Mở hướng phát triển du lịch cộng đồng

Thôn Dà Mpău (hay còn gọi thôn Đam Pao, xã Đạ Đờn) là một trong những địa phương của huyện Lâm Hà hội đủ các điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng có chiều sâu và bền vững.

Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm Dà Mpău không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân mà còn góp phần thu hút du khách đến với địa phương

Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm Dà Mpău không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân mà còn góp phần thu hút du khách đến với địa phương

Dà Mpău vốn là thôn người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, thành lập năm 1963. Thời đó, Dà Mpău thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Đức Trọng, chỉ vỏn vẹn có 57 hộ dân sinh sống. Trải qua 59 năm xây dựng và phát triển, đến nay, dân số của thôn đông nhất xã Đạ Đờn, với 460 hộ, 2.232 khẩu. Năm 2020, Dà Mpău đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh công nhận là Khu dân cư kiểu mẫu. Trưởng thôn Dà Mpău Nguyễn Minh Thu chia sẻ: “Dà Mpău là thôn có nhiều tiềm năng, lợi thế để xây dựng các tour, tuyến du lịch cộng đồng vì hội tụ những yếu tố thuận lợi về mặt địa lý, cảnh quan thiên nhiên, cộng đồng dân cư... Phía Đông của Dà Mpău là rừng, phía Tây là Trung tâm Hành chính xã Đạ Đờn, phía Nam có con sông Đạ Dâng, phía Bắc là cánh đồng. Thôn lại nằm dọc Quốc lộ 27, địa thế bằng phẳng. Ngoài ra, Dà Mpău còn có một làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, một tổ hợp tác sản xuất rau, hoa công nghệ cao, cùng các mô hình phát triển kinh tế khác và một đội văn nghệ cồng chiêng”.

Từ những lợi thế trên, ông Thu cho rằng, rất cần sự góp sức của các nhà đầu tư, các công ty lữ hành, cùng các cơ quan và ngành hữu trách chung tay hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ xúc tiến du lịch, kết nối tour, tuyến để biến tiềm năng sẵn có tại thôn Dà Mpău trở thành hiện thực. Trước mắt, cần đầu tư một ngôi nhà cộng đồng làm điểm nhấn, cụ thể là một ngôi nhà sàn truyền thống, có thể làm nơi nghỉ chân hoặc lưu trú cho du khách. Tại đây, du khách còn có thể tham gia trải nghiệm văn hóa bản địa K’Ho, thưởng thức các món ăn đặc sắc của người K’Ho, sinh hoạt văn hóa cồng chiêng với người dân địa phương... Sau nữa, chọn ra khoảng 20 nhà dân có không gian tương đối rộng rãi để du khách trải nghiệm thực tế cùng ăn, cùng ở, cùng ra ruộng trồng lúa với người dân, cùng lên rẫy chăm sóc cà phê, gắn với tham quan các cơ sở tôn giáo, làng nghề dệt thổ cẩm thủ công, tìm hiểu lịch sử chiếc Cầu Máng trên địa bàn xã Đạ Đờn... “Cây cầu này có từ bao giờ tôi cũng không rõ lắm. Có người bảo nó có từ thời thuộc Pháp. Còn về tên gọi Cầu Máng là vì nó đóng vai trò như một máng nước, chuyển nước từ xã Đạ Đờn sang xã Tân Văn”, bà Ka Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Đờn, cho biết.

Theo bà Ka Điệp, nếu làm tốt công tác đầu tư hạ tầng, hỗ trợ xúc tiến kết nối tour, chắc chắn sẽ tạo ra những hoạt động du lịch hấp dẫn ngay từ lợi thế của Dà Mpău. “Hiện nay, thôn đang duy trì Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm Dà Mpău, với 125 hộ tham gia. Trước thời điểm xuất hiện dịch COVID-19, hàng ngày đều có những đoàn khách nước ngoài đến Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm Dà Mpău tham quan, tìm hiểu, mua sắm vải thổ cẩm. Tuy nhiên, do gián đoạn bởi đại dịch COVID-19 nên Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm Dà Mpău chưa thể phục hồi lượng khách như trước”, ông Thu nói thêm. “Việc phát triển du lịch làng nghề còn mở ra cơ hội bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của người K’Ho thông qua hoạt động mua sắm. Vì qua hoạt động mua sắm, du khách sẽ là người quảng bá tốt nhất cho các sản phẩm dệt truyền thống của người K’Ho. Trong khi người dân lại có thu nhập để tái đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ”, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Đờn Ka Điệp tâm sự.

Theo ông Thu, định hướng của thôn Dà Mpău thời gian tới sẽ là phát triển du lịch làng nghề, kết hợp du lịch cộng đồng, du lịch canh nông. Đây là xu thế tất yếu. Vì vậy, Dà Mpău đang xúc tiến tạo ra sản phẩm du lịch thu hút du khách. Bên cạnh việc phát triển du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng, thôn Dà Mpău còn hướng tới mô hình du lịch canh nông khi thành lập Tổ hợp tác Sản xuất rau, hoa công nghệ cao để mở hướng phát triển tour du lịch xanh. Ngoài ra, Dà Mpău có một nhà thờ Thiên Chúa giáo, một nhà thờ Tin lành và một cơ sở thờ tự Phật giáo, đây là cơ sở để địa phương tính tới việc tổ chức tour du lịch tín ngưỡng cho du khách trong thời gian tới. “Tất nhiên, để tạo ra những sản phẩm du lịch địa phương chất lượng phục vụ khách tham quan, chúng tôi rất cần sự góp sức của những doanh nghiệp du lịch chuyên nghiệp, những cơ quan hữu trách nhằm tìm ra các phương án, giải pháp phát triển từng bước với mục tiêu chung của huyện Lâm Hà”, ông Thu nói rõ.

TRỊNH CHU

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/dulich/202210/mo-huong-phat-trien-du-lich-cong-dong-3141549/