Minh bạch đấu thầu giấy in của NXBGDVN là đảm bảo quyền lợi hàng triệu học sinh
Nếu trong việc đấu thầu về cung cấp giấy in sách giáo khoa của ngành giáo dục không công khai, minh bạch thì chưa đúng và có phản ánh thì cần thanh tra làm rõ.
Đấu thầu cần được công khai minh bạch
Giá bán sách giáo khoa là một trong những vấn đề luôn được quan tâm bởi ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của học sinh, phụ huynh. Một trong những lý do nhà xuất bản sách đưa ra khi tăng giá sách đó chính là giá nguyên liệu và nhân công tăng, có sự chênh lệch giữa các năm.
Ngày 3/4/2019 Tạp chí điện tử Nhà đầu tư đăng bài "Bí ẩn nguồn thu gánh lỗ sách giáo khoa cho Nhà xuất bản Giáo dục" dẫn lời ông Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trả lời về cơ cấu giá thành cho việc xuất bản, phát hành (sách giáo khoa, sách tham khảo, vở bài tập?) cho biết, giấy và công in chiếm 65%, phát hành chiếm 20%, 15% là cho chi phí nhân công và quản lý [1].
Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm và 3 năm gần nhất, năm báo cáo: 2019 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) ngày 18/6/2020 cho biết một trong những khó khăn của đơn vị này là giá vật tư, nguyên liệu, đặc biệt là giá giấy tăng rất cao (20% - 25%) [2].
Như vậy, đấu thầu cạnh tranh công khai và minh bạch là giải pháp tốt nhất để Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tìm được các nhà cung cấp giấy in đảm bảo chất lượng với giá thấp nhất, chỉ có như vậy mới có thể giảm tối đa chi phí giá thành, giảm gánh nặng cho xã hội và mang về lợi nhuận cho chính nhà xuất bản này.
Tuy nhiên, mới đây có nhà cung cấp giấy in kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo việc công ty này không được tham gia chào hàng, đấu thầu cạnh tranh cung cấp giấy in sách giáo khoa cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mặc dù đã 2 lần gửi công văn đề nghị.
Theo đó, ngày 27/9/2021 Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài phân tích Bộ cần làm rõ có hay không khuất tất đấu thầu giấy in sách giáo khoa tại NXBGDVN. Sự việc đúng hay rất cần phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra vào cuộc làm rõ.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết:
“Không chỉ đấu thầu riêng trong lĩnh vực giáo dục mà các bộ, ngành nói chung, các hoạt động trong lĩnh vực kinh tế thì luôn phải tuân thủ một nguyên tắc chung là tất cả các sản phẩm khi đưa ra xã hội, là công hay tư, vốn ngân sách, vốn huy động, vốn của dân hay vốn đối ứng thì tất cả đều phải công khai, minh bạch.
Nếu trong việc đấu thầu về cung cấp giấy in sách giáo khoa của ngành giáo dục không công khai, minh bạch thì đó là một quy trình chưa đúng".
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, ở đây không phân biệt vốn của nhà nước hay vốn của doanh nghiệp, khi đưa ra thị trường thì cần phải bảo đảm mặt bằng giá chung. Thứ nhất phải bảo đảm về mặt chất lượng của sản phẩm. Thứ hai là bảo đảm về giá thành, có lãi cho doanh nghiệp nhưng lợi ích cuối cùng là hướng tới người tiêu dùng. Cụ thể nếu đúng có sự việc này thì có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của phụ huynh, học sinh trong trường hợp các nhà thầu khác có giá thành tốt hơn.
Liên hệ trực tiếp đến tình trạng sách lậu, sách kém chất lượng hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, thực tế chất lượng in ấn của các loại sách này chưa chắc đã kém hơn nhưng vì sao một cuốn sách bán trôi nổi trên thị trường chỉ bằng 1/3 giá trị thật? Đó là vấn đề bản quyền. Rẻ hơn là do trốn thuế và không nộp tiền bản quyền.
“Chúng ta lên án là chính xác, nhưng Việt Nam chúng ta làm chưa tốt việc đó. Hiện nay, sách lậu, truyện lậu, in ấn lậu rất nhiều. Chính vì câu chuyện này nên chúng ta càng cần công khai, minh bạch các nhà đầu tư, nhà sản xuất liên quan đến đấu thầu.
Giáo dục của chúng ta cũng đang phát triển theo hướng xã hội hóa. Tôi không quan niệm riêng ngành giáo dục mà bất kỳ ngành nào cũng thế, chúng ta phải tư duy thông thoáng rằng, những việc nhà nước không cấm thì tất cả các doanh nghiệp đều được tham gia một cách bình đẳng, công khai, minh bạch. Còn nếu đơn vị nào không làm được điều đó thì đơn vị ấy làm sai", ông Nguyễn Ngọc Bảo nhận định.
Đừng minh bạch theo kiểu hình thức, lấy lệ
Cũng có những nhận định tương tự, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết, chính câu chuyện không công khai, minh bạch trong đấu thầu để mọi người đưa ra một cái giá chính xác đã gây thiệt hại rất nhiều phía. Thiệt hại về phía nhà nước, thiệt hại về doanh nghiệp và thiệt hại quyền lợi của người tiêu dùng.
“Đầu tư công hay tư thì đều cần sự rõ ràng, công khai minh bạch về các con số để tất cả các doanh nghiệp có khả năng được có như vậy chúng ta mới tránh được tham nhũng, tránh được tiêu cực hay tình trạng doanh nghiệp "sân sau"", bà An nhấn mạnh.
Đấu thầu cạnh tranh công bằng là thúc đẩy phát triển kinh tế. Các nhà thầu muốn trúng thầu thì cần có chất lượng tốt nhất, già thành thấp nhất. Muốn vậy, doanh nghiệp buộc phải tìm nguồn hàng đáp ứng, tiết kiệm được trong quá trình sản xuất. Như vậy mới thúc đẩy được nền kinh tế phát triển tốt và lành mạnh, phát triển đúng hướng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo: “Nếu làm ‘tắt’ trong quá trình đấu thầu thì mọi thứ không phát triển được đúng mục tiêu mà chúng ta đặt ra cho đấu thầu.
Trên thế giới, các nước phát triển được vì các nhà thầu luôn cải tiến, luôn bình đẳng phát triển và phát triển theo hướng kinh tế số, xã hội số, con người số, doanh nghiệp số. Họ vào cuộc một cách đồng bộ và người cuối cùng được hưởng lợi là người dân, là xã hội. Họ áp dụng các công nghệ để đưa tới sản phẩm tốt, giá thành tốt chứ không phải có lợi nhuận nhưng không cạnh tranh là không đúng”.
Nhìn từ những sai phạm về đấu thầu gần đây trong tất cả các ngành như y tế, giáo dục… ông Nguyễn Ngọc Bảo nhận thấy, sai phạm về đấu thầu thường không phải một người làm mà lúc nào cũng tồn tại hệ thống, tổ chức, rất nhiều người tham gia. Thậm chí là lãnh đạo các ngành tại các địa phương.
Đơn cử như những vụ việc sai phạm mới đây của nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh và nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đều liên quan đến đấu thầu mua sắm thiết bị giáo dục, có nhiều vấn đề đặt ra trong quản lý, giám sát và đều liên quan đến nhiều người, nhiều nhân sự trong và ngoài ngành.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo nhận định: “Chúng ta không thiếu luật, chỉ có điều chúng ta có làm đúng luật hay không thôi. Tôi vẫn thường nói, luật của chúng ta đôi khi ‘kiến chui không lọt nhưng voi đi cả đàn’ là vì vậy.
Để đấu thầu diễn ra đúng quy trình và đúng mục tiêu của đấu thầu là đảm bảo chất lượng, giá thành sản phẩm, mang lại lợi ích cho người dân, tiết kiệm cho quốc gia thì phải đưa ra các tiêu chí giám sát khách quan chứ không phải ngồi ‘bàn kín’ để đưa ra giá đấu thầu hợp lệ trên mặt hình thức".
Tài liệu tham khảo:
[1]https://nhadautu.vn/bi-an-nguon-thu-ganh-lo-sach-giao-khoa-cho-nha-xuat-ban-giao-duc-d21097.html
[2]https://nxbgd.vn/Attachments/files/PDF/Bao%20cao%20danh%20gia%20tinh%20hinh%20SX-KD%202019%20va%203%20nam%20truoc.pdf