Miên man nhớ... khói
Tuổi già thường lẩn thẩn thì phải? Tự dưng nhớ nồi cơm ngày đói. Cơm độn nhưng nhoáng cái đã xới vét hết mà nồi hẵng còn bốc khói! Lũ trẻ nhăm nhăm ánh mắt về khoảng khói hư vô. Nồi cơm như giấc mơ vừa tan biến. Rồi khoảng khói trắng chóng vánh nồi canh mẹ nấu bốc vội như thứ tiêu bản mong manh thời tháng ba ngày tám.
Mà lâu lắm chả được thấy những thứ khói ẩm thực? Như thứ khói trắng mờ bốc lờ đờ từ bụng con lợn mổ chiều hăm tám Tết. Rồi thứ khói màu sữa dùng dằng thoát từ cỗ lòng lợn mới luộc vớt ra? Thời nay muốn thịt, muốn lòng, thứ chi cũng sẵn. Chỉ việc ghé quầy hàng. Chỉ hiềm có bói cũng chả thấy khói!
Khói thuốc lào tưởng cuộn bốc là thế nhưng thoáng chốc đã loãng tan trong hun hút cánh đồng những buổi làm lụng vất vả một chạp giêng hai!
Cả một chút… khói từ miệng em ngày giá rét nữa chứ? Cứ như thứ thở dài, thở hắt ra nỗi vất vả lam làm cữ ngày đông tháng giá.

Lập cập ra đường. Chạm mặt với nhoáng nhoàng xe cộ. Tự dưng nhớ quay quắt thửa ao quê. Nhớ cái khoảng trắng mờ thoạt ngó tưởng sương? Những ngày rét, lúc lờ đờ khi cuồn cuộn trên mặt ao. Cả trên tràn ruộng lầy của cánh đồng chiêm trũng ngay cạnh. Đám khoa học với bản năng cố hữu là thích đến đâu thì giải đến đấy rằng hơi nước bốc lên do nền nhiệt thoát ra trong lòng đất. Chả phải! Ông bạn già của tôi từng đồ rằng, đất đang thở đấy. Ấy là thứ khí lưu thông của luật âm dương phong thủy. Có thế mới bình hòa cái sự tuần vận được? Bây giờ Hà thành lấp đi hàng ngàn khoảng ao chồng lên đó những building mấy chục tầng nặng chịch bê tông, sáng lòa nhôm kính. Đất không còn chỗ thở. Bao nhiêu là huyệt đất lấp tịt bít rịt rồi còn đâu? Người sống trên đó bí rị, tắc tị. Đau ốm và mắc chứng nan y đành bó tay là vì thế?
Khói nhúm, đốt đồng cữ ngày đông tháng Mười như mang lại sinh khí cho những cánh đồng trống hoác trơ gốc rạ khô queo. Ấy là dịp hân hoan của đám trẻ mùa hun chuột. Những chú chuột đồng béo mầm mắt đỏ khè vì bị ngột khói mắt nhắm mắt mở quáng quàng thoát ra từ ngách hang.
Con ngõ làng những năm xa. Đống rấm mẹ vun lá cùng rác rưởi lâu ngày mới hóa đang nhẹ bốc lên thứ khói trắng mờ là là vướng vít chỗ chân tre bờ duối khiến đường thôn cữ chạp ấm sực. Bây giờ chắc khừ hun hút lạnh lùng những gạch đá giăng giăng thay cho tre, cho duối, ô rô. Trên cắm lởm khởm các mảnh chai, mảnh sành như ranh giới của những trại lao cải.
Mà nữa, những chiều sương hình như đã bặt vắng thứ khói bếp nuột trắng la đà khắc khoải thoát ra từ những mái gianh? Thời mới cùng đời sống mới đã thay thế bếp gio, bếp củi bằng bếp ga, bếp từ quá ư là tiện lợi. Lại nhân văn nữa. Có lẽ những kẻ tha hương hoặc lâu lắm mới ghé quê hoặc về làng cũng nên bỏ đi cái cảm giác xốn xang khi tự đằng xa đã thoáng thấy vầng khói lam của mái cũ quê nhà?
Lại xốn xang cữ áp Tết, mọi thứ dường như lặng đi tạm khuất đi để làm nền để nhường cho khói? Khói hương bài (một thứ trầm) hương đen trên bàn thờ lúc đầu thẳng vút sau trầm mặc vấn vít tỏa lan. Thứ khói ấy cứ bảng lảng suốt mấy gian nhà cổ.
Ra Hà thành làm ăn, xây được cái nhà tầng. Cẩn trọng hỏi thầy hẳn hoi. Lập hẳn cái ban thờ trên gác tư. Nhà văn Đỗ Chu một bận ghé cứ cầm cái đóm đang cháy, mãi chẳng chịu dí vào cái mồi thuốc lào nạp sẵn. Mắt lão cứ trợn trừng rồi hấp him ngó lom lom cái bàn thờ. Rồi lão thở dài, lập bập mồi thuốc… Âm thanh trầm rè quen thuộc cứ như âm u trong hơi khói thuốc lào như màn khí núi rằng, nên để dưới, tầng trệt. Tại sao ấy ư? Bàn thờ các cụ nên ngự ở gian chính giữa. Mọi việc sinh hoạt của con cháu trong nhà đều diễn ra dưới ánh nhìn nghiêm cẩn dõi theo nhắc nhở của tiền nhân.
Bấn bíu cùng dùng dắng, chưa kịp chuyển thì COVID-19 ập đến. Bà xã, chả biết ai mách đã mua ngải cứu về, thứ để héo, thứ phơi khô. Cứ tầm chập tối lèn chật vào cái thiết bị tôn gò dùng để hóa vàng. Và đốt. Khói ngải cứu giăng chật các phòng rồi xộc thẳng lên tầng tư. Bàn thờ được tẩm được ướp trong khói. Chả biết các cụ có quở quang chi không nhưng lạ cái giống muỗi, liền mấy năm tiệt sạch cái giống dĩn, muỗi. Nhớ công dụng ấy từng phát tác thời COVID-19, thi thoảng thời này lại đem ngải cứu khô ra hun!
Biên ra, cũng như tạm thống kê một số khói như thế. Cứ thảng thốt, hình như cư dân thời mới ai cũng vội vội vàng vàng. Vội đến mức ngó lơ đi nhiều thứ, trong đó có… khói? Đọc được những thông điệp mờ ảo như sương như khói kia phải là tầm lịch duyệt. Chữ lịch duyệt hay kinh lịch đều trỏ đến sự từng trải, chững chạc. Thời buổi này đang hiếm dần đi…
* * *
Không có lửa sao có khói? Chiều quê rời về thành phố. Những sải chân đâm như dùng dằng, níu kéo. Mùi khói hay âm thanh tí tách của đống lửa con em gái nó mới nhen? Lại váng vất lên cơn nhớ… lửa!

Lửa bếp quê như khác với sự ồn ã tí tách phần phật lắm lời của thứ lửa tươi sống. Lửa của đống củi bốc phát ra âm thanh à à ẩu tả trong sân những đêm hội. Ngồi mà huơ tay bên bếp quê tự dưng một chút giật thột. Ấy là theo truyền thông, đang lo, đang ngại thứ lửa tươi sống đốt bằng củi phỏng được bao lăm? Được bao hột thời gian so với kiếp nhân sinh ngắn tủn mà độ tuổi trái đất đầy bất trắc và mong manh của nạn ô nhiễm và hiệu ứng nhà kính?
Nhớ thêm bếp lửa nhà sàn những năm cuối 80. Căn nhà sàn hiếm hoi thời ấy của ông bạn điêu khắc Khúc Quốc Ấn chỗ Láng Hạ (Hà Nội). Có nhiều đêm lạnh, những cụ Kim Lân, Hoàng Cầm; có cả Nguyễn Khải, Đỗ Chu, Trần Ninh Hồ… Bao chuyện cứ bện quện, dài mãi ra nếu không hiện diện thứ tí tách hồng đượm hoang vu cổ điển như bếp lửa trong cái nhà sàn này? Hình như những bàn tay nếu có những lỏng lẻo suông nhạt ngoài đời thì khi huơ bên thứ nguyên thủy của lửa chỉ còn lại rất ít khoảng cách?
Rồi cái lệ đón giao thừa Dương lịch cũng phải bỏ hơn 10 năm nay. Phải là Tết âm mới chuẩn cụm từ giao thừa? Nhưng chẵn 12 năm, thời khắc chuyển từ đêm 31 tháng 12 dương lịch, lũ chúng tôi đều quây tụ được với nhau quanh bên một bếp lửa tại quê của nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu bên bờ sông Mã.
Phải là quyết tâm lắm lắm cùng sự thu xếp khéo léo sao đó thời gian lẫn tài chánh. Cả năm ai cũng tất tả nhưng chúng tôi đã có 2 ngày đêm được ngồi với nhau. Những cây viết Phạm Hoa, Nguyễn Bảo, điêu khắc gia Hoàng Nhân, có năm cả Nguyễn Đức Mậu nữa.
Những câu chuyện không đầu cuối lan quanh cái bếp rừng rực. Nhớ cái năm do bận việc mãi xứ sa mạc Trung Phi lựa lúc trưa trật, từ cái xứ chang chang nắng ấy, tôi đã phôn về cái bếp rừng rực ở Xứ Thanh này.
Sương giá đêm cuối năm như xích lại như gụi gần bao khoảng cách nếu có. Có khi lặng phắc chỉ còn âm thanh tí tách phần phật của giống lửa già. Chúng tôi im lìm bên bếp như những tín đồ của lửa.
Hình như chả riêng chi người Việt, mà mọi chủng tộc khác, từ sâu thẳm bản năng gặp lửa là cất lên lời dẫu nói ra hoặc im lặng, vô ngôn thì đều có thông điệp. Thời lượng của một năm người thì thấy dằng dặc. Kẻ thì chợt cảm ngắn tủn, những thiệt thua được mất hanh thông cùng lầm lụi như chả có nghĩa lý gì khi huơ tay bên lửa. Như những tín đồ của lửa, của môn phái sống chậm, tất thảy chợt như cảm được cái hữu hạn nhỏ nhoi trong mớ hỗn độn vô cùng mênh mông của Trời Đất.
Bếp lửa nhà Nguyễn Văn Hiếu lúc lom rom, lúc rừng rực xuyên qua thời khắc giao thừa lân sang quỹ thời gian của một năm mới. Những khoảng khắc sống chậm ấy như tiếp thêm năng lượng cùng sinh khí cho những kẻ đã từ lâu bên kia cái dốc cuối cuộc đời.
Rồi cũng phải đến lúc lên đường. Xe quành qua con dốc nhỏ. Thoáng, nhoằng nhà ai cuối dốc dây phơi lộ ra cái… áo con - coócsê màu lửa. Hình như chốn thị thành hiếm các em các bà các cô dùng màu ấy? Nhưng mà lang thang các vùng quê xa ngái thị thành thấy nó được phơi trên dây thép chăng chỗ góc trong vườn xanh chiều lạnh tự dưng đâm có lý? Như thể đương lấp ló cái cột mốc chủ quyền của hơi hướng mẫu hệ?
Lại nhoáng thoáng thêm một khoảng hoa dong riềng đỏ rói. Cái sắc riêng có của người Việt, đỏ như vông đông như tiết trổ ở góc vườn hoang. Như xui khiến bật nhớ câu của Hữu Thỉnh về thân phận.
Có một chút hoa. Mà hoa gì, trời ạ tưởng chi, hoa dong riềng! Dong riềng là thứ củ bây giờ ít nhà trồng, có chăng có vùng trồng đại trà chỉ để làm miến dong. Củ dong những năm đói luộc hoặc hấp cơm ăn lúc bụng trống ruột xót như bào! Đang nói dở đến vị trí cụm dong giềng. Là nó nằm ở chỗ xó xỉnh, khuất nẻo tức là cuối giậu. Tưởng bền lâu, yên ổn. Ấy vậy mà không. Mà thình lình có một ngày sương muối đến mang đi.
"Có chút hoa dong riềng cuối giậu/ Có một ngày sương muối đến mang đi".
Thơ Hữu Thỉnh đấy! Cũng được phết!
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/mien-man-nho-khoi-i766312/