Mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa ở Quảng Ninh
Anh Trần Xuân Giang, xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng nuôi cua biển trong hộp nhựa.
Hướng đi mới
Đây là mô hình nuôi cua trong hộp nhựa đầu tiên tại Quảng Yên hứa hẹn mở ra hướng đi đầy triển vọng cho nghề nuôi trồng thủy sản của địa phương.
3 năm trước đây, sau khi được bạn thân giới thiệu, chia sẻ về mô hình nuôi cua trong hộp nhựa, thấy có nhiều triển vọng, anh Trần Xuân Giang đã nảy ý định đầu tư nuôi thí điểm mô hình này ngay tại địa phương.
Từ năm 2020 đến nay, anh Giang đã tự tìm tòi trên nhiều kênh thông tin và đến tận các mô hình nuôi cua trong hộp để học hỏi kinh nghiệm.
Trước đó, gia đình anh cũng đã có kinh nghiệm nuôi cua theo hình thức quảng canh trong đầm từ hơn chục năm nay.
Mặc dù mô hình này cho thu nhập khá, song nuôi cua trong đầm dễ gặp nhiều rủi ro, cua hay bị mắc bệnh dẫn đến năng suất thu hoạch thấp, giá trị kinh tế, lợi nhuận không cao.
Sau thời gian nghiên cứu, anh Giang nhận thấy mô hình nuôi cua trong hộp nhựa ở một số địa phương khác đem lại hiệu quả kinh tế cao nên quyết định đầu tư nhà xưởng, hệ thống hộp nhựa, hệ thống xử lý nước, con giống… theo đuổi mô hình này.
Anh Giang cho biết, bước đầu gia đình đầu tư lại hệ thống nhà xưởng, đặt mua 648 hộp nhựa về để nuôi cua. Mỗi hộp nhựa hình chữ nhật có chiều dài 30-40cm, được chia thành từng ngăn, mỗi ngăn nuôi một con cua.
Để thuần phục giống cua tự nhiên sinh trưởng, phát triển trong môi trường hộp nhựa phải mất nhiều thời gian và công sức. Giống cua nuôi trong hộp được tuyển chọn thu mua từ các hộ nuôi cua quảng canh tại địa phương.
Mỗi con có cân nặng khoảng 2-2,5g, đảm bảo khỏe mạnh. Nguồn nước nuôi cua hộp được anh Giang lấy trực tiếp từ sông Bến Giang có độ mặn tương ứng với giống cua đầm mà người dân đang nuôi theo hình thức quảng canh.
Trong suốt quá trình nuôi phải thường xuyên kiểm tra các thông số chất lượng nguồn nước cùng nhiệt độ và sức khỏe, khả năng ăn uống của cua, để kịp thời điều chỉnh hệ thống đảm bảo môi trường sống cho cua.
Theo anh Giang, nuôi cua biển trong hộp có nhiều sự khác biệt so với nuôi cua ngoài đầm. Nuôi cua trong hộp nhựa tốn ít diện tích hơn. Tuy nhiên, quá trình cho cua ăn sẽ mất nhiều thời gian hơn so với cua nuôi trong đầm vì sẽ phải thả thức ăn vào từng hộp cho cua ăn. Mỗi ngày, cua được chăm sóc chế độ ăn 2 bữa theo đúng khung giờ (7 giờ và 17 giờ).
Điều khá đặc biệt thức ăn của cua chủ yếu là hải sản tươi như con hàu, cá tươi, con vẹm… Đây đều là nguồn thức ăn được thu gom từ vùng biển tại địa phương nên dễ chủ động và tiết kiệm chi phí. Không những vậy, nuôi cua biển trong hộp nhựa có thể kiểm soát được số lượng, ít dịch bệnh, tiện chăm sóc, thu hoạch nhanh.
Sau hơn 10 ngày thả nuôi trên 600 con cua trong hộp nhựa, đến nay mô hình nuôi cua của gia đình anh Giang đang thích nghi và sinh trưởng tốt. Tỷ lệ cua sống đạt 93-95%.
Dự kiến cua nuôi trong hộp từ 15-35 ngày đến chu kỳ ngày lột xác (lột vỏ). Đây là giai đoạn cua bắt đầu cho thu hoạch, đạt khoảng 3-4 con/kg. Cua lột vỏ có hàm lượng chất dinh dưỡng cao nên được nhiều thương lái, nhà hàng đặt mua.
Hiện nay, giá bán trung bình cua lột dao động từ 650.000-700.000 đồng/kg (cao hơn so với cua nuôi thương phẩm nuôi trong đầm từ 200.000-250.000 đồng/kg). Dự định thời gian tới, anh Giang sẽ cho nhân rộng, phát triển nuôi 3.000 con cua trong hộp nhựa.
Hướng tới xây dựng thương hiệu cua biển của địa phương
Ông Đàm Chí Thiết, Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Tân cho biết, mặc dù mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa của gia đình anh Trần Xuân Giang đang trong giai đoạn nuôi thí điểm nhưng thu hút sự quan tâm của nhiều nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Hiện xã Hoàng Tân khuyến khích các hộ nuôi hàu, hà, cá lồng bè… chuyển sang phát triển các mô hình mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Thời gian tới, nếu mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa tiếp tục triển khai đạt hiệu quả cao, xã sẽ tạo điều kiện cho bà con đến để học hỏi kinh nghiệm, áp dụng nhân rộng mô hình này, hướng tới xây dựng thương hiệu cua biển Hoàng Tân trở thành sản phẩm OCOP của địa phương.