Miền trung phối hợp quản lý tàu cá trong khai thác thủy sản

Trong thời gian qua, 11 tỉnh/thành phố miền trung đã tập trung triển khai quyết liệt, kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tập trung nguồn lực giải quyết những tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định).

Công tác phối hợp giữa các địa phương để theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá, chống khai thác IUU là rất cần thiết. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Công tác phối hợp giữa các địa phương để theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá, chống khai thác IUU là rất cần thiết. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Ngày 9/8, tại Đà Nẵng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết quy chế phối hợp giữa Ủy ban nhân dân 11 tỉnh/thành phố trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản.

Trên 98% tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình

Sau gần 1 năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp số 90/QCPH-UBND ngày 5/9/2023 giữa Ủy ban nhân dân các tỉnh từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển, đến nay tình hình chống khai thác IUU của các địa phương đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Tính đến nay, trên địa bàn 11 tỉnh/thành phố có 35.244 tàu cá; 10.683 tàu cá không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản. Các địa phương đã tổ chức rà soát, lập danh sách tàu cá không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản để hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục cấp các loại giấy tờ cho tàu cá theo quy định.

Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên của 11 tỉnh/thành phố đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) là 11.990/12.209 tàu cá (đạt tỷ lệ 98%). Đối với các tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS đã thực hiện lập danh sách theo dõi và thông báo cho các địa phương, các đồn biên phòng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.

11 tỉnh/thành phố đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

11 tỉnh/thành phố đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Ban quản lý cảng cá các tỉnh/thành phố đã ban hành Quy trình kiểm soát tàu cập cảng, rời cảng và giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng. Tổ chức thực hiện giám sát sản lượng đối với 100% tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản, thu nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải.

Bảo đảm kiểm soát 100% tàu cá khi cập cảng, rời cảng và kịp thời thông báo đến Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá, các cơ quan liên quan biết, theo dõi, phối hợp xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Từ tháng 10/2023 đến tháng 7/2024, có 56.314 tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản và sản lượng qua cảng của các địa phương đạt 190.830 tấn.

Các đơn vị đã thực hiện cấp 1.075 giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác với tổng sản lượng 28.009 tấn; 826 chứng nhận thủy sản khai thác với tổng sản lượng hơn 20.043 tấn; hiện nay chưa phát hiện các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu vi phạm khai thác IUU.

Việc thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT) tại các cảng cá đã được triển khai, qua thời gian triển khai đã hướng dẫn ngư dân và làm thủ tục xuất cho hơn 6.800 lượt tàu cá, nhập cho hơn 9.500 lượt tàu cá trên hệ thống “CDT VN”.

Tăng cường phối hợp đồng bộ giữa các địa phương

Tuy nhiên, các địa phương vẫn còn một số nhiệm vụ chuyển biến còn chậm và cần tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC như chưa xử lý dứt điểm tàu cá 3 không, công tác xử lý tàu mất kết nối VMS, truy xuất nguồn gốc vẫn còn hạn chế…

Các địa phương đã xử phạt 639 lượt tàu cá vi phạm khai thác IUU với tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng. Từ tháng 10/2023 đến nay có 20 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, trong đó, tỉnh Bình Định có 8 tàu. Cả 8 tàu cá này đều xuất bến ngoài tỉnh, có chiều dài dưới 15m (không thuộc đối tượng lắp VMS).

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường phát biểu tại hội nghị.

UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 trường hợp với số tiền 4,5 tỷ đồng; còn lại 3 tàu cá do chủ tàu, thuyền trưởng bị nước ngoài bắt giữ, chưa thả về, chưa xác lập biên bản vi phạm hành chính nên chưa ban hành quyết định xử phạt.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho hay, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt nội dung này, thời gian qua Sở đã rà soát tất cả tàu có nguy cơ cao vi phạm, với 215 chiếc làm nghề câu mực có kích thước từ 12 đến 15m. Các đơn vị liên quan đã phối hợp thực hiện đoàn kiểm tra vi phạm và kiên quyết khi tàu chưa lắp đặt thiết bị VMS thì không cho đi khai thác; đến nay đã có 113 tàu lắp đặt.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường thông tin, hằng năm Cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) tiếp nhận hơn 15 nghìn lượt tàu thuyền về bốc dỡ hải sản, trong đó 75-80% là tàu cá ngoại tỉnh với sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng đạt gần 450.000 tấn/năm. Với số lượng lớn tàu cá ngoại tỉnh vào neo đậu, bốc dỡ thủy sản và xuất, nhập bến tại cảng cá Thọ Quang đòi hỏi công tác phối hợp giữa các địa phương để theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá, chống khai thác IUU là rất cần thiết.

Theo đó, các địa phương tùy vào tình hình đặc thù, thực tế của mình để có những chương trình sát thực tiễn; 1 số mô hình mới của địa phương có thể nghiên cứu, trao đổi. Đồng thời, công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin còn chưa đạt yêu cầu, thông tin giữa các địa phương cần kịp thời hơn, đồng bộ hơn để chúng ta quản lý dữ liệu, ông Cường cho biết thêm.

Bộ đội Biên phòng Quảng Bình tăng cường tuyên truyền đến các ngư dân (ảnh BĐBP cung cấp).

Bộ đội Biên phòng Quảng Bình tăng cường tuyên truyền đến các ngư dân (ảnh BĐBP cung cấp).

Bên cạnh việc tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các tỉnh thành phố, để thực hiện có hiệu quả công tác chống khai thác IUU, các địa phương cũng đề xuất, kiến nghị một số nội dung.

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho chủ trương thí điểm lắp đặt thiết bị VMS đối với nhóm tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m hoạt động nghề câu mực để giám sát, kịp thời ngăn chặn tình trạng ngư dân đưa tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; quy định thống nhất thời gian rà soát, báo cáo về số lượng tàu cá mất kết nối VMS trên 6 tháng, 1 năm.

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác khai thác, sử dụng hệ thống VMS và có cơ sở để xử lý vi phạm, cần nâng cấp hệ thống VMS và hỗ trợ các địa phương khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong công tác khai thác, sử dụng hệ thống VMS nêu trên; kiểm tra định kỳ, thường xuyên hoặc các đợt cao điểm chất lượng thiết bị, tình trạng lắp đặt và việc cung cấp dịch vụ hệ thống thiết bị VMS trên tàu cá để xử lý nghiêm minh nhà cung cấp dịch vụ vi phạm quy định pháp luật...

THANH TÂM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mien-trung-phoi-hop-quan-ly-tau-ca-trong-khai-thac-thuy-san-post823459.html