Mở cửa và hợp tác quốc tế trong mọi lĩnh vực để đất nước tiến cùng thời đại
Bài viết 'Vươn mình trong hội nhập quốc tế' của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh nhu cầu nâng tầm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế để đất nước hòa vào các dòng chảy chính của nhân loại, tiến cùng thời đại.

TS. Nguyễn Văn Đáng cho rằng, bài viết “Vươn mình trong hội nhập quốc tế” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh nhu cầu nâng tầm công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế. (Ảnh: NVCC)
Nguồn lực quốc tế
Trong bài viết “Rạng rỡ Việt Nam”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định sứ mệnh của Đảng cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là “lãnh đạo, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu; bảo đảm mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, vì hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu”.
Để thực hiện được sứ mệnh chính trị cao cả nêu trên, Đảng đứng trước yêu cầu phải quy tụ, huy động, phát huy tối đa mọi nguồn lực, cả ở trong nước và quốc tế. Cụ thể hơn, đó là tất cả các yếu tố vật chất (như tài nguyên thiên nhiên, con người, tài sản quốc gia, công nghệ, hệ thống chính trị, hệ thống thị trường…) và các yếu tố phi vật chất (như tư tưởng, tinh thần, tri thức, ý thức, thái độ và niềm tin chính trị…) có thể được sử dụng để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển quốc gia.
Lịch sử thế giới hiện đại cho thấy, sự phát triển của mỗi quốc gia không thể thiếu vai trò của các nguồn lực quốc tế, hay còn gọi là ngoại lực. Nhận định này có thể dễ dàng được chứng minh với quá trình bứt phá phát triển “thần kỳ” trong những thập kỷ cuối thế kỷ XX của nhiều quốc gia trong khu vực Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, hay vùng lãnh thổ Đài Loan. Với Việt Nam, lịch sử Đảng lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng để giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đổi mới cũng cho thấy vai trò nổi bật của các yếu tố ngoại lực.
Trong những thập niên đầu thế kỷ XX, khi các lực lượng yêu nước bộc lộ những dấu hiệu “bế tắc” về đường lối cách mạng thì ngọn cờ tư tưởng chủ nghĩa Marx-Lenin được Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền bá vào nước ta đã trang bị cho những người Việt Nam yêu nước một nền tảng nhận thức và quan điểm chính trị mới, lăng kính tư duy và phương pháp hành động phù hợp với bối cảnh xã hội khi đó. Sự kết hợp giữa tư tưởng, tư duy mới và phù hợp với sức mạnh sẵn có của các lực lượng yêu nước đã đem lại thành quả rực rỡ, đó chính là thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Tiến trình bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đổi mới và hội nhập quốc tế của nhân dân Việt Nam hẳn sẽ gian nan hơn rất nhiều nếu thiếu sự ủng hộ, hỗ trợ to lớn và quý báu của bạn bè quốc tế. Để có một Việt Nam rạng rỡ ngày hôm nay, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, chúng ta “luôn biết ơn các đồng chí, bạn bè quốc tế đã luôn đồng hành, ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như tiếp tục hợp tác, hỗ trợ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay”.
Lịch sử đấu tranh cách mạng và phát triển của đất nước trong gần 100 năm vừa qua cũng cho thấy khả năng thích ứng, linh hoạt với sự thay đổi bối cảnh của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế: “Từ hội nhập có giới hạn, có chọn lọc, thiên về ý thức hệ” đến “hội nhập kinh tế đơn thuần ban đầu”, rồi “hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện”, hiện nay là “hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực”. Có thể nói, đó là quá trình trưởng thành cả về nhận thức, hành động chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thế giới hiện đại đầy biến động, khó lường.
Trong bài viết “Vươn mình trong hội nhập quốc tế” Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định lại quan điểm và quyết tâm lãnh đạo của Đảng từ nay đến giữa thế kỷ XXI: “Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình tới thịnh vượng, hùng cường, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Cũng theo Tổng Bí thư, tầm nhìn lãnh đạo và quyết tâm chính trị của Đảng trong giai đoạn mới đang đòi hỏi chúng ta “phải có tâm thế, vị thế mới và tư duy, cách tiếp cận mới về hội nhập quốc tế”.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt đội danh dự, chào Quân kỳ Quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Tâm thế vươn mình
Sau gần 40 năm đổi mới, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đã đạt những kết quả rõ rệt, góp phần quan trọng và nổi bật vào việc thay đổi vị thế quốc gia trên trường quốc tế. “Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 34 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước lớn; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, có quan hệ chính trị, quốc phòng, an ninh phát triển sâu rộng, thực chất”.
“Từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành một trong 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới, quy mô kinh tế tăng gần 100 lần so năm 1986, thu nhập bình quân đầu người tăng từ dưới 100 USD lên gần 5.000 USD”. Việt Nam cũng đã tham gia nhiều thỏa thuận hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế đa tầng nấc, qua đó gắn kết Việt Nam với hơn 60 nền kinh tế chủ chốt.
Hướng về tương lai, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng: “Trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay, sự phát triển của mỗi quốc gia-dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới và thời đại, của thời cuộc và cục diện của nó… chúng ta phải bắt nhịp với sự vận động của thế giới, tìm ra con đường mang lại hòa bình, ổn định, thịnh vượng, phát triển và xây dựng vị thế cao hơn, vững chắc hơn cho đất nước trong kỷ nguyên mới”.
Để hội nhập quốc tế thành công, theo Tổng Bí thư, chúng ta phải “đặt đất nước vào dòng chảy chính của thời đại, đập cùng nhịp đập, thở cùng hơi thở của thời đại”, gia tăng sức mạnh của mình thông qua việc gắn kết với thế giới”. Để đất nước có thể hòa vào các dòng chảy của thời đại, tiến kịp thời đại, chúng ta cần xác định một tâm thế mới, tâm thế quốc gia vươn mình, cho công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Ý thức về một quốc gia đang vươn lên, hướng tới các mục tiêu cao hơn, thách thức hơn sẽ đòi hỏi sự cởi mở, cầu thị, sẵn sàng hợp tác với mọi quốc gia và các tổ chức quốc tế, hợp tác trong mọi lĩnh vực. Cũng có nghĩa, thay vì bị động, trông chờ sự hỗ trợ quốc tế, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc sẽ phải cởi mở và chủ động hơn, “chuyển từ tiếp nhận sang đóng góp, từ hội nhập sâu rộng sang hội nhập đầy đủ, từ vị thế một quốc gia đi sau sang trạng thái một quốc gia vươn lên, tiên phong vào những lĩnh vực mới”.

Đội nghi lễ Quân đội Nhân dân Việt Nam diễu binh qua bục danh dự. Kết thúc lễ đón chính thức, hai nhà lãnh đạo đi bộ sang Văn phòng Trung ương Đảng và có cuộc hội đàm quan trọng để bàn về các vấn đề hợp tác. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Tận dụng sức mạnh thời đại
Bài viết “Vươn mình trong hội nhập quốc tế” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định về nguy cơ tụt hậu của một quốc gia nếu không tiến cùng thời đại, không biết tận dụng sức mạnh của thời đại: “Trong giai đoạn giao thời, quá độ giữa cái cũ và cái mới, các nước vừa và nhỏ thường bị đặt ở thế bị động, không kịp thích ứng. Trong lần chuyển đổi này, nếu không kịp thời bắt nhịp với thế giới, nhận diện và tranh thủ cơ hội để đặt đất nước vào đúng dòng chảy của thời đại trong 10 năm, 20 năm tới, nguy cơ tụt hậu sẽ hiện hữu hơn bao giờ hết”. Chính nguy cơ tụt hậu đang đặt ra nhu cầu nâng tầm cho công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, để đất nước có thể tận dụng sức mạnh của thời đại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo Tổng Bí thư, sức mạnh thời đại hiện nay là “các xu thế chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới như hòa bình, hợp tác và phát triển, xu thế dân chủ hóa quan hệ quốc tế, xu thế phát triển bền vững, xu thế hợp tác và liên kết kinh tế; là sức mạnh của cộng đồng quốc tế đồng thuận trong kiến tạo, củng cố thế giới đa cực, đa trung tâm, dân chủ, công bằng, bình đẳng, dựa trên luật pháp quốc tế và đặc biệt là cuộc cách mạng khoa học-công nghệ đang mở ra không gian phát triển vô tận dựa trên tri thức và tiềm năng con người”. Trên cơ sở nhận thức như vậy, Tổng Bí thư đã phác họa một số vấn đề then chốt, có tính nguyên tắc, cần được coi trọng và thực hiện nghiêm túc trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được coi là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên nhưng luôn phải bảo đảm cao nhất lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Thứ hai, “nội lực là nguồn lực chính, là gốc rễ cho sức mạnh, vì vậy phải luôn được phát huy để bảo đảm tính chủ động, độc lập, tự cường” của đất nước.
Thứ ba, hội nhập quốc tế phải đồng bộ, sâu rộng nhưng phải ‘giữ bản sắc dân tộc, hội nhập, hòa nhập chứ không hòa tan”.
Thứ tư, bên cạnh chú trọng phần đối tác, hạn chế phần đối tượng, chúng ta cần “tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế”... phải thể hiện đúng tinh thần “đối tác tích cực, có trách nhiệm” của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng đóng góp cho những nỗ lực chung của khu vực và thế giới.
Những tư tưởng, quan điểm và định hướng chính sách được nêu ra trong bài viết “Vươn mình trong hội nhập quốc tế” của Tổng Bí thư Tô Lâm cho thấy những nhận thức mới, hiện đại về nhu cầu nâng tầm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Để đất nước tiến cùng thời đại, sớm sánh vai cùng các cường quốc năm châu thì chúng ta cần chủ động, cởi mở, cầu thị và sẵn sàng hợp tác trong mọi lĩnh vực, với mọi quốc gia và các tổ chức quốc tế.