Mở không gian kinh tế rộng lớn khi hai thủ phủ công nghiệp hợp nhất

Việc chính thức hợp nhất 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đã mở ra một không gian kinh tế rộng lớn hơn, giúp tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất. Với những chính sách thu hút đầu tư của 2 thủ phủ công nghiệp thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đặt niềm tin vào một môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng và cạnh tranh hơn.

Công ty TNHH Điện tử Foster Bắc Ninh được tỉnh Bắc Ninh tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Công ty TNHH Điện tử Foster Bắc Ninh được tỉnh Bắc Ninh tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Siêu tỉnh công nghiệp

Sự hợp nhất giữa hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đã hình thành nên một vùng kinh tế trọng điểm mới. Tỉnh Bắc Ninh sau hợp nhất có quy mô dân số khoảng hơn 3,6 triệu người, tổng diện tích trên 4.700 km², nằm trong vùng Kinh Bắc xưa, nơi hội tụ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và cách mạng.

Hai tỉnh cũ đều là những “thủ phủ công nghiệp” của miền Bắc, có cơ cấu kinh tế hiện đại, tỷ lệ đô thị hóa cao và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Việc hợp nhất hai tỉnh tạo ra một không gian kinh tế lớn, thống nhất, góp phần tái cơ cấu ngành nghề và tối ưu hóa quy hoạch phát triển.

Tỉnh Bắc Ninh sau sáp nhập sẽ phát huy vai trò là cửa ngõ, trung tâm kinh tế, văn hóa lớn ở phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội, có vị trí, vai trò chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia, đồng thời cũng là điều kiện để trở thành trung tâm tiếp vận, cung ứng, trung chuyển, sản xuất hàng hóa của Việt Nam và thế giới.

Với hàng loạt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được khoảng 12 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi. Riêng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Bắc Ninh đạt hơn 3 tỷ USD, đứng thứ 2 toàn quốc sau thành phố Hà Nội. Điều này tiếp tục khẳng định Bắc Ninh là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Chiều 18/6/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn tiếp và làm việc với ông Lee Han Joon, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nhà đất Hàn Quốc (LH) đến thăm, thúc đẩy hợp tác trong phát triển khu đô thị Đông Nam thành phố Bắc Ninh. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Chiều 18/6/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn tiếp và làm việc với ông Lee Han Joon, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nhà đất Hàn Quốc (LH) đến thăm, thúc đẩy hợp tác trong phát triển khu đô thị Đông Nam thành phố Bắc Ninh. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh sau khoảng thời gian ngắn tỉnh hoạt động theo mô hình chính quyền 2 cấp, có thể khẳng định tất cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc rất quyết liệt, thích ứng tương đối tốt với những nhiệm vụ đặt ra của từng cấp. Tỉnh Bắc Ninh cần giữ vững đà tăng trưởng kinh tế hai con số, hướng tới trở thành một trong ba địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển.

Để thực hiện mục tiêu này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị các đơn vị liên quan cần ưu tiên hỗ trợ toàn diện hệ sinh thái doanh nghiệp trên địa bàn, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động đầu tư và phát triển. Đồng thời, tổng hợp các dự án điển hình đang gặp khó khăn về cơ chế để triển khai tháo gỡ, đặc biệt với doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, lực lượng đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển kinh tế của tỉnh. Bắc Ninh phấn đấu đạt mức tăng trưởng công nghiệp 12-13% và thúc đẩy mạnh mẽ việc giải ngân vốn sau cấp chứng nhận đầu tư để đạt mục tiêu tăng trưởng chung.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cùng chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp giám sát tiến độ đầu tư hạ tầng, đồng thời tăng cường thu hút đầu tư và kết nối các doanh nghiệp. Việc rà soát tiến độ giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp cần được thực hiện khẩn trương để đón đầu làn sóng đầu tư mới. Các sở, ngành liên quan chủ động giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, bảo đảm môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi.

Kỳ vọng bứt phá

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH ITM Semiconductor Vietnam tại khu công nghiệp VSIP, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH ITM Semiconductor Vietnam tại khu công nghiệp VSIP, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Sau hợp nhất, tỉnh Bắc Ninh mới có gần 40.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Với quy mô lớn, vị trí chiến lược và dư địa phát triển dồi dào, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng vào một giai đoạn bứt phá mới, nhất là trong cải thiện chính sách, mở rộng thị trường nội địa và tăng cường liên kết vùng.

Công ty TNHH HT – CNC, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ là ví dụ tiêu biểu cho sự vươn lên nhờ chính sách hỗ trợ từ địa phương. Doanh nghiệp đã nhận được nguồn vốn vay khởi nghiệp cùng chương trình khuyến công của tỉnh Bắc Ninh để đầu tư vào thiết bị công nghệ cao như hệ thống đo kiểm và kiểm tra chất lượng. Từ một startup non trẻ, HT – CNC đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và đang từng bước mở rộng ra thị trường xuất khẩu, đặc biệt là linh kiện cho ngành bán dẫn.

Ông Nguyễn Hữu Trãi, Giám đốc Công ty TNHH HT – CNC cho rằng việc hợp nhất hai tỉnh giúp tinh giản bộ máy hành chính và mở đường cho các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được thực thi hiệu quả hơn. Sau sáp nhập, các đơn vị hành chính sẽ giảm, điều đó giúp các chính sách hỗ trợ cho kinh tế tư nhân có thể nhanh chóng đi vào thực tế, giảm bớt thủ tục hành chính phức tạp, tăng cường hiệu quả thực thi.

Công ty TNHH Dược liệu Fujiko Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hiện triển khai vùng trồng nguyên liệu chủ yếu tại các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, trước những chính sách ưu đãi mới dành cho nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Bắc Ninh sau hợp nhất, doanh nghiệp đang lên kế hoạch chuyển dịch vùng nguyên liệu về địa phương để tận dụng lợi thế hạ tầng, thị trường và nguồn lao động.

Ông Lương Đức Bằng, Giám đốc Công ty, TNHH Dược liệu Fujiko Việt Nam kỳ vọng chính quyền tỉnh Bắc Ninh mới sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ về đất sản xuất, nguồn vốn đầu tư và có thêm các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Italisa Việt Nam, Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng, tỉnh Bắc Giang cũ. Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN

Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Italisa Việt Nam, Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng, tỉnh Bắc Giang cũ. Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN

Không chỉ doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp FDI cũng đánh giá cao cơ hội mà việc hợp nhất hai tỉnh mang lại. Với việc mở rộng không gian phát triển và hình thành một vùng kinh tế - công nghiệp - công nghệ quy mô lớn, chuỗi cung ứng giữa các doanh nghiệp sẽ được tăng cường, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và thu hút đầu tư chất lượng cao. Đặc biệt, sự liên kết vùng sẽ giúp tối ưu nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.

Ông Kim Inwoo, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), nhận định, chất lượng nguồn nhân lực tại Bắc Ninh được đánh giá rất cao. Sau sáp nhập, hy vọng chính quyền địa phương tiếp tục duy trì và nâng cao các chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực ngành bán dẫn. Đầu tư vào con người chính là đầu tư cho tương lai của ngành công nghiệp.

Sau hợp nhất, tỉnh Bắc Ninh mới được kỳ vọng sẽ trở thành “siêu tỉnh công nghiệp” của miền Bắc, đóng vai trò trung tâm trong chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn nơi đây sẽ trở thành "Thung lũng Silicon" của Việt Nam trong tương lai gần.

Đỗ Huyền (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/mo-khong-gian-kinh-te-rong-lon-khi-hai-thu-phu-cong-nghiep-hop-nhat-20250711073737244.htm