Mô hình phòng chống cháy nổ dựa trên cơ sở dữ liệu ở Massachusetts

Trong hơn một thập kỷ qua, ông Jon Mitchell - Thị trưởng của thành phố New Bedford, bang Massachusetts, nước Mỹ đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn cháy, nổ. Sự thay đổi của công tác phòng chống cháy nổ, với chiến lược chủ động và dựa trên dữ liệu, đã mang lại kết quả đầy hứa hẹn, bao gồm cả việc giảm 25% số vụ cháy công trình.

Ông Jon Mitchell - Thị trưởng New Bedford, bang Massachusetts tìm ra cách hữu hiệu để ứng phó với thách thức về cháy, nổ của thành phố

Ông Jon Mitchell - Thị trưởng New Bedford, bang Massachusetts tìm ra cách hữu hiệu để ứng phó với thách thức về cháy, nổ của thành phố

Cốt lõi là theo dõi dữ liệu và quản lý rủi ro

“Khi tôi bắt đầu nhậm chức vào năm 2012, các cơ quan của thành phố vẫn hoạt động giống như những năm 1950. Toàn là giấy tờ, mọi người gần như mắc kẹt trong những thói quen cũ, công việc thường ngày lúc nào cũng chồng chất. Và chúng tôi đã không thể tập trung vào những mục tiêu thực sự rõ ràng”, Thị trưởng Jon Mitchell kể. Thời điểm đó, ông Jon Mitchell bắt đầu tham gia Sáng kiến lãnh đạo thành phố do Bloomberg kết hợp với Đại học Harvard tổ chức vì muốn cải thiện kỹ năng lãnh đạo và nâng cấp việc quản lý hiệu suất công việc.

“Chúng tôi khá kiên quyết trong thực hiện việc theo dõi dữ liệu và cân nhắc kỹ lưỡng về việc áp dụng những khuyến nghị, bài học rút ra. Điều này thực sự đã thay đổi thói quen của tôi. Hiện tại, chúng tôi có các cuộc họp hàng tháng, có khi 2 tuần 1 lần với hầu hết các bộ phận liên quan. Mỗi cuộc họp đều xem xét các con số cụ thể, vì vậy đó là cách quản lý hiệu suất tốt hơn chứ không đơn thuần chỉ là một loạt cập nhật”, ông Jon Mitchell nói.

Trong quá trình này, xử lý công việc dựa trên dữ liệu trở nên đặc biệt hữu hiệu đối với vấn đề phòng chống cháy, nổ trong thành phố. Thị trưởng Jon Mitchel nhận ra rằng, mặc dù họ có một đội cứu hỏa rất dũng cảm và thành thạo kỹ năng nhưng thành phố lại chưa thực sự coi trọng việc phòng ngừa. Đầu tiên, Thị trưởng chỉ thị cần phân loại hay xác định xem nơi nào có nguy cơ cao nhất về thiệt hại tài sản hoặc cá nhân để từ đó dành một số nguồn lực thường xuyên kiểm tra.

Trên thực tế, các khu dân cư được xác định là tài sản có rủi ro cao. Mỗi năm, lực lượng chức năng sẽ tiến hành thanh tra đối với các tài sản có rủi ro cao nhiều hơn so với năm trước. Thị trưởng Jon Mitchell nhận ra rằng, với sở cứu hỏa, điểm cốt lõi trong sứ mệnh của họ là quản lý rủi ro. Hiện tại, lực lượng cứu hỏa ở New Bedford nếu kiểm tra, kết luận cơ sở nào đó còn 3 thiếu sót phải sửa chữa thì họ đủ khả năng theo dõi sát sao để đảm bảo rằng những thiếu sót đó được giải quyết kịp thời.

Chính quyền thành phố cũng quyết định rút lính cứu hỏa ra khỏi cơ quan ứng phó khẩn cấp, vì các cuộc gọi khẩn cấp thông thường chủ yếu thuộc về ngành y tế hoặc cảnh sát. Có thêm nhân sự, lực lượng phòng cháy vừa tập trung vào thanh tra, vừa tăng cường hướng dẫn người dân về nguy cơ hỏa hoạn và các biện pháp an toàn. Với một lượng lớn dân số nói tiếng Tây Ban Nha, thành phố đã cử lính cứu hỏa nói tiếng Tây Ban Nha hoặc ít nhất thông dịch viên đi cùng để quảng bá chương trình giáo dục có liên quan. “Trong vòng 9 tháng trở lại đây, chúng tôi đã chứng kiến số vụ cháy công trình giảm 25%, từ 161 xuống 121 vụ”, ông Jon Mitchell nói.

Tối ưu hóa công việc bằng công nghệ mới

Tất nhiên, ông Jon Mitchell không phải là Thị trưởng đầu tiên áp dụng biện pháp phòng ngừa dựa trên dữ liệu về an toàn cháy nổ, vốn là trọng tâm của ngày càng nhiều thành phố trên thế giới. Nhưng thành quả mà New Bedford đạt được là ví dụ điển hình cho thấy, các nhà lãnh đạo thành phố với nỗ lực áp dụng công nghệ mới có thể thực hiện trọng trách của mình tốt hơn.

Cũng như nhiều ngành nghề khác, lực lượng cứu hỏa nếu không sử dụng dữ liệu cần thiết để giúp đưa ra quyết định và tối ưu hóa công việc của mình thì họ đang bị tụt lại phía sau, thậm chí gây nguy hiểm cho lính cứu hỏa và cộng đồng. Hãy tưởng tượng lính cứu hỏa trên đường chữa cháy chỉ nhận được báo cáo kiểm tra thiếu sót với thông tin chưa cập nhật hoặc trong tình huống khẩn cấp, việc xử lý tính bằng giây nhưng đường truyền hoặc cổng truy cập bị lỗi thì liệu lực lượng chữa cháy có thể đưa ra quyết định sáng suốt về tình hình hỏa hoạn hay không?

Tin tốt là các công nghệ và ứng dụng mới đang được ngành cứu hỏa triển khai với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Ở Mỹ, nhiều cơ quan cứu hỏa có tư duy tiến bộ đang tận dụng cuộc cách mạng dữ liệu để cải thiện dịch vụ, làm cho việc thu thập và truy cập dữ liệu trở nên dễ dàng hơn. Giờ đây, việc lập kế hoạch trước sự cố có thể được chia sẻ trên toàn bộ dịch vụ với thông tin kiểm tra phòng cháy và lịch sử sự cố được gắn với Google Maps.

Đơn cử, Sở cứu hỏa Monterey, bang California từng mất tới 12 giờ khi áp dụng các phương pháp cũ để hoàn thành hoặc cập nhật các kế hoạch phòng cháy chữa cháy của các tòa nhà và địa điểm trong phạm vi quyền hạn của mình. Nhưng sau khi triển khai ứng dụng di động dựa trên công nghệ đám mây để lập kế hoạch trước, quy trình tương tự hiện chỉ mất khoảng 20 - 45 phút đồng thời mang lại thông tin tốt hơn và nhất quán hơn nhiều. Cơ quan này đã tiết kiệm được 20% chi phí đồng thời vượt trước mục tiêu đặt ra hàng năm.

Tất cả chúng ta đều mong muốn bảo vệ cộng đồng và lính cứu hỏa của mình. Và chắc chắn rằng việc sử dụng dữ liệu hiệu quả có thể giúp lực lượng cứu hỏa thực hiện sứ mệnh của mình tốt hơn.

Theo Bloomberg Cities Network

Yến Chi

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/mo-hinh-phong-chong-chay-no-dua-tren-co-so-du-lieu-o-massachusetts-post584301.antd