Mở hướng thoát nghèo từ chăn nuôi tập trung ở Tuần Giáo
Tuần Giáo là huyện có địa hình đồi núi dốc, địa bàn rộng của tỉnh Điện Biên, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Trong những năm gần đây, huyện Tuần Giáo đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết, trong đó mối liên kết '3 nhà': Nhà nông - Nhà nước - doanh nghiệp được chú trọng nhằm phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường. Điều đặc biệt là Tuần Giáo đã phát triển được mô hình HTX, làm nền tảng trong mối liên kết 3 nhà.
HTX Mường Mùn, xã Mường Mùn phát triển chăn nuôi gà giống, gà thịt theo hướng hàng hóa. HTX đã liên kết được với doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn nên được hỗ trợ về giống, kỹ thuật và đầu ra. Chính vì vậy, HTX đã bước đầu xây dựng được chuỗi giá trị.
Liên kết chăn nuôi an toàn
Anh Nguyễn Hồng Chuyên, giám đốc HTX cho biết, nhờ đẩy mạnh liên kết “3 nhà”, hiện nay, mô hình chăn nuôi gà thịt của HTX có lãi 50 - 60 nghìn đồng/con sau 4 tháng. Không chỉ vậy, HTX còn từng bước xây dựng được thương hiệu, người tiêu dùng biết tới thương hiệu thịt gà Mường Mùn, lợi nhuận sẽ tăng lên.
Điều đặc biệt là khi liên kết với doanh nghiệp, HTX đã áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng sản phẩm vi sinh để xử lý phân chuồng nên hoàn toàn không lo ô nhiễm môi trường. Qua một thời gian hoạt động, HTX đã thực sự trở thành chỗ dựa tinh thần cho các thành viên, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong quá trình chăn nuôi. Ðồng thời, mở rộng tầm nhìn của người dân địa phương về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi quy mô lớn.

HTX đã xây dựng được chuỗi giá trị trong chăn nuôi, giúp nhiều hộ thành viên thoát nghèo.
Anh Chuyên chia sẻ, sau thời gian gắn bó với cây rau, có nguồn thu nhập ổn định và có chút vốn liếng, anh cùng Hội đồng quản trị HTX quyết định chuyển hướng làm ăn vừa kết hợp trồng rau với nuôi lợn, gà. Nhận thấy giống gà đen bản địa, giống gà đặc sản của địa phương rất thơm ngon, khác hẳn các loại gà nơi khác, HTX đã chuyển hướng làm kinh tế, từ trồng rau sang nuôi gà và lợn thương phẩm.
“Hiện nay, HTX đang đi đúng hướng, mỗi năm HTX lãi hơn 500 triệu đồng từ liên kết trong chăn nuôi, nhiều hộ thành viên cũng đã có của ăn, của để, từ hộ nghèo đã vươn lên làm giàu từ chăn nuôi”, anh Chuyên cho hay.
Một thành viên HTX Mường Mùn cho biết, hiện nay, gia đình đã đầu tư cải tạo chuồng trại và học cách chăn nuôi. Ban đầu chỉ dám nuôi hơn 2 chục con, sau đó gà đẻ trứng, cho ấp nở để nhân rộng đàn. Đến nay đã phát triển lên hơn 100 con. Với giá dao động từ 200 – 300 nghìn đồng/con, lãi khoảng 50 – 60 nghìn đồng/con, thương lái đến tận nơi mua, kinh tế gia đình nhờ đó được cải thiện rất nhiều.
Ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội nông dân huyện Tuần Giáo cho biết, các mô hình chăn nuôi tập trung tại huyện Tuần Giáo là bước tiến quan trọng trong việc thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong việc phát triển kinh tế hộ từ nhỏ lẻ, manh mún sang quy mô, chuyên nghiệp.
Ðược biết, các mô hình trên đều nhận được sự đồng tình và ủng hộ rất lớn từ chính quyền và cơ quan chuyên môn của huyện Tuần Giáo. Hy vọng rằng, các mô hình trên sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả và từ những viên gạch đặt nền móng đầu tiên này sẽ có thêm nhiều mô hình hay, cách làm tốt nữa được triển khai.
Tiếp tục hỗ trợ nông dân , HTX phát triển kinh tế
Để người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống sang mở rộng quy mô theo hướng hàng hóa, các tổ hợp tác, HTX chăn nuôi đã được chính quyền huyện Tuần Giáo tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, khoa học kỹ thuật, trang bị kiến thức về phòng, chống dịch bệnh, hướng chủ động đầu tư con giống, làm chuồng trại kiên cố, kiến thức về HTX, Luật HTX 2023... Đồng thời, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất trống, đồi trọc và đất vườn tạp để trồng cỏ, trồng ngô, sắn phục vụ chăn nuôi.
Hiện nay, nhiều HTX đã chủ động phòng chống dịch bệnh, quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Việc phát triển theo hướng bền vững đã giúp nhiều hộ giảm nghèo thành công.
Ông Phí Văn Dương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Điện Biên chia sẻ, trong năm 2024, Liên minh HTX tỉnh thường xuyên phối hợp với huyện Tuần Giáo hướng dẫn, tư vấn cho nông dân xây dựng mô hình điểm về tổ hợp tác và HTX. Tuyên truyền, phối hợp vận động thành lập mới 5 HTX về lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện; tập trung nguồn vốn hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác phát triển.

Nhiều nông dân đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi để vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Đến nay toàn tỉnh có 101 dự án phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản, chăn nuôi lợn sinh sản. Các dự án được đầu tư cho phát triển sản xuất từng bước phát huy hiệu quả, giúp nông dân phát triển và mở rộng quy mô chăn nuôi, sản xuất. Riêng huyện Tuần Giáo có 22 dự án phát triển chăn nuôi, tổ chức 6 hội nghị về kiến thức chăn nuôi trên địa bàn huyện.
Liên minh HTX tỉnh cùng huyện Tuần Giáo cũng tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu hút bà con tham gia các mô hình sản xuất mới bằng cách hỗ trợ giống, phân bón... ở 3 xã: Quài Nưa, Chiềng Đông, Chiềng Sinh.
Chính vì vậy, người dân đã có ý thức vươn lên làm giàu, tận dụng các cơ hội và sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để mở rộng sản xuất, biết áp dụng kỹ thuật, ứng dụng nhiều mô hình kinh tế.
Đến nay, huyện duy trì tốc độ tăng đàn bình quân đạt trên 4%, số lượng trên địa bàn huyện có trên 60.000 con lợn; trên 20.000 con trâu; hơn 8.000 con bò.
Lan tỏa phong trào giảm nghèo
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong huyện, kinh tế - xã hội của huyện trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực và đúng hướng.
Tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất một số ngành tăng bình quân 11,2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 33,24%, giảm 7,30% so với năm 2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025); thu nhập bình quân đầu người đạt 37,5 triệu đồng/năm.
Ông Mùa Va Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết, không chỉ trong chăn nuôi, hiện nay, bảo vệ môi trường đã được Tuần Giáo chú trọng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhằm tạo nên sức mạnh đồng bộ để xây dựng môi trường nông thôn xanh-sạch.
Đặc biệt, huyện tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, trong đó mô hình HTX đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Các HTX đã áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi cùng sự đồng lòng của thành viên, thu nhập bình quân mỗi hộ thành viên có thể đạt 50 triệu đồng/hộ/năm. Đây là nguồn thu tương đối lớn trong khi các hộ vẫn có thể tận dụng phát triển những cây trồng, vật nuôi khác nhằm nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống gia đình.
Đặc biệt, nhờ liên kết cùng nhau chăn nuôi mà đàn gia súc của các thành viên có nguồn thức ăn ổn định, ít dịch bệnh. Các thành viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi để vươn lên xóa đói giảm nghèo. Đồng thời còn giúp các hộ dân giảm công lao động chăn thả trâu, bò.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phục vụ đắc lực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo. Trong đó, tập trung duy trì phát triển mô hình chăn nuôi tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, đảm bảo thu nhập ổn định, bền vững cho nhân dân.
“Huyện xác định đến năm 2025 phấn đấu thu nhập của người dân đạt khoảng 35 triệu đồng/người/năm, 100% số xã có điện lưới quốc gia, trên 95% hộ được sử dụng điện và 100% hộ dân được xem truyền hình. Với niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, những đổi thay sẽ không dừng ở đó mà đồng bào dân tộc huyện Tuần Giáo sẽ vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục giữ vững truyền thống trên quê hương cách mạng cùng nhau đoàn kết phát triển kinh tế, duy trì an ninh trật tự, xây dựng bản làng ấm no, hạnh phúc”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho hay.