Minh bạch và kiểm soát quy trình xây dựng văn bản pháp luật

Thời gian gần đây, các cơ quan Nhà nước đã thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các chính sách, cải cách thủ tục hành chính, rà soát các quy định mâu thuẫn, chồng chéo tháo gỡ các 'điểm nghẽn' của hoạt động kinh doanh; tiến hành sửa đổi một loạt các luật lớn tác động đến môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, nên môi trường đầu tư, kinh doanh có nhiều chuyển biến thuận lợi hơn…

Tuy nhiên, hiện vẫn có những bất cập khi thực hiện các hoạt động kinh doanh. Điều này một phần xuất phát từ việc chất lượng của các văn bản pháp luật chưa thực sự tốt, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thực thi.

Còn nhiều bất cập

Thông tin tại Hội thảo “Chất lượng của quy định và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức ngày 11/11, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế - VCCI cho rằng: Chính phủ luôn đặt yêu cầu cao về phương pháp hoàn thiện thể chế, theo đó từ năm 1998 đến nay, quy trình xây dựng các văn bản pháp luật được thay đổi nhiều lần, theo hướng ngày càng minh bạch, cởi mở hơn.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, chất lượng văn bản pháp luật đóng vai trò vô cùng quan trọng, có tác động lớn đến đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Một thông tư của cấp bộ tạo ra có thể sẽ tạo ra những xáo trộn lớn với người dân, và có thể tạo thuận lợi hay bất lợi đối với doanh nghiệp. Tạo ra sự thuận lợi hay không thuận lợi, đình trệ hay không đình trệ đối với ngành hàng.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho rằng, ít năm trở lại đây, Nhà nước thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Ảnh: Đinh Luyện

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho rằng, ít năm trở lại đây, Nhà nước thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Ảnh: Đinh Luyện

Tại hội thảo, theo phản ánh của các doanh nghiệp, nhiều thông tư vẫn chưa phù hợp với thực tế gây khó khăn cho doanh nghiệp, có quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc chưa thống nhất giữa các thông tư với nhau… Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do quy trình xây dựng, ban hành chưa thực sự minh bạch; việc đánh giá tác động quy định, đánh giá thủ tục hành chính tại thông tư chưa thực hiện một cách kĩ càng và có chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - Trưởng phòng, Ban Pháp chế VCCI chỉ ra, hiện tượng lạm dụng ban hành thông tư vẫn tồn tại, tình trạng trong một số ngành, lĩnh vực, việc áp dụng pháp luật bị lệ thuộc quá lớn vào thông tư đã khiến những lo ngại về tình trạng “luật ống”, “luật khung” quay trở lại” (“Luật ống", “luật khung" là văn bản luật ghi những quy định chung chung, muốn thi hành được phải có văn bản quy định chi tiết, văn bản hướng dẫn thi hành – PV).

Lấy ví dụ về những bất cập liên quan, đại diện VCCI chia sẻ, mặc dù quy định cấm thông tư ban hành điều kiện kinh doanh từ năm 2005 và Chính phủ có đợt rà soát năm 2016 để loại bỏ các thông tư quy định điều kiện kinh doanh, nhưng đến nay vẫn không khó để tìm thấy các thông tư quy định về điều kiện kinh doanh trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Có những thông tư ban hành điều kiện kinh doanh “công khai” (ví dụ: trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng), có những thông tư lại ban hành điều kiện kinh doanh ở dạng “ẩn”, lồng ghép trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (ví dụ: bộ quy tắc “thực hành tốt” trong kinh doanh dược).

“Việc thông tư ban hành điều kiện kinh doanh sẽ khiến nguy cơ môi trường đầu tư, kinh doanh trở nên kém thuận lợi vì rào cản từ các điều kiện kinh doanh được ban hành bởi quy trình xây dựng không được giám sát chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước, cũng như cộng đồng doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng nêu quan điểm.

Cần hạn chế những văn bản tồn tại “trên giấy”

Theo đại diện Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), pháp luật là thành tố vô cùng quan trọng trong môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong góc nhìn của mình, cộng đồng doanh nghiệp luôn mong muốn pháp luật được các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ban hành có chất lượng tốt nhất, tôn trọng tối đa quyền tự do kinh doanh, đồng thời bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, lợi ích của cộng đồng.

Bà Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, việc sửa đổi văn bản luật sẽ gây tốn kém không chỉ cho cộng đồng doanh nghiệp mà còn tốn kém cho cả ngân sách Nhà nước. Cụ thể, mỗi lần sửa đổi văn bản, doanh nghiệp tốn chi phí tuân thủ, làm quen với văn bản luật mới, còn Nhà nước thì tốn kém chi phí xây dựng luật, tổ chức hoạt động tuyên truyền luật.

Do đó, xây dựng một văn bản pháp luật tốt, không phải sửa đổi cũng là cách tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, Nhà nước và hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Quang cảnh hội thảo “Chất lượng của quy định và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh”. Ảnh: Đinh Luyện

Quang cảnh hội thảo “Chất lượng của quy định và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh”. Ảnh: Đinh Luyện

Để khắc phục những hạn chế và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tuân thủ đúng và đầy đủ các nguyên tắc, quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Trong đó, cần ưu tiên đầu tư cho công tác phân tích, đánh giá tác động chính sách trong quy trình xây dựng văn bản pháp luật.

Đồng thời, cần tăng cường tham vấn đối tượng chịu tác động, nhất là tham vấn người dân, doanh nghiệp là đối tượng chịu sự tác động, nâng cao hiệu quả của hoạt động này để tiếng nói của người dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng những tiếng nói tâm huyết, trách nhiệm của chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn đến gần hơn các cơ quan ra quyết sách, qua đó góp phần bảo đảm hơi thở của cuộc sống đầy đủ hơn vào nội dung văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, cần tiếp tục cải thiên sự liên thông, gắn kết giữa xây dựng pháp luật với thi hành pháp luật, Việc ban hành một văn bản tốt, có chất lượng sẽ là tiền đề quan trọng đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong thi hành văn bản đó. Nếu trong quá trình xây dựng pháp luật mà không xem xét, đánh giá đầy đủ các điều kiện bảo đảm cho quá trình thi hành thì sẽ cho ra đời những văn bản pháp luật thiếu khả thi, không phù hợp với thực tiễn và chỉ là những văn bản pháp luật tồn tại “trên giấy”.

Giai đoạn vừa qua, các nhà làm chính sách của Việt Nam đã rất nỗ lực trong xây dựng các văn bản chính sách pháp luật, theo đó đã tạo ra được nhiều văn bản tốt, nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, thông thoáng hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu và mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là lý do, thời gian qua số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có sự gia tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên, dù có nhiều cố gắng song những bất cập, hạn chế liên quan là khó tránh khỏi. Để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, góp ý tại hội thảo “Chất lượng của quy định và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh” các chuyên gia cho rằng, cần có một cơ quan giám sát ban hành xây dựng văn bản pháp luật. Cơ quan này sẽ do Bộ Tư pháp chủ trì và thực hiện.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/minh-bach-va-kiem-soat-quy-trinh-xay-dung-van-ban-phap-luat-148584.html