Mở đường cho cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng
Ngày 3/7/2025, tại TP. Đà Nẵng, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tổ chức ủy thác qua Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tọa đàm quan trọng nhằm phổ biến và thảo luận về Nghị định 94/2025/NĐ‑CP ban hành ngày 29/4/2025 của Chính phủ.
Đây là văn bản pháp lý tiên phong về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng, nhằm mở đường cho các giải pháp tài chính sáng tạo dựa trên công nghệ. Tọa đàm do ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán của NHNN chủ trì. Buổi tọa đàm quy tụ nhiều đại biểu cấp cao đến từ Đại sứ quán Thụy Sĩ, ADB, các bộ, ngành, ngân hàng thương mại trong và ngoài nước, tổ chức Fintech, cơ quan quản lý và chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, công nghệ.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán của NHNN phát biểu khai mạc
Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật do SECO tài trợ và ADB trực tiếp quản lý, thể hiện tính quốc tế, chuyên môn cao và cam kết mạnh mẽ từ phía chính phủ Việt Nam nhằm đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành ngân hàng.
Mục tiêu của tọa đàm đặt ra đó là tuyên truyền sâu rộng và phổ biến nội dung Nghị định 94, nâng cao nhận thức về khung pháp lý thử nghiệm, trang bị kiến thức chuyên môn cho các chủ thể tham gia và đảm bảo các hoạt động sandbox diễn ra an toàn, hiệu quả.
Tại đây, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các công ty Fintech, cơ quan nhà nước được trao cơ hội nắm bắt đầy đủ các quy định mới để có thể triển khai thuận lợi.
Phát biểu khai mạc ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh đây là cơ hội để những tổ chức tham gia sandbox có thể tổ chức thử nghiệm các giải pháp mới trong môi trường thực tế nhưng vẫn nằm trong vùng kiểm soát, góp phần hình thành tiền đề cho việc hoàn thiện khung pháp lý Fintech trong thời gian tới.

Quang cảnh diễn đàn
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra thách thức và đòi hỏi đổi mới trong mọi lĩnh vực, Chính phủ Việt Nam xác định chuyển đổi số và thúc đẩy đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ ưu tiên. Những nghị quyết quan trọng như 57-NQ/TW, 59-NQ/TW, 66-NQ/TW và 68-NQ/TW đều chỉ rõ ưu tiên phát triển khoa học - công nghệ, xây dựng thể chế, thúc đẩy kinh tế tư nhân và hội nhập quốc tế. Nghị định 94 ra đời nằm trong cụm hành động chiến lược này với mục tiêu tạo ra một “bộ khung thử nghiệm có kiểm soát” nhằm khuyến khích các tổ chức phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới mà vẫn giữ được sự an toàn, minh bạch và phù hợp với quy định pháp luật.
Trong phần trao đổi chuyên sâu, đại diện ADB và Đại sứ quán Thụy Sĩ chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về sandbox. Đặc biệt trong việc thiết kế lộ trình cấp phép thử nghiệm, quy trình giám sát, đánh giá rủi ro và yêu cầu báo cáo minh bạch. Các chuyên gia đưa ra các ví dụ về việc thử nghiệm công cụ thanh toán nhanh, eKYC, hoặc ví điện tử tại các nước phát triển, đồng thời nhấn mạnh nếu áp dụng đúng cách tại Việt Nam, việc triển khai sandbox sẽ hỗ trợ ngân hàng số phát triển mạnh mẽ, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân.

Các đại biểu tham dự tọa đàm
Đặc biệt, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh vai trò then chốt của Fintech trong chuyển đổi số ngân hàng. Ông Tuấn chia sẻ, không có sự phát triển của Fintech, ngành ngân hàng không thể triển khai eKYC, xác thực sinh trắc học, không thể hoàn thiện hệ sinh thái ngân hàng số và không thể cung cấp các dịch vụ thanh toán hóa đơn. Fintech không chỉ là công cụ hỗ trợ mà thực sự là lực đẩy để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Theo ông Tuấn, các cơ quan quản lý sẽ tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ tối đa cho các công ty Fintech đổi mới sáng tạo, đồng thời yêu cầu các công ty này tuân thủ nghiêm chỉnh khuôn khổ pháp lý.
Tọa đàm cũng đánh giá những kết quả đáng khích lệ trong chuyển đổi số ngành ngân hàng trong thời gian qua. NHNN liên tục hoàn thiện hành lang pháp lý, đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ phục vụ ngành, xây dựng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý trung bình hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi ngày, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý hàng chục triệu giao dịch mỗi ngày.

Chuyên gia tham gia tham luận tại diễn đàn
Hệ thống thông tin tín dụng quốc gia đã nâng cấp để tự động hóa dữ liệu với tỷ lệ cập nhật trên 98%, hơn 117 triệu hồ sơ cá nhân và gần 1 triệu hồ sơ doanh nghiệp được đối chiếu sinh trắc học, đạt tỷ lệ rất cao. Các sản phẩm ngân hàng số, dịch vụ cá nhân hóa đã phát triển nhanh, số hóa hoàn toàn đa phần các nghiệp vụ cơ bản. Tính đến nay, gần 87% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng và giá trị thanh toán không dùng tiền mặt năm 2024 đạt mức gấp 25 lần GDP.
Trên nền tảng đó, Nghị định 94 ra đời, tạo cú hích mới cho quá trình hiện đại hóa. Những sandbox đầu tiên dự kiến hướng đến các dịch vụ như thanh toán điện tử, cho vay kỹ thuật số, bảo hiểm số, ngân hàng SME, nhằm đánh giá tính khả thi, an toàn và hiệu quả của giải pháp. Sau giai đoạn thử nghiệm có kiểm soát, NHNN sẽ tổng hợp kết quả, hoàn thiện quy định để chiếu rộng hoặc điều chỉnh trong toàn ngành.
Tọa đàm đã khép lại nhưng những nội dung trao đổi, đề xuất và khuyến nghị từ phiên họp là cơ sở quan trọng để NHNN và các bên tiếp tục xây dựng quy trình triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Đây là hành động thiết thực nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ tài chính, hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi số quốc gia cũng như mục tiêu hiện đại hóa hệ thống ngân hàng theo định hướng phát triển kinh tế số trong thời gian tới.