Mở rộng đào tạo nhân lực ngành vi mạch

Thực tế cho thấy, quốc gia nào tham gia sâu vào quy trình thiết kế chế tạo vi mạch bán dẫn thì quốc gia ấy phát triển. Cũng vì lẽ đó, mùa tuyển sinh năm 2025, Việt Nam tiếp tục có thêm nhiều trường đại học dự kiến mở ngành mới liên quan tới lĩnh vực vi mạch bán dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực.

Xây dựng các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao dẫn dắt toàn bộ hệ thống công nghiệp bán dẫn phát triển

Xây dựng các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao dẫn dắt toàn bộ hệ thống công nghiệp bán dẫn phát triển

Chớp lấy cơ hội

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhận định, ngành công nghiệp bán dẫn, với vai trò là nền tảng của hầu hết các công nghệ hiện đại, đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và công nghệ toàn cầu. Đối với Việt Nam, một trong những nhiệm vụ quan trọng để triển khai thành công và nắm bắt cơ hội liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn chính là việc chuẩn bị nguồn nhân lực. Và để làm được việc này thì ngành phải trông cậy vào các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu về đào tạo các ngành kỹ thuật công nghệ, trong đó có vi mạch bán dẫn

GS.TS. Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng thể hiện trong chất lượng nguồn nhân lực và vị thế địa chính trị để phát triển công nghiệp bán dẫn. Thời gian vừa qua, nhiều lãnh đạo các tập đoàn lớn về vi mạch bán dẫn cũng như lãnh đạo các trường đại học lớn trên thế giới khi đến thăm, làm việc tại nước ta đều nhận định đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam bước chân vào sâu hơn trong công nghiệp bán dẫn. Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam bứt phá.

“Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục đại học cần chớp lấy cơ hội, xây dựng các chương trình đào tạo gắn với chất lượng cao, gắn với đào tạo tài năng để đào tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao dẫn dắt toàn bộ hệ thống công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới”, GS.TS. Chử Đức Trình nói.

Xu hướng này không thể chần chừ lâu. Trong năm học 2025-2026, hàng loạt trường đại học lớn thông báo mở thêm ngành học mới liên quan đến vi mạch bán dẫn. Đơn cử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển 4.995 sinh viên, trong đó, với ngành Vật lý học (Vật lý bán dẫn và kỹ thuật), Trường dự kiến tuyển sinh 120 chỉ tiêu vào ngành Vật lý học (Vật lý bán dẫn và kỹ thuật). Tương tự, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) mở 4 ngành học mới, trong đó có 3 ngành rất gần với lĩnh vực vi mạch bán dẫn; Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng sẽ tuyển sinh đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch bán dẫn; Trường Đại học Việt Nhật – Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đang nghiên cứu mở mới chương trình đào tạo kỹ sư bán dẫn, và dự kiến sẽ tuyển 100 chỉ tiêu cho năm học này.

Tránh mở đào tạo theo trào lưu

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự vào cuộc của các trường đã có, song làm thế nào để bảo đảm chất và lượng nguồn nhân lực là bài toán đặt ra. Một vấn đề nóng hiện nay là việc đầu tư phòng thí nghiệm tại các trường đại học. Tuyển sinh rồi nhưng chưa có trang thiết bị, phòng thí nghiệm. Đề án được duyệt nhưng không thể mua ngay như hàng tiêu dùng mà phải đặt hàng. Đặc biệt những năm gần đây, do sự bùng nổ của nhu cầu tuyển dụng trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ và tự chủ đại học, nguồn thu của nhà trường chủ yếu dựa vào học phí. Điều này, dẫn đến rất nhiều trường, trong đó có nhiều trường ngoài công lập tham gia đào tạo các lĩnh vực công nghệ cao trong khi không đủ đội ngũ giảng viên giỏi, đầu vào tuyển sinh các ngành công nghệ cao ở nhiều trường chất lượng còn thấp.

Dù đánh giá cao việc nhiều trường đại học mở ngành, chuyên ngành đào tạo vi mạch, bán dẫn - ngành mà thị trường đang cần nhưng theo TS. Nguyễn Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, uy tín của các trường cũng được đo bằng chất lượng đào tạo và tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm. Để tránh việc mở ngành, chuyên ngành đào tạo vi mạch, bán dẫn trở thành trào lưu, các trường cần cân nhắc về việc đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy và đội ngũ giảng viên.

“Tôi mong muốn các trường nghiên cứu kỹ thị trường lao động, nhu cầu xã hội và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thấu đáo. Nếu mở ngành chỉ theo xu thế thì dù có đào tạo hơn nữa, chúng ta vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động ngày càng khó tính”, TS. Nguyễn Việt Nga chia sẻ.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới cần đầu tư cho đội ngũ giảng viên, học bổng cho sinh viên đại học và sau đại học; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cho những chương trình đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao ưu tiên trọng điểm cả ở bậc đại học và sau đại học. Đồng thời, thúc đẩy liên kết giữa nhà nước, nhà trường - nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp trong nghiên cứu và đào tạo nhân lực công nghệ cao.

Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn, PGS.TS. Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, yêu cầu bắt buộc đối với các trường khi mở ngành đào tạo này là cần phải hợp tác với doanh nghiệp. Trong điều kiện doanh nghiệp sản xuất về vi mạch ở Việt Nam còn hiếm thì các trường cần vươn ra hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư về Việt Nam. Ở Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhà trường đã ký biên bản hợp tác với các trường có khả năng và kinh nghiệm đào tạo vi mạch, bán dẫn trong thời gian dài, trong đó có nhiều trường ở các quốc gia như: Đức, Mỹ... Các đơn vị này hỗ trợ cho Đại học Bách khoa Hà Nội xây dựng chương trình đào tạo, thiết kế các phòng thí nghiệm, đào tạo giảng viên cũng như giới thiệu cho các công ty có liên quan tới sản xuất bán dẫn để sinh viên có điều kiện thực tập và cọ sát về nghề nghiệp. Nhà trường thận trọng trong quá trình chuẩn bị để đạt đích đến cuối cùng và quan trọng nhất là sản phẩm đầu ra - người học

Hương Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/mo-rong-dao-tao-nhan-luc-nganh-vi-mach-160413.html