Mo Mường - hành trình hướng tới di sản văn hóa thế giới

Hòa Bình là vùng đất có cư dân bản địa dân tộc Mường chiếm trên 63% dân số. Theo dòng chảy thời gian, dân tộc Mường đã sáng tạo và lưu giữ được nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng. Trong nền văn hóa đó có một loại hình nổi bật, độc đáo, có giá trị nhân văn sâu sắc đó là mo Mường. Nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa (DSVH) mo Mường, Hòa Bình cùng các tỉnh, thành phố lập hồ sơ quốc gia trình UNESCO ghi danh mo Mường là di sản cần bảo vệ khẩn cấp.

Hòa Bình là vùng đất có cư dân bản địa dân tộc Mường chiếm trên 63% dân số. Theo dòng chảy thời gian, dân tộc Mường đã sáng tạo và lưu giữ được nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng. Trong nền văn hóa đó có một loại hình nổi bật, độc đáo, có giá trị nhân văn sâu sắc đó là mo Mường. Nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa (DSVH) mo Mường, Hòa Bình cùng các tỉnh, thành phố lập hồ sơ quốc gia trình UNESCO ghi danh mo Mường là di sản cần bảo vệ khẩn cấp.

Các thầy mo thực hành nghi lễ trong Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh năm 2023.

Các thầy mo thực hành nghi lễ trong Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh năm 2023.

Thầy mo Bùi Văn Rửm, xóm Rọm Cọ, xã Thượng Cốc (Lạc Sơn)

Thầy mo Bùi Văn Rửm, xóm Rọm Cọ, xã Thượng Cốc (Lạc Sơn)

giới thiệu về bộ khót làm lễ.

Giá trị, sức sống của mo Mường

Mo Mường là một DSVH đặc sắc, phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan độc đáo của dân tộc Mường, hàm chứa nhiều ý nghĩa giáo dục đối với cộng đồng. Nói đến mo Mường là nói đến những nghi lễ dân gian có tính thiêng được sử dụng trong tang lễ hay nghi lễ cầu cho mọi điều tốt lành của người Mường. Mo gắn liền với vòng đời của con người, từ khi sinh ra cất tiếng khóc chào đời, mo cầu cho trẻ hay ăn, chóng lớn. Tuổi trưởng thành, vai trò của thầy mo thể hiện qua đám cưới, trong lễ cúng gia tiên hai họ đến đón dâu hay lễ mừng nhà mới, lễ mát nhà, cầu sức khỏe, bình an… Trong các lễ hội bản Mường, mo cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa vụ bội thu. Khi nhắm mắt xuôi tay về với Mường Trời, thầy mo đóng vai trò là cầu nối tiễn hồn người chết sang thế giới bên kia.

Theo thời gian, mo bị cắt giảm, nhiều giá trị truyền thống trong mo mai một. Trong giai đoạn hiện nay, mo Mường Hòa Bình có những biến đổi lớn, bao gồm cái mới, cái tích cực. Mo vẫn giữ vị trí trung tâm trong đời sống tinh thần người Mường ở Hòa Bình. Nhiều công trình nghiên cứu văn hóa, văn học, nhân học của các học giả trong nước và quốc tế đã nghiên cứu, làm sáng tỏ các giá trị của mo Mường càng khắc họa thêm sức sống của mo Mường trong lòng dân tộc.

Trao đổi về những giá trị đặc biệt của mo Mường, nhà nghiên cứu, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Nợi, xã Phong Phú (Tân Lạc) cho rằng: Giá trị đầu tiên nổi bật là tính sử thi gắn liền những nội dung liên quan lịch sử dân tộc và nhân loại, từ chuyện đẻ đất, đẻ nước, đẻ người, lúc còn ăn lông ở lỗ đến khi tìm ra lửa, tơ tằm, lúa gạo, làm nhà, có gia đình, biết chế tạo công cụ đồng làm nồi xanh, xây cung điện… Bên cạnh đó là giá trị về tâm linh, phong tục. Người Mường quan niệm chết không phải là hết. Sang cõi Mường Ma tối tăm ban đầu còn lạ lẫm, linh hồn cần ông mo dẫn dắt, chỉ bảo mới biết ăn uống, nhận biết anh em họ hàng, nhận ruộng nương, nhà cửa, thuộc đường đi lối về phù hộ độ trì cho con cháu. Qua ông mo, người mất dặn con cháu phải biết sống nhân đạo, thương yêu, quý trọng mọi người; anh chị em trong nhà phải biết nhường nhịn, cảm thông, tha thứ… Ngoài ra, mo Mường còn dạy con người về giá trị của lao động sáng tạo và hàm chứa nhiều giá trị khác về tư tưởng triết học, nghệ thuật biểu diễn, ngôn ngữ thể hiện…

Trải qua nhiều thế kỷ, đến nay, mo Mường vẫn có sức sống bền bỉ với dân tộc Mường. Từ quá khứ đến hiện tại, các thế hệ người Mường đã lưu giữ, truyền miệng và phát huy một cách bền vững những giá trị của mo Mường, tạo nên sức sống, sức lan tỏa sâu rộng của DSVH phi vật thể vô cùng quý giá này.

Hành trình đưa mo Mường ra thế giới

Để bảo tồn DSVH mo Mường, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Hòa Bình đã có nhiều giải pháp cụ thể. DSVH mo Mường được tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá thông qua xây dựng tin, bài, phóng sự về các nghi lễ; sưu tầm, sáng tác, chuyển thể sân khấu hóa DSVH mo Mường đến du khách; đưa nội dung trình diễn về DSVH mo Mường vào các chương trình, sự kiện lớn của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh thành lập được 5 câu lạc bộ mo Mường cấp huyện tại các huyện: Lạc Sơn, Tân Lạc, Cao Phong, Yên Thủy, Kim Bôi. Bên cạnh đó, việc Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực văn hóa cho các nghệ nhân, trong đó có nghệ nhân mo Mường đã truyền động lực lớn cho những người nắm giữ di sản tham gia tích cực vào việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH.

Năm 2015, tỉnh đón nhận bằng bảo trợ của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam cho DSVH "Mo Mường Hòa Bình”. Ngày 19/1/2016, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL có Quyết định số 246/QĐ-BVHTTDL đưa mo Mường vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia. Năm 2020, mo Mường được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chọn lựa là DSVH phi vật thể cần xây dựng hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 220/KH-UBND, ngày 25/11/2021 phối hợp xây dựng bộ hồ sơ khoa học về DSVH mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức bộ hồ sơ quốc gia về DSVH mo Mường. Sở VH-TT&DL phối hợp Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (đơn vị tư vấn) tổ chức tọa đàm về mo Mường trên địa bàn tỉnh. Sau đó tổ chức điền dã, khảo sát, tổ chức kiểm kê DSVH mo Mường, thu thập bản cam kết của cộng đồng nắm dữ di sản trên địa bàn các tỉnh: Ninh Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Phú Thọ, Đắk Lắk và TP Hà Nội. Bộ VH-TT&DL đã phối hợp UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức hội thảo trong nước, hội thảo khoa học quốc tế thu hút được nhiều học giả quốc tế là các chuyên gia đầu ngành về văn học nghệ thuật, chuyên gia phản biện hồ sơ thuộc các lĩnh vực DSVH phi vật thể của UNESCO. Viện Âm nhạc đã tiến hành sưu tầm, thu thanh, ghi hình về di sản mo Mường; viết hồ sơ khoa học và làm hậu kỳ phim tài liệu...

Cùng công chức văn hóa - xã hội xã Thượng Cốc (Lạc Sơn), chúng tôi đến thăm thầy mo Bùi Văn Rửm tại xóm Rọm Cọ - một trong những người được tham gia trực tiếp vào quá trình ghi hình trong bộ hồ sơ quốc gia mo Mường. Bên cửa voóng nhà sàn, nâng niu chiếc túi khót đựng đồ làm lễ mo, ông cho chúng tôi xem bộ lễ phục thường mặc, bộ khót có chuông, nanh thú, các loại đá, thánh thư. Ông Rửm tâm sự: Từ nhỏ tôi đã thích nghe mo, nhưng phải đến 40 tuổi mới chính thức làm nghề. Tôi là đời thứ 8 làm nghề mo của dòng họ. Tôi rất thích tính nhân văn, răn dạy con cháu sống tốt đẹp, đả kích người say rượu, lười làm... thể hiện trong những bài mo. Được chọn quay hình trong bộ hồ sơ mo Mường quốc gia, tôi và một thầy mo cùng thực hiện rất vinh dự, tự hào góp phần quảng bá mo Mường ra thế giới. Tôi cũng đã ghi lại những lời mo bằng chữ quốc ngữ để truyền lại cho con, cháu đời sau. Chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành tiếp tục quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị của mo Mường.

TS Phạm Minh Hương, Viện trưởng Viện Âm nhạc khẳng định: Đến thời điểm này, bộ hồ sơ DSVH mo Mường đã hoàn thành trình các cấp có thẩm quyền theo quy định. Khi di sản mo Mường được UNESCO ghi danh vào danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản mo Mường như: giúp nâng cao nhận thức cộng đồng đối với việc gìn giữ, bảo vệ vốn di sản quý giá của dân tộc mình; giúp cho di sản mo Mường được bảo tồn, phát huy một cách hệ thống, bền vững ở các địa phương thông qua triển khai kế hoạch bảo vệ di sản đã được Việt Nam cam kết trong hồ sơ đệ trình. Mo Mường không những được luật pháp của Nhà nước Việt Nam cam kết thực hiện, mà còn theo quy định chung cho DSVH thế giới, cả cộng đồng sẽ vào cuộc bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp của di sản.

Hương Lan

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/186529/mo-muong--hanh-trinh-huong-toi-di-san-van-hoa-the-gioi.htm