức hỗ trợ này, thì hiện nay Nghị quyết giao cho HĐND tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn quyết định mức hỗ trợ cho học sinh khu vực ngoài công lập. Trong báo cáo thẩm tra, chúng tôi cũng thể hiện quan điểm, đề nghị Chính phủ lưu ý đối với các địa phương chưa cân đối được ngân sách, khi thực hiện các chính sách này có thể có những khó khăn, đề nghị Chính phủ hỗ trợ”, đại biểu Nguyễn Đắc Vinh trao đổi thêm.

Đại biểu Khương Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Đại biểu Khương Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Góp ý về dự thảo Nghị quyết, đại biểu Khương Thị Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu Điều 99 của Luật Giáo dục về Học phí, chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Theo đại biểu, diện đối tượng được miễn, hỗ trợ học phí theo Điều 99 hẹp hơn dự thảo Nghị quyết của Quốc hội hiện nay. Vì vậy cần nghiên cứu các quy định trong dự thảo Nghị quyết để không gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Cùng với đó, nghiên cứu sửa đổi quy trình thủ tục, phương thức chi trả, tiền hỗ trợ theo Nghị định 81/2021 và Nghị định 97/2023 để phù hợp khi thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tham dự, phát biểu tại Tổ 17

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tham dự, phát biểu tại Tổ 17

Thông tin về nội dung đại biểu Khương Thị Mai quan tâm, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh, về nguyên tắc, ngân sách nhà nước không được chi trùng. “Đối tượng đã được hỗ trợ rồi thì sẽ không được hỗ trợ nữa. Quan trọng là Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho UBND tỉnh làm sao để lập dự toán cho sát, đúng, đủ đối tượng để đề nghị với Trung ương hỗ trợ, đề nghị địa phương để chi ngân sách địa phương triển khai miễn, hỗ trợ học phí”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị cơ quan thẩm tra nghiên cứu, xử lý hoàn thiện văn bản trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Qua tiếp xúc cử tri và giám sát, đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho biết có những khó khăn đối với các trường mầm non như: thiếu nhân viên y tế, kế toán; trình độ yêu cầu đối với giáo viên mầm non phải là Cao đẳng sư phạm; số lượng và tuổi nghỉ hưu của cô giáo mầm non. Đại biểu cũng mong muốn, Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi sẽ giải quyết được những tồn tại này. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cũng đề nghị bổ sung, quy định rõ hơn việc đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp giáo dục mầm non công lập trong dự thảo Nghị quyết.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Bổ sung thêm từ thực tế, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, qua các cuộc tiếp xúc cử tri cho thấy, các trường mầm non kiến nghị cần có cơ chế chính sách đối với nhân viên cấp dưỡng, bởi vì đối với các trẻ em bán trú tại trường, chế độ dinh dưỡng và những người thực hiện chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng.

Cho ý kiến về giáo dục trẻ em mầm non, đại biểu Khương Thị Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, ngoài khó khăn về đội ngũ giáo viên phải có trình độ Cao đẳng, diện tích các trường mầm non cũng là vấn đề, nhất là tại các thành phố lớn. Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần phải có quy hoạch đất cho giáo dục thì mới mở rộng được diện tích các trường. “Đề nghị Chính phủ cũng nghiên cứu để triển khai, thể chế hóa chủ trương của Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương, trong đó, không để lãng phí các cơ sở sau sắp xếp, ưu tiên cho cho ngành giáo dục và y tế. Các Bộ ngành phải hướng dẫn ngay việc xử lý tài sản sau sắp xếp, kịp thời cho việc đủ trường, lớp cho việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi”, đại biểu Khương Thị Mai đề nghị.

Đề nghị miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp nhận khoán từ nông trường, đánh thuế đất đai để hoang hóa

Đại biểu Đinh Ngọc Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Đại biểu Đinh Ngọc Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14, đại biểu Đinh Ngọc Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, hiện có khoảng 1,5 triệu ha đất của nông trường quốc doanh. Các nông trường này khoán lại cho người nông dân để canh tác và người nhận khoán vẫn phải nộp thuế thay cho nông trường. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho đối tượng nhận khoán trong nông trường quốc doanh, đề nghị bổ sung thêm vào Điều 1 dự thảo Nghị quyết, đất khoán trong nông trường quốc doanh thuộc nhóm được miễn thuế đất nông nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Trên thực tế các cuộc giám sát, khảo sát của Quốc hội thời gian qua cho thấy, có nhiều diện tích đất chưa được sử dụng hiệu quả hoặc để lãng phí. Trao đổi thêm về vấn đề đất đai, đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau bày tỏ quan tâm đến các loại đất nằm trong quy hoạch nhưng bỏ hoang hóa. Dẫn chứng từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu cho rằng, có những dự án đã chuyển từ đất nông nghiệp sang mục đích khác, sau khi giải phóng mặt bằng lại để lãng phí nhiều năm, trong khi người dân lại không có đất sản xuất. “Tôi đề nghị đối với các loại đất này phải đánh thuế. Đánh thuế ở đây là đánh thuế việc lãng phí nguồn lực đất đai, để làm sao chúng ta tăng hiệu quả sử dụng đất”, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đề nghị.

Một số hình ảnh tại Tổ 17:

Bà Hà Thị Nga, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang điều hành thảo luận Tổ 17

Bà Hà Thị Nga, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang điều hành thảo luận Tổ 17

Các đại biểu Quốc hội tham dự họp Tổ 17

Các đại biểu Quốc hội tham dự họp Tổ 17

Khắc Phục - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=94247