Mô hình tổ công tác đặc biệt của Công an Hà Nội:Cách làm sáng tạo, hiệu quả

Trước tình hình vi phạm giao thông với những lỗi thuộc về ý thức gia tăng, ngày 16-5, Công an thành phố Hà Nội thành lập 5 tổ công tác đặc biệt (gồm 2 lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động) hoạt động cơ động trên các tuyến phố chính của các quận nội thành, nhằm phát hiện, xử lý triệt để các lỗi vi phạm, góp phần xây dựng văn hóa giao thông.

Mô hình này đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Để phát huy kết quả đạt được và mở rộng phạm vi hoạt động, từ ngày 9-7, Công an thành phố đã thành lập thêm 5 tổ công tác đặc biệt, phủ kín toàn bộ 12 quận.

Tổ công tác số 7 (Công an thành phố Hà Nội) xử lý xe chở hàng cồng kềnh tại nút giao Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa). Ảnh: Hiệp Dương

Tổ công tác số 7 (Công an thành phố Hà Nội) xử lý xe chở hàng cồng kềnh tại nút giao Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa). Ảnh: Hiệp Dương

Các lỗi vi phạm giao thông thuộc về ý thức giảm hẳn

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đánh giá, 5 tổ công tác đầu tiên đã phát huy hiệu quả ngay sau khi được thành lập. Nơi nào có tổ công tác ứng trực, tình hình vi phạm, những lỗi thuộc về ý thức như không đội mũ bảo hiểm, chở quá người quy định… đã giảm hẳn.

Sau hai tháng, 5 tổ công tác đặc biệt đã phát hiện, xử lý 4.937 trường hợp vi phạm, phạt tiền ước tính 4,124 tỷ đồng, tạm giữ 1.190 phương tiện, tước 194 giấy phép lái xe; phát hiện 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết thêm, sau 2 tháng thí điểm, Ban Giám đốc Công an thành phố thành lập thêm 5 tổ công tác đặc biệt hoạt động tại khu vực nội thành, tạo thành thế trận khép kín. Cho đến thời điểm hiện tại, 10 tổ công tác được xem như là những “lá chắn”, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân.

Khi triển khai thêm 5 tổ công tác đặc biệt, việc tuần tra, xử lý vi phạm giao thông đã phủ kín trên địa bàn các quận vào giờ cao điểm.

Trực tiếp làm nhiệm vụ, Trung tá Nguyễn Ngọc Thuyên, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 15 cho biết, việc triển khai 10 tổ công tác đã tạo hiệu ứng rất tốt khi trên cùng một tuyến đường đi qua các quận, tổ công tác triển khai ở chốt đầu, chốt cuối tuyến đường cùng một khung giờ có thể hỗ trợ nhau, vừa xử lý vi phạm, vừa bảo đảm giải quyết ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm.

Đơn cử, khi đồng loạt triển khai 10 tổ công tác đặc biệt trên các tuyến phố xuyên tâm, từ quận Thanh Xuân đi quận Đống Đa, từ quận Đống Đa đi các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình... và ngược lại, lực lượng chức năng đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm giao thông, đồng thời phối hợp cùng các đơn vị phụ trách địa bàn bảo đảm giao thông thông suốt.

Chị Trương Mai Phương (công tác tại Bộ Tài chính) rất ủng hộ chủ trương này. "Cá nhân tôi cảm thấy khi có lực lượng chức năng thường xuyên xuất hiện trên các tuyến phố, đã hạn chế rất nhiều trường hợp lạng lách đánh võng. Trên tuyến đường đi làm từ quận Thanh Xuân đến quận Hoàn Kiếm qua nhiều tuyến phố đông đúc, tôi cũng không còn bị áp lực vì tắc đường…", chị Phương nói.

Kiên trì, bền bỉ, quyết liệt

“Vượt nắng thắng mưa” là phương châm hoạt động của các tổ công tác đặc biệt. Đại úy Trần Mạnh Toàn, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt số 6 cho biết, vị trí cắm chốt của tổ công tác là những tuyến đường, nút giao thông trọng điểm. Tổ công tác sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, như: Không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, lạng lách đánh võng...

Mỗi ngày vượt hơn 20km từ nơi đóng quân ở huyện Hoài Đức vào nội thành làm nhiệm vụ 2 ca sáng - chiều, Đại úy Lê Ngọc Duẩn, Đại đội 3, Trung đoàn Cảnh sát cơ động cho biết: “Ca trực vào giờ cao điểm từ 6h sáng và từ 16h chiều, ngoài ra còn nhiệm vụ tại đơn vị nên chúng tôi ít có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng với tinh thần vượt nắng thắng mưa, chúng tôi lấy sự an toàn của người dân tham gia giao thông để quên đi vất vả của bản thân”.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky đánh giá, việc triển khai 10 tổ công tác đặc biệt kiểm tra, xử lý quyết liệt các hành vi vi phạm tại các nút giao trọng điểm bước đầu tạo được yếu tố đột xuất, bất ngờ, có tính trấn áp cao. Kế hoạch này nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an và sự ủng hộ của nhân dân Thủ đô nên Công an thành phố sẽ triển khai đến hết năm 2024.

Thời gian tới, các tổ công tác sẽ tiến hành tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp xử lý vi phạm tại một điểm trên các tuyến, nút giao thông trọng điểm của 12 quận. Trong đó, lực lượng tập trung kiểm tra, xử lý các vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông, như: Người điều khiển xe mô tô không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, đi vào đường cấm, đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm…

Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, các tổ công tác thực hiện tốt phương châm: Kiên trì, bền bỉ, quyết liệt xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần xây dựng văn hóa giao thông, tạo lập thói quen và ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/mo-hinh-to-cong-tac-dac-biet-cua-cong-an-ha-noi-cach-lam-sang-tao-hieu-qua-672155.html