Mở cánh cửa xuất khẩu nhãn sang Nhật Bản
Tuần qua, chuyên gia Nhật Bản đã đến Việt Nam, làm việc với Cục Bảo vệ thực vật để kiểm tra quá trình xử lý lạnh với quả nhãn. Nếu phương pháp kiểm dịch này được chấp thuận, cánh cửa xuất khẩu nhãn sang Nhật sẽ mở ra.
Lần đầu tiên kiểm dịch trái cây bằng xử lý lạnh
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 6 - 13.6, đoàn chuyên gia của Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam kiểm tra quá trình kiểm dịch quả nhãn bằng phương pháp xử lý lạnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết, thời gian qua Việt Nam đã đàm phán với Nhật Bản để mở cửa thị trường cho quả nhãn. Tuy nhiên, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của Nhật thuộc hàng khắt khe nhất thế giới. Vì vậy, để xuất khẩu nhãn sang thị trường này và cạnh tranh được, bài toán đặt ra là phải có công nghệ bảo quản tốt nhằm duy trì độ tươi ngon và đáp ứng được các tiêu chuẩn phía Nhật yêu cầu.
Hiện có nhiều biện pháp xử lý trái cây xuất khẩu khác nhau như dùng hơi nước nóng, xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide, chiếu xạ, xử lý lạnh… Chọn phương pháp nào tùy thuộc từng loại quả, từng thị trường và quy định của nước nhập khẩu cũng như tính khả thi về mặt kỹ thuật. Năm 2020, sau khi xuất khẩu thành công quả vải sang Nhật Bản, Cục Bảo vệ thực vật đã đề xuất áp dụng phương pháp xử lý lạnh cho quả nhãn (tất cả các giống nhãn) và được Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản chấp nhận. Hai bên đã dành nhiều tháng để xây dựng kế hoạch thí nghiệm áp dụng phương pháp này.
Bà Hương cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam sử dụng biện pháp xử lý lạnh với trái cây xuất khẩu. Ưu điểm của phương pháp này là đầu tư trang thiết bị không quá đắt đỏ, các doanh nghiệp xuất khẩu đều có sẵn kho lạnh. Ngoài ra, xử lý lạnh có thể thực hiện trong quá trình vận chuyển, vì vậy giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Mặt khác, biện pháp này không có nguy cơ về vấn đề dư lượng do không sử dụng hóa chất.
Chuyên gia Nhật Bản kiểm tra nguồn ruồi thí nghiệm
Ảnh: Thanh Sơn
Chuyên gia Nhật đã xác nhận hiệu quả
Nhật Bản hiện đã cấp phép nhập khẩu 3 loại trái cây Việt Nam là thanh long, xoài Cát Chu và nhãn.
Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu hơn 117,5 nghìn tấn nhãn (gồm hơn 11.000 tấn quả nhãn tươi và 100.000 tấn long nhãn và các sản phẩm từ quả nhãn). Trong đó, nhãn tươi xuất sang 17 thị trường, đứng đầu là Trung Quốc (khoảng 10.000 tấn), các thị trường khác gồm Mỹ, Australia, Pháp, Vương quốc Anh, UAE, Myanmar, Czech, Canada, Đức, Ấn Độ, Hà Lan, Ba Lan, Nga, Singapore, Thụy Sĩ..
5 tháng đầu năm nay, nước ta xuất khẩu được trên 4.257 tấn nhãn, trong đó 147 tấn nhãn tươi sang Trung Quốc, Mỹ, Đức, Singapore; còn lại là long nhãn, long nhãn khô, nhãn quả khô, nhãn đông lạnh.
Quá trình thí nghiệm xử lý lạnh gồm 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn lặp lại 3 lần. Riêng giai đoạn cuối cùng, mỗi lần lặp lại phải cấy hơn 20.000 cá thể ruồi vào 1.500 quả nhãn để kiểm chứng hiệu quả của nhiệt độ và thời gian xử lý đã được xác nhận từ các giai đoạn trước của thí nghiệm trên quy mô lớn như quy mô xử lý thương mại. Kết quả từng giai đoạn phải gửi báo cáo cho Nhật Bản xem xét, nếu đạt yêu cầu và được chấp thuận mới chuyển sang bước tiếp theo.
“Do chưa có nhiều kinh nghiệm, vừa làm vừa thảo luận với phía Nhật và xin hướng dẫn, tham khảo tài liệu… nên mất rất nhiều thời gian và công sức”, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Thị Thu Hương cho biết. Ở giai đoạn cuối cùng này, chuyên gia Nhật sang và giám sát toàn bộ quy trình nuôi cấy sâu, trực tiếp lấy quả nhãn đã xử lý và xác nhận hiệu quả tiêu diệt hoàn toàn ruồi đục quả của phương pháp xử lý lạnh.
Như vậy có thể nói cánh cửa xuất khẩu nhãn tươi sang Nhật Bản sắp mở ra. Vào được thị trường khắt khe này đồng nghĩa với việc trái cây Việt Nam nói chung, quả nhãn nói riêng sẽ có cơ hội chinh phục các nước phát triển khác.
Tiếp theo đây, hai bên thống nhất với nhau về điều kiện nhập khẩu để phía Nhật lấy ý kiến các bên liên quan (trong vòng 90 ngày) trước khi chính thức công bố điều kiện nhập khẩu. Sau đó, sẽ có bước kiểm tra thực địa, kiểm tra các cơ sở đóng gói, xử lý, vùng trồng, kiểm tra các quy trình kiểm dịch… để chính thức xuất khẩu.
Theo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, bên cạnh yêu cầu về xử lý kiểm dịch thực vật, nhãn Việt Nam muốn vào thị trường Nhật phải được quản lý chặt chẽ về vùng trồng. Điều kiện vùng trồng được cấp mã số là áp dụng các biện pháp quản lý sinh vật gây hại, hạn chế thấp nhất ruồi đục quả, sâu đục cuống hay sinh vật gây hại khác ở trên quả; có biện pháp giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nhãn, có ghi chép nhật ký đồng ruộng, khuyến khích áp dụng GAP trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, vùng trồng áp dụng các biện pháp vệ sinh đồng ruộng, thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, bảo đảm hệ sinh thái vùng trồng.
“Vùng trồng sẽ được Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh giám sát hàng năm. Quan trọng nhất là nông dân phải được phổ biến các quy định của Nhật cũng như các biện pháp phòng ngừa sinh vật gây hại, bảo đảm thời gian cách ly, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây nhãn”, bà Nguyễn Thị Thu Hương thông tin.