'Mở cánh cửa' đưa các làng nghề ở Hà Nội vươn tầm quốc tế

Theo thống kê, TP Hà Nội hiện nay có khoảng một nghìn làng nghề truyền thống, tập trung đông đảo các thợ thủ công, nghệ nhân lành nghề. Các làng nghề ở Hà Nội vẫn còn lưu giữ được rất nhiều nét văn hóa độc đáo của mảnh đất Tràng An xưa kia, đây là động lực góp phần phát triển du lịch Thủ đô.

 Các sản phẩm trưng bày ở làng Gốm Bát Tràng có vẻ đẹp độc đáo, sáng tạo. (Ảnh: PV)

Các sản phẩm trưng bày ở làng Gốm Bát Tràng có vẻ đẹp độc đáo, sáng tạo. (Ảnh: PV)

Hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển

Vào ngày 14/2 vừa qua, hai làng nghề ở Hà Nội là Gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm) và Dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông) là thành viên chính thức của mạng lưới các Thành phố Thủ công sáng tạo thế giới. Đây cũng là hai làng nghề đầu tiên ở Việt Nam lọt vào tốp mạng lưới các Thành phố Thủ công sáng tạo trên thế giới.

Đại diện Hội đồng Thủ công thế giới năm nay đã dành nhiều lời khen cho làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc. Hội đồng cho biết hai làng là những biểu tượng của sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Câu chuyện của hai làng nghề này là minh chứng rõ ràng cho tinh thần bền bỉ của cộng đồng, cho thấy rằng dù phải đối mặt với bao khó khăn, họ vẫn có thể vươn lên và một lần nữa trở thành trung tâm của nền thủ công mỹ nghệ và niềm tự hào văn hóa.

Trong năm 2024, có rất nhiều làng nghề, nghề truyền thống của Hà Nội vinh danh trên nhiều diễn đàn khác nhau. Như Làng cổ Đường Lâm đã được xướng tên trên bục nhận giải tại lễ Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2024 diễn ra tại Lào. Vào đầu năm nay, UBND quận Tây Hồ công bố quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về di sản văn hóa phi vật thể “tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống - nghề trồng đào Nhật Tân”.

Thực tế, Hà Nội có hơn 1 nghìn làng nghề và làng có nghề, chiếm tới 56% tổng số làng nghề trong cả nước, hội tụ 47/52 nghề truyền thống. Các làng nghề của Hà Nội hoạt động trong đa dạng lĩnh vực như làng sơn mài Hạ Thái, làng làm nón lá Chuông, làng khảm trai Chuôn Ngọ,... Trong đó, chiếm tỷ lệ lớn nhất là các làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ chế biến. Tiếp đến là các làng nghề bảo quản, chế biến nông sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn...

Mỗi làng nghề đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các sản phẩm làng nghề đa dạng, nhiều chủng loại, đa số có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Làng nghề đang cung cấp công ăn việc làm cho người lao động ở mọi lứa tuổi, đặc biệt hấp dẫn các tour du lịch trong và ngoài nước liên tục đến tham gia. Đây chính là nền tảng vững chắc để xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa trong thời đại hiện nay.

Học hỏi để khắc phục nhược điểm

Phát biểu tại sự kiện đón nhận 2 làng nghề, ông Aziz Murtazaev, Chủ tịch Hội đồng Thủ công thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương đánh giá TP Hà Nội rất có tiềm năng để phát triển du lịch làng nghề, ông mong muốn Hà Nội sẽ có nhiều bước tiến mới trong việc nâng tầm các làng nghề, bảo tồn và thu hút, truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia khác.

Hiện nay, TP Hà Nội cũng đang có những kế hoạch liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ các làng nghề. UBND TP Hà Nội đã ban hành Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; phê duyệt Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời có nhiều cơ chế, chính sách để bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ, tạo liên kết cho các làng nghề, vẫn cần sự thay đổi để những làng nghề khắc phục nhược điểm để cùng nhau phát triển, nâng vị thế du lịch Việt Nam. Như thực tế cho thấy, một làng nghề đạt được những danh hiệu mang tầm quốc tế và được nhiều tổ chức uy tín giới thiệu cho bạn bè năm châu cần đạt nhiều tiêu chí. Trong đó, việc quan trọng nhất là giữ được nghề truyền thống, bản sắc văn hóa, dân tộc. Giống như làng Gốm Bát Tràng, làng Lụa Vạn Phúc đều còn nhiều hộ gia đình tiếp tục “truyền lửa, giữ lửa” suốt nhiều thế hệ.

Ngoài ra, việc đảm bảo sinh kế, an sinh xã hội cho người dân ở làng nghề, phát triển làng nghề bền vững gắn bó với môi trường, tiếp tục sáng tạo các sản phẩm độc đáo,... cũng vô cùng quan trọng. Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, anh Vũ Đức Quân, chủ cơ sở sản xuất mỹ nghệ, đồ gỗ Hùng Hồng tại làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, thời gian học việc dài, đồng lương cơ bản chưa cao, không đủ bảo đảm cuộc sống sau khi về hưu, vì vậy, nhiều người trẻ không còn mặn mà gìn giữ nghề truyền thống.

Ngoài vấn đề về sinh kế, hướng phát triển một làng nghề bền vững đang là tiêu chí đánh giá quan trọng. Lấy ví dụ như cần ổn định môi trường, nguồn nước để người dân sống ở trong và xung quanh làng nghề được hưởng bầu không khí an toàn, trong lành. Đây là một bài học mà rất nhiều làng nghề khác cần phải chú ý.

Chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam tại buổi trao đổi ở làng Quảng Phú Cầu, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh nhận định, những người dân có vai trò quan trọng trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Vì vậy, cần tuyên truyền để người dân ở làng nghề hiểu được tầm quan trọng của môi trường. Đặc biệt, xử lý ô nhiễm môi trường từ khâu quy hoạch, xác định nguồn ô nhiễm ở giai đoạn nào trong quy trình sản xuất để đưa ra những giải pháp giải quyết cụ thể.

Hương Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/mo-canh-cua-dua-cac-lang-nghe-o-ha-noi-vuon-tam-quoc-te-post540178.html