Mở rộng cơ hội cho người trẻ trong ngành Thú y

Ngành Thú y đang mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Sinh viên ngành Thú y - Trường Đại học Nông Lâm TPHCM thực tập khám bệnh cho bò. Ảnh: NTCC

Sinh viên ngành Thú y - Trường Đại học Nông Lâm TPHCM thực tập khám bệnh cho bò. Ảnh: NTCC

Ngành Thú y giữ vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người; góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Gìn giữ sự đa dạng sinh học

Không chỉ mong muốn chữa lành cho những con vật bị tổn thương, sinh viên Lê Bảo Ngân (22 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) còn ấp ủ giấc mơ góp phần gìn giữ sự đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. “Mỗi loài vật đều xứng đáng được quan tâm, chăm sóc và bảo vệ. Em đang là sinh viên năm 4 ngành Thú y, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM và chưa từng hối hận về lựa chọn của mình”, Ngân chia sẻ.

Với sinh viên Nguyễn Thị Sao Mai (22 tuổi, quê Gia Lai), sự đa dạng nghề nghiệp sau khi ra trường đã khiến cô quyết tâm theo học ngành Thú y tại Trường Đại học Nông Lâm TPHCM. Mai cho biết, ngành này giúp những bạn đam mê động vật phát huy năng lực, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng qua việc tham gia tiêm phòng dại cho vật nuôi. “Ngành Thú y mở ra nhiều cơ hội việc làm. Sinh viên có thể làm việc tại trang trại, doanh nghiệp, phòng thí nghiệm, hay phòng khám thú y”, Mai cho biết.

Ngành Thú y nghiên cứu và ứng dụng y học vào chẩn đoán, điều trị bệnh cho động vật. Sinh viên được đào tạo kiến thức về dịch tễ, biểu hiện lâm sàng, kỹ thuật chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh. Đặc biệt, trong mảng ngoại khoa, sinh viên được học chuyên sâu về giải phẫu động vật. Tại nhiều quốc gia, ngành Thú y được coi trọng vì đóng vai trò thiết yếu trong đời sống xã hội và thực tiễn cuộc sống. Bác sĩ thú y thường trải qua quá trình đào tạo từ 5 - 6 năm, thậm chí kéo dài đến 8 năm ở một số nước.

 Sinh viên thực hành tiêm ngừa dại cho vật nuôi tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Ảnh: NTCC

Sinh viên thực hành tiêm ngừa dại cho vật nuôi tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Ảnh: NTCC

Cơ hội việc làm lớn

Tại Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, ngành Thú y (Bác sĩ thú y) do Khoa Chăn nuôi Thú y đảm nhiệm công tác đào tạo. Sinh viên được học chuyên sâu về bệnh học, bao gồm căn bệnh, dịch tễ học, biểu hiện lâm sàng, kỹ thuật chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh chuyên biệt.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo còn có kiến thức về ngoại khoa, giải phẫu bệnh và pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật; giám sát cơ sở giết mổ, chế biến thức ăn chăn nuôi và chế biến sản phẩm từ động vật.

PGS.TS Lê Quang Thông - Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y (Trường Đại học Nông Lâm TPHCM) cho biết, tỷ lệ tuyển sinh ngành Thú y của khoa luôn đạt 100 - 103% so với chỉ tiêu. Đặc biệt, nhiều năm liên tiếp, 100% thí sinh trúng tuyển ngành Thú y là nguyện vọng 1. Từ năm 2008 đến nay, điểm trúng tuyển ngành Thú y của trường luôn ở mức cao nhất cả nước; từ năm 2013 đến nay, thủ khoa của trường đều là sinh viên ngành này.

Hiện nay, các phương thức tuyển sinh của ngành gồm: Tuyển thẳng học sinh giỏi cấp quốc gia, xét tuyển kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM và xét học bạ THPT.

Chương trình đào tạo kéo dài 5 năm, chia thành 3 khối kiến thức: Cơ bản, cơ sở ngành và chuyên ngành. Hơn 45% thời lượng chương trình dành cho thực hành và thực tập. Nội dung chương trình được rà soát, cập nhật định kỳ 2 - 4 năm/lần nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, xu hướng phát triển xã hội và chuẩn mực quốc tế. Từ năm 2017, chương trình đào tạo ngành Thú y của trường được kiểm định chất lượng bởi Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA) và tái kiểm định vào năm 2023.

 Bác sĩ thú y có nhiều cơ hội làm việc trong các khu bảo tồn động vật hoang dã hay thảo cầm viên. Trong ảnh là voi trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Ảnh: Lê Nam

Bác sĩ thú y có nhiều cơ hội làm việc trong các khu bảo tồn động vật hoang dã hay thảo cầm viên. Trong ảnh là voi trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Ảnh: Lê Nam

Theo PGS.TS Lê Quang Thông, chương trình ngành Thú y bao gồm nhiều học phần thực tế tại các trang trại, doanh nghiệp, bệnh viện và phòng khám thú y. Từ năm 2022, Khoa Chăn nuôi Thú y đã bổ sung môn học “Thực tập sinh” kéo dài 6 tháng, kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo, cho phép sinh viên thực tập tại các cơ sở sản xuất, phòng khám, bệnh viện thú y.

Bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên còn được trang bị kỹ năng mềm như giao tiếp, khởi nghiệp, quản lý trang trại, bệnh học thủy sản (cá, tôm)... PGS.TS Lê Quang Thông cho biết: “Khoa thường xuyên tổ chức hội thảo, tọa đàm cùng doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước nhằm giúp sinh viên nâng cao kiến thức thực tiễn và kỹ năng nghề nghiệp. Nhờ đó, tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp luôn đạt trên 90%”.

Tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, mặc dù sinh viên ngành Thú y chưa tốt nghiệp, nhưng một số tập đoàn lớn như CP Group, Ceva Việt Nam, AgriViet… đã chủ động liên hệ, đề xuất tiếp nhận toàn bộ sinh viên sau khi ra trường. TS Võ Phong Vũ Anh Tuấn - Trưởng ngành Thú y của trường cho biết, chương trình đào tạo được thiết kế theo định hướng ứng dụng, tập trung phát triển kỹ năng thực hành và kỹ năng mềm. Sinh viên được học các kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện, quản lý trang trại, xét nghiệm, an toàn phòng thí nghiệm...

Việc phát triển kỹ năng mềm được thực hiện thông qua tọa đàm, định hướng nghề nghiệp, hoạt động cộng đồng như tiêm phòng cho vật nuôi (đặc biệt là tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo), các lớp tăng cường ngoại ngữ và đổi mới sáng tạo. Trong năm học 2024 - 2025, sinh viên ngành Thú y của trường đã tham gia 3 đề tài nghiên cứu khoa học và 2 dự án khởi nghiệp.

Ông Tuấn nhấn mạnh, chương trình đào tạo chú trọng cung cấp nền tảng khoa học vững chắc, trong đó tỷ lệ tín chỉ thực hành chiếm hơn 50%. Các phòng học được trang bị hiện đại, phục vụ giảng dạy các môn giải phẫu, sinh lý, vi sinh, sinh học phân tử...

“Cùng đó, trường đã ký kết hợp tác với hệ thống bệnh viện, phòng khám thú y tại TPHCM, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập ngay từ khi học các môn cơ sở ngành. Ngoài ra, các cơ sở như trại chăn nuôi, công ty sản xuất thức ăn và thuốc thú y, Thảo Cầm Viên Sài Gòn… cũng là nơi thực hành lý tưởng cho sinh viên”, thầy Tuấn cho biết.

Hiện, nhiều trường đại học tuyển sinh và đào tạo ngành Thú y như: Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, Trường Đại học Công nghệ TPHCM, Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học Cần Thơ và nhiều trường đại học đào tạo nhóm ngành nông - lâm trên cả nước.

Lâm Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mo-rong-co-hoi-cho-nguoi-tre-trong-nganh-thu-y-post730233.html