Mở hướng cho tương lai
Bộ Chính trị vừa chính thức thông qua Đề án 'Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045' và nhất trí ban hành Nghị quyết về 'Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'. Đây là một quyết định lịch sử mang tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững của Thanh Hóa.
Một số công trình tại Khu Kinh tế Nghi Sơn. Ảnh: Hiếu Nam
Sự cần thiết phải ban hành nghị quyết riêng cho Thanh Hóa
So với các tỉnh vùng duyên hải miền Trung, ngoài những lợi thế chung, Thanh Hóa có nhiều lợi thế nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thanh Hóa luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, kinh tế, quân sự trong suốt quá trình lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc cũng như trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh của đất nước ngày nay.
Được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, Thanh Hóa với đa dạng kiểu khí hậu, đầy đủ các loại địa hình, hệ sinh thái (đồng bằng, ven biển, miền núi, trung du), nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, lại là tỉnh đứng thứ 5 cả nước về diện tích, đứng thứ 3 cả nước về dân số, nguồn lao động dồi dào, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực và có tiềm năng rất lớn để phát triển cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch.
Trong 10 năm trở lại đây, Thanh Hóa đã có sự phát triển mạnh về kinh tế - xã hội; đã dần xác lập được vị trí là một trong những cực phát triển quan trọng của “tứ giác” kinh tế Hà Nội – Hải Phòng - Quảng Ninh – Thanh Hóa, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương Bắc Trung bộ và nước bạn Lào, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn của vùng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, có tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Nổi bật là giai đoạn 2011 – 2020, Thanh Hóa luôn thuộc nhóm địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất, quy mô kinh tế đứng thứ 8 cả nước. Trên địa bàn hình thành nhiều cơ sở kinh tế lớn, trong đó Khu Kinh tế Nghi Sơn từng bước trở thành khu vực phát triển năng động với nhiều dự án quy mô lớn đang hoạt động, hiện đã thu hút được 246 dự án (19 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 130.000 tỷ đồng và 12,7 tỷ USD. Sự phát triển của Khu Kinh tế Nghi Sơn mang tính chất động lực, lan tỏa, đã có đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế của vùng và cả nước, nổi bật là các Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, nhiệt điện Nghi Sơn 1, xi măng Nghi Sơn... Một số cơ sở hạ tầng quan trọng như Cảng nước sâu Nghi Sơn, Cảng Hàng không Thọ Xuân được hình thành và có tốc độ tăng trưởng cao. Những kết quả đạt được trong 10 năm qua có ý nghĩa rất quan trọng, bước đầu tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Thanh Hóa.
Mặc dù vậy, nhìn nhận những điểm mạnh, điểm yếu thì Thanh Hóa phát triển vẫn dưới mức tiềm năng, chưa phát huy hết lợi thế. Đến nay Thanh Hóa vẫn là tỉnh có GRDP bình quân đầu người thấp hơn bình quân chung cả nước, chất lượng tăng trưởng kinh tế, nguồn nhân lực chưa cao, kết cấu hạ tầng vẫn còn thiếu, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Khu vực miền núi của tỉnh rộng lớn, nhưng đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn.
Trên cơ sở đánh giá sát đúng những điểm mạnh, điểm yếu qua 10 năm phát triển 2011 – 2020, thời cơ, vận hội và những thách thức mới trong giai đoạn hiện nay và tầm nhìn 2030 - 2045, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đề nghị Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng xem xét, đồng ý chủ trương để tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương xây dựng đề án, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 17-7-2020, Bộ Chính trị đã chính thức thông qua Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và nhất trí ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là một quyết định mang tính lịch sử, có tầm chiến lược, nhằm tạo những cơ chế chính sách, nguồn lực đột phá để khai thác tối đa hơn nữa tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững của Thanh Hóa trong thời gian tới, cũng như sự phát triển của vùng và cả nước.
Những định hướng phát triển mới
Dự thảo Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đưa ra mục tiêu tổng quát đó là:
Đến năm 2030: Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; là một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hóa, thể thao; một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; nơi người dân có mức sống cao, các giá trị di sản văn hóa và lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng – an ninh được đảm bảo vững chắc; các tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tầm nhìn đến năm 2045: Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Một số chỉ tiêu cơ bản giai đoạn 2021 – 2025: Phấn đấu bình quân hàng năm tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 11% trở lên; thu ngân sách trên địa bàn tăng 6% trở lên; tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 750.000 tỷ đồng trở lên. Đến năm 2025 GRDP bình quân đầu người đạt 5.200 USD trở lên...
Giai đoạn 2026 – 2030: Phấn đấu bình quân hàng năm tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,2% trở lên; thu ngân sách trên địa bàn tăng 6% trở lên; tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 900.000 tỷ đồng trở lên. GRDP bình quân đầu người đạt 8.990 USD trở lên...
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Thanh Hóa xây dựng 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, tập trung vào các nội dung sau:
Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, quy hoạch các ngành và lĩnh vực, quy hoạch phát triển các vùng miền, làm cơ sở để xây dựng Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp năng lượng công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp, dịch vụ logistics và du lịch. Trong đó, xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, trung tâm logistics cấp tỉnh tại khu vực phía Tây TP Thanh Hóa và Khu Công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng. Phát triển toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm 3 vùng kinh tế - xã hội theo hướng: Phát triển bền vững vùng miền núi; phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng và trung du là vùng đóng vai trò trung tâm với 3 cực tăng trưởng là TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn và thị trấn Lam Sơn; phát triển đột phá và bền vững vùng ven biển, hải đảo với 2 cực tăng trưởng là thị xã Nghi Sơn và TP Sầm Sơn.
Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng, miền; các cực tăng trưởng trong và ngoài tỉnh; là cơ sở để Thanh Hóa phát huy vai trò là một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác tăng trưởng ở phía Bắc của Tổ quốc.
Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở tạo sự đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng cơ chế chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp.
Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tạo nền tảng để trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu.
Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, tạo nền tảng để trở thành một trong những trung tâm lớn về văn hóa và thể thao của khu vực và cả nước. Thực hiện tốt công tác tôn giáo và dân tộc.
Tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Tăng cường liên kết hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ, TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường hợp tác và hữu nghị với các địa phương của nước bạn Lào, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch – vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền.
Với việc Bộ Chính trị nhất trí ban hành một nghị quyết riêng cho Thanh Hóa sẽ mở đường để Thanh Hóa tự tin, nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đã xác định trong giai đoạn mới, khai mở tối đa các nguồn lực cho Thanh Hóa phát triển nhanh, mạnh, bền vững hơn, để đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/mo-huong-cho-tuong-lai/122230.htm