Mở rộng biên độ sáng tạo
Đằng sau mỗi tác phẩm điêu khắc tinh giản về hình thể, mang dấu ấn thời gian là lối dẫn độc đáo cho những ý niệm ẩn chứa bên trong. Các sáng tác của THÁI NHẬT MINH tập trung vào suy tưởng, ký ức văn hóa cùng các chiều không gian. Anh cho rằng suy cho cùng mỗi tác phẩm nghệ thuật là một trạng thái để tìm về thế giới tinh thần…
Đề cao tính đối thoại
- Ba năm sau triển lãm đầu tay “Những con chim” (2013), Thái Nhật Minh tiếp tục khẳng định dấu ấn với triển lãm “Chinh phu - Chinh phụ” (2016). Nhưng từ đó đến nay không thấy anh hiện diện với triển lãm cá nhân?
- Thực ra ngay sau Chinh phu - Chinh phụ, tôi đã có câu chuyện cho triển lãm cá nhân tiếp theo nhưng càng thực hiện, tôi càng muốn phát triển. Quan trọng hơn, giờ đây tôi không đặt nặng câu chuyện phải có triển lãm cá nhân nhiều hay ít, mà qua mỗi tác phẩm đưa ra cái gì khác trước, mới mẻ, vượt qua lối tư duy cũ. Trong nhiều năm, thực hành của tôi đều là sáng tác nhỏ kết cấu thành tác phẩm lớn. Hiện tôi ưu tiên cho những tác phẩm với số lượng, kích thước lớn hơn, công việc này cần nhiều thời gian. Tôi vẫn góp mặt trong nhiều triển lãm và tham gia một số dự án nghệ thuật.
- Anh có thể chia sẻ về việc thực hành nghệ thuật mở rộng không gian bên ngoài xưởng?
- Năm ngoái, tôi nhận lời mời của Toong - một không gian tổ hợp sáng tạo và đến khảo sát tại Toong 198 Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Hồ Chí Minh; đề bài là đưa tác phẩm điêu khắc có tính ứng dụng, khả năng tương tác cao với công chúng, vào không gian với diện tích khá dài và hẹp. Tôi đã lên ý tưởng đưa vào đó hình ảnh con thuyền ánh sáng, lấy cảm hứng từ con thuyền độc mộc xa xưa, con thuyền Noah trong truyền thuyết và con tàu vũ trụ trong không gian bao la… nhằm truyền tải ước mơ, hy vọng về sự sống và khát vọng khám phá những vùng đất mới. Tác phẩm Con thuyền Noah với thân được làm bằng chất liệu xuyên sáng, cho cảm giác rất nhẹ và giúp không gian hành lang hẹp bay bổng hơn. Nó vừa là tác phẩm điêu khắc, vừa là bàn làm việc chung, bên trên đặt các cụm tượng nhỏ với biểu tượng của con người, hạt giống và muôn loài, tạo cảm hứng tích cực khi tiếp cận.
- Điêu khắc ngày càng đề cao tính chất đối thoại của tác phẩm gắn với không gian. Khi thực hiện dự án như vậy, anh làm thế nào để hài hòa giữa cá tính sáng tạo của nghệ sĩ với yêu cầu đặt ra của chủ đầu tư?
- Nghệ sĩ khi làm việc luôn cần tự do, không bị bất cứ gò bó nào về sáng tạo. Tuy nhiên trên thực tế, chủ đầu tư luôn có mong muốn riêng; quan trọng là ý tưởng của nghệ sĩ có phù hợp với mong muốn của họ không và nghệ sĩ chấp nhận thỏa hiệp đến đâu. Trước một dự án nếu tôi cảm thấy có ý nghĩa với đời sống nghệ thuật cá nhân và cộng đồng thì sẽ nhận lời tham gia, còn không cũng không ngại từ chối.
Vẻ đẹp của điêu khắc không chỉ ở hình thể
- Khi sáng tác, anh thường chú trọng điều gì?
- Tôi quan tâm đến không gian, thời gian; đối với tôi, hai yếu tố này làm cho tác phẩm không chỉ biểu đạt thực tại mà còn gợi lên ký ức xa xưa, chiều dài lịch sử và bề dày văn hóa. Trong sáng tác, tôi muốn cảm xúc cũng như những suy tưởng mang tính trừu tượng của mình được cụ thể hóa bằng hình thể tương xứng. Nếu mọi người để ý, tác phẩm của tôi thường mang dấu vết thời gian và gợi lên những ký ức xa xôi.
- Tìm ra ngôn ngữ và hình thể tương xứng với cảm xúc và ý tưởng muốn thể hiện là điều quan trọng nhất, vì sao vậy?
- Đều đặn nhiều năm nay, cứ mỗi dịp năm mới về tôi lại dành quãng thời gian đặc biệt này làm bộ tượng con giáp bằng bột giấy, với nhiều màu sắc mang câu chuyện của mùa xuân. Màu xanh của bánh chưng, màu đỏ câu đối, của tràng pháo và những sắc màu tươi tắn của cây nêu trong lễ hội... Nhiều người hỏi tại sao cứ để cuối năm mới làm và năm nào cũng vội, tôi nói rằng nếu làm trước thì không có ý nghĩa gì nữa. Ý nghĩa đó được thể hiện trong tinh thần của mỗi bức tượng chứa đựng trong cái tiết khí của mùa xuân mà nghệ sĩ cảm nhận và đưa vào tác phẩm.
Hay như trong bộ tác phẩm Tìm trong ký ức làm việc cùng nghệ nhân làng gốm Hương Canh, tôi coi hình thể của mỗi đồ gốm là những vẻ đẹp đã được định hình, hoàn thiện, nó cố định, là truyền thống, và giới hạn thì những con chim vận động bên trong mỗi hình thể mà tôi tạo ra, mang theo ước mơ vượt khỏi khuôn khổ mang tính giới hạn của truyền thống. Trong tác phẩm này tôi cũng đặt ra những ranh giới giữa sự hữu hạn và vô hạn, truyền thống và hiện đại, cũ và mới, nghệ nhân và nghệ sĩ, sản phẩm và tác phẩm, cái nhìn thấy và cái phải tưởng tượng
Đối với tôi, vẻ đẹp của điêu khắc không chỉ là hình thể mà quan trọng hơn là tinh thần chứa đựng bên trong hình thể ấy; như chùa Tây Phương có các bức tượng cổ rất đẹp, người ta đến không chỉ xem tượng mà muốn tìm kiếm ở đó một không gian tinh thần. Nghệ thuật luôn là cửa ngõ kết nối và dẫn dắt người xem đi vào thế giới cá nhân mà nghệ sĩ muốn bày tỏ, khi đó đẹp - xấu dường như không còn quan trọng nữa; nghệ thuật là vậy, điêu khắc càng như vậy, khác với trang trí đơn thuần.
Truyền thống trong hiện đại
- Dường như trên từng bước sáng tạo của Thái Nhật Minh, bóng dáng truyền thống luôn phảng phất?
- Tôi luôn học hỏi ở truyền thống, nhiều tác phẩm của tôi lấy cảm hứng từ tôn giáo, từ văn hóa của cha ông mình, cũng như tinh hoa của nhiều nền văn hóa khác nhau. Gần đây, sáng tác của tôi tập trung vào các khoảng không gian trong tâm tưởng. Từ những con chim, tôi nghĩ về tự do. Suy nghĩ về tự do, tôi mới hiểu rằng tự do không chỉ nằm ở đôi cánh mà ở suy nghĩ. Suy nghĩ, hiểu biết của bạn đến đâu thì tự do của bạn đến đấy. Trong giới hạn hiểu biết bình thường, chúng ta chỉ biết đến không gian 3 chiều, 4 chiều, nhưng còn những khoảng không gian khác, không gian trong tâm tưởng, khoảng không gian mà chúng ta chưa biết hoặc chỉ cảm thấy. Hành trình của nghệ sĩ không biết trước đích đến nhưng luôn có văn hóa truyền thống làm điểm tựa, làm nền tảng cho những bước chân sáng tạo đi khai phá vùng đất mới.
- Quan điểm của anh về nghệ thuật vị nhân sinh, nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị thương mại như thế nào?
- Có lẽ đó là trăn trở của nhiều người nhưng không phải với tôi bởi trước hết tôi làm nghệ thuật cho mình, tôi cho rằng sâu xa nghệ sĩ sáng tạo phải thỏa mãn nhu cầu tự thân, giả dụ tác phẩm có nhiều người thích hay không thích, bán được hay không thì mình vẫn luôn trân trọng, vì mình đặt ý nghĩa của nó trong đời sống của mình chứ không phải đời sống của một ai đó. Nhiều người hỏi tôi phải làm thế nào mới bán được (tác phẩm), tôi trả lời là hãy cứ làm thật chăm chỉ những gì mình muốn và mình có khả năng nhất. Làm nghệ thuật vị nhân sinh, vị nghệ thuật hay vị thương mại? Cứ tâm niệm một khi làm thật tốt công việc của mình, bạn sẽ đạt sẽ đạt được cả ba, đừng chỉ theo đuổi một thứ.
- Xin cảm ơn anh!