Mô hình tổ liên kết sản xuất

5 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã vận động thành lập được 18 tổ liên kết trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thêu may trang phục dân tộc, giúp hội viên sản xuất tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập.

Mô hình nuôi bò sinh sản của hội viên phụ nữ bản La, xã Chiềng La, huyện Thuận Châu.

Mô hình nuôi bò sinh sản của hội viên phụ nữ bản La, xã Chiềng La, huyện Thuận Châu.

Bà Bùi Thanh Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thông tin: Các cấp hội đã tổ chức khảo sát nắm chắc số hộ phụ nữ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương. Đồng thời, hỗ trợ hội viên tham gia mô hình lựa chọn cây, con giống, trang thiết bị, nguyên vật liệu, công cụ sản xuất. Hướng dẫn cách thức hoàn vốn và luân chuyển nguồn vốn để hỗ trợ cho các thành viên mới. Biên soạn các biểu mẫu, sổ ghi chép, hướng dẫn các thành viên ghi chép thu chi, theo dõi quá trình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi.

Bên cạnh đó, các cấp hội đã phối hợp với các đơn vị, chính quyền cơ sở trong việc vận động, hỗ trợ cho vay vốn, tập huấn kỹ thuật, kết nối thị trường, nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Từ năm 2018 đến nay, đã hỗ trợ 300 thành viên tham gia các tổ liên kết vay 1,9 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương Hội LHPN Việt Nam và ngân sách tỉnh.

Mô hình “Tổ liên kết phụ nữ nuôi gà thịt lai ri” triển khai tại bản Bằng, xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn, kinh phí trên 118 triệu đồng từ nguồn vốn của Hội LHPN tỉnh. Tham gia mô hình, 26 hội viên phụ nữ thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ 4.500 con gà ta lai mía và 1.150 kg cám đậm đặc (tương đương 4,5 triệu đồng/hộ). Hội viên tham gia còn được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi.

Bà Hoàng Thị Ngọc Ngân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mai Sơn, thông tin: Nhờ tuân thủ quy trình chăm sóc, gà phát triển tốt, ít dịch bệnh, tỷ lệ sống cao. Mỗi năm các hộ nuôi được 3 lứa, có thu nhập bình quân 45 triệu đồng/hộ hội viên/năm. Sau thành công của mô hình tại xã Mường Bằng, hiện nay, chúng tôi tiếp tục được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ nhân rộng thêm mô hình tại bản Vựt Bon, xã Chiềng Mai, với 22 gia đình hội viên tham gia.

Tháng 10/2020, mô hình tổ liên kết chăn nuôi bò sinh sản được triển khai tại bản Chiềng La, xã Chiềng La, huyện Thuận Châu, do Hội LHPN tỉnh hỗ trợ cho các hộ gia đình phụ nữ nghèo, cận nghèo. Hội Phụ nữ xã đã rà soát 13 thành viên tham gia tổ liên kết, với số tiền hỗ trợ cho vay không lãi suất là 195 triệu đồng trong thời hạn 3 năm.

Chị Quàng Thị Hiểu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Chiềng La, cho biết: Các thành viên trả gốc phân kỳ làm 3 lần trong 3 năm. Sau mỗi đợt thu gốc, Ban quản lý tổ liên kết phối hợp với hội phụ nữ xã, chi hội phụ nữ bản tổ chức họp, tiếp tục xét hội viên nghèo, cận nghèo có nhu cầu, khả năng chăn nuôi bò sinh sản để tham gia mô hình. Đến nay, mô hình đã thu hồi vốn lần 2, nâng tổng số thành viên của tổ liên kết lên 21 người, quy mô 36 con bò sinh sản.

Qua đánh giá, bước đầu các mô hình tổ liên kết giúp cán bộ, hội viên tiếp cận kiến thức về phát triển kinh tế tập thể; tăng tính cạnh tranh và giá trị của sản phẩm. Việc liên kết còn gắn kết chị em trong việc tương trợ, giúp đỡ nhau về vốn, kỹ thuật, thị trường, tiêu thụ; tạo cơ hội việc làm ổn định cho nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Tuy nhiên, hoạt động của các tổ liên kết còn khó khăn do giá cả và thị trường tiêu thụ, nhất là với các sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định, nguồn lực đầu tư cho các mô hình hạn chế. Một số hội viên trong tổ thiếu kỹ năng tổ chức, điều hành, thiếu kiến thức hạch toán kinh doanh.

Nhân rộng mô hình tổ phụ nữ liên kết sản xuất, các cấp hội phụ nữ tiếp tục phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên kiến thức về kinh tế tập thể, kỹ năng quản lý, điều hành; thúc đẩy liên kết sản xuất hàng hóa; duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các mô hình; tăng cường phối hợp với doanh nghiệp, ngành chức năng tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Lò Thái

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/mo-hinh-to-lien-ket-san-xuat-bHVee19Vg.html