Mở lối cho nông nghiệp đô thị phát triển
Đầu tư cho nông nghiệp sinh thái bền vững trước bối cảnh đô thị hóa là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của Hà Nội. Do đó, TP đang tập trung tổng thể các giải pháp về quy hoạch, đầu tư công nghệ nâng cao giá trị sản xuất, xây dựng mô hình nông nghiệp sinh thái…

Vườn nho của hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Hùng, ở xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Ánh
Nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển
Hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Hùng, ở xã An Thượng, huyện Hoài Đức, chia sẻ, với hơn 4ha đất nông nghiệp, gia đình ông tập trung trồng nho hạ đen, nho mẫu đơn Hàn Quốc theo hướng an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trang trại của gia đình ông còn kết hợp trồng đu đủ, làm vườn hoa, thu hút du khách tham quan, trải nghiệm mô hình nông nghiệp sinh thái...
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh, dù diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện bị thu hẹp nhưng nhờ phát triển du lịch sinh thái, nên vẫn tạo hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Ngoài ra, các mô hình này còn góp phần giữ gìn cảnh quan, tạo sản phẩm nông nghiệp thân thiện môi trường.
Tại huyện Ðan Phượng, hiện địa phương chỉ còn khoảng 2.000ha đất nông nghiệp. Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho hay, khi đất đai bị thu hẹp, huyện tập trung sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, nâng cao giá trị sản xuất.
Đến nay, toàn huyện có 520ha trồng lúa, còn hơn 1.300 ha đất nông nghiệp được chuyển sang sản xuất hoa, cây cảnh, cây ăn quả, rau màu chất lượng cao. Giá trị canh tác ở các vùng rau màu, hoa, cây cảnh đạt từ 300 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/ha/năm. Trên địa bàn có nhiều thương hiệu nông sản mạnh như: rau hữu cơ Cuối Quý, nho hạ đen Ðan Phượng, hoa lan Hồ Điệp “Flora Việt Nam”...
Hà Nội có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển nông nghiệp đô thị. Thời gian qua, TP đã đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất theo hướng giảm diện tích trồng lúa, mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích cây ăn quả và hoa, cây cảnh. TP cũng đã tiến hành chuyển đổi hơn 40.227ha đất lúa sang các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, gồm: lúa chất lượng cao hơn 15.600ha, rau an toàn gần 3.000ha, cây ăn quả VietGAP, hữu cơ gần 7.400ha... Đến nay, toàn TP có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung chủ yếu ở các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…
Cốt lõi là tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, bền vững
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, TP hiện có khoảng 198.000ha đất nông nghiệp. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Tuy nhiên, nông nghiệp Hà Nội lại có lợi thế lớn, khi có thị trường khoảng 10 triệu dân, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rất lớn. Trong bối cảnh đó, Hà Nội tập trung phát triển nông nghiệp đô thị với các giải pháp về công nghệ, sinh thái để nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích chật hẹp, tạo không gian xanh cho đô thị, tận dụng thị trường tại chỗ, tăng thu bằng kết hợp du lịch.

Mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Lấy dẫn chứng về lĩnh vực hoa, cây cảnh, ông Nguyễn Xuân Đại cho biết, hiện Hà Nội có hơn 8.100ha chuyên canh hoa, cây cảnh, đạt giá trị sản xuất khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong đó, 70% diện tích được canh tác tập trung tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín.
Nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh ứng dụng tiến bộ mới về giống, quy trình chăm sóc, nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Hoa, cây cảnh là cây trồng giá trị kinh tế cao, vừa tăng thu nhập cho nông dân, giúp tăng mảng xanh thực vật, làm đẹp cho Thủ đô, vừa kết hợp được với du lịch cho chính người dân đô thị.
Bên cạnh đó, để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra về xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, Sở Nông nghiệp và Môi trường và các địa phương đang tiếp tục thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng; mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh.
Đồng thời, chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa tại các vùng khó khăn về tưới tiêu sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống, cơ cấu lại đàn vật nuôi, tập trung phát triển con giống chất lượng cao trên cơ sở lưu giữ và bảo tồn các giống bản địa chất lượng cao. TP tiếp tục phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, phù hợp với từng vùng và định hướng phát triển của TP; từng bước giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Đại, phương án quy hoạch ngành nông nghiệp Thủ đô được định hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo vùng tập trung phù hợp với điều kiện 3 vùng sinh thái: đồi gò, đồng bằng và bãi ven sông. Tùy theo từng vùng, các địa phương áp dụng các mô hình phát triển phù hợp; đa dạng loại hình sản xuất, kết hợp đa lĩnh vực du lịch, sinh thái, giáo dục, bảo vệ môi trường, nhất là chú trọng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Trích dẫn
Trích dẫn 1
“Nông nghiệp đô thị không những có vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô mà còn là hình mẫu cho phát triển nông nghiệp của cả nước. Vì vậy, Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị, xây dựng các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch nhằm mang lại giá trị cao nhất, giúp ngành nông nghiệp đạt được kỳ vọng và xứng tầm Thủ đô.”
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mo-loi-cho-nong-nghiep-do-thi-phat-trien.660907.html