Mở rộng đối tượng được hỗ trợ vay vốn tạo việc làm

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, cuối buổi sáng 27-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu tại hội trường sáng 27-11. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu tại hội trường sáng 27-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Tham gia phát biểu thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) đồng tình với việc ban hành luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề việc làm; khắc phục các tồn tại, hạn chế trong Luật Việc làm năm 2013; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.

Quan tâm đến các quy định về thủ tục hành chính trong dự thảo Luật, ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, dự thảo Luật vẫn còn một số nội dung quy định về thủ tục hành chính như trình tự đăng ký lao động; điều chỉnh thông tin về việc làm trong cơ sở dữ liệu về người lao động; trình tự, thủ tục hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động…

 Quang cảnh hội trường Diên Hồng. Ảnh: QUANG PHÚC

Quang cảnh hội trường Diên Hồng. Ảnh: QUANG PHÚC

“Quy định về thủ tục hành chính trong luật là chưa phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tại văn bản số 15/CTQH ngày 29-10-2024 về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật trên tinh thần cơ bản không quy định thủ tục hành chính, hồ sơ, trình tự thủ tục trong luật mà giao cho Chính phủ, các bộ quy định”, ĐB phát biểu và đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu rà soát loại bỏ các quy định về thủ tục hành chính ra khỏi dự thảo Luật và giao cho Chính phủ quy định.

Đối với quy định về chính sách của Nhà nước về việc làm (điều 5), ĐB đồng tình với 9 chính sách quy định tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung chính sách việc làm đối với lao động nữ đang mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi nhằm tạo việc làm cho lao động nữ, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bình đẳng giới và quyền lợi của lao động nữ khi mang thai và nuôi con nhỏ.

Về đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, ĐB thống nhất với các nhóm đối tượng được quy định tại dự thảo Luật, song đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung nhóm “chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh theo quy định” vào đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại dự thảo Luật này, vì đây là nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội vừa được Quốc hội thông qua ngày 29-6-2024.

“Trong quá trình hoạt động kinh doanh, nhóm đối tượng này có thể gặp khó khăn dẫn đến mất việc làm và thất nghiệp, ví dụ như trong thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua”, ĐB Nguyễn Minh Tâm giải thích.

Nhận định quy định hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện đảo, xã đặc biệt khó khăn mới được vay vốn tạo việc làm thì không công bằng với những hộ nghèo, hộ cận nghèo ở những nơi khác, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng nên quy định hỗ trợ tất cả các hộ nghèo, hộ cận nghèo, xã đặc biệt khó khăn trong cả nước đều được hỗ trợ vay vốn.

 ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại hội trường. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại hội trường. Ảnh: QUANG PHÚC

Bên cạnh đó, về quy định đăng ký lao động, ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng, đây là nội dung rất mới và lớn, tuy nhiên quy định tại dự thảo vẫn chưa rõ ràng; đồng thời băn khoăn cơ quan, tổ chức cho đăng ký lao động việc làm là Sở LĐTB-XH hay Phòng Lao động, hay ở xã, phường?

“Nếu các cán bộ xã, phường phụ trách đăng ký thêm việc làm lao động thì sẽ gặp nhiều khó khăn vì họ phải kiêm nhiệm nhiều công việc. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm, nếu không hợp lý thì đề nghị bỏ quy định này, tránh gây rườm rà, thêm việc cho các cơ sở ở xã, phường”, ông Phạm Văn Hòa phát biểu.

ĐB Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) cũng góp ý về tín dụng chính sách giải quyết việc làm. ĐB Thái cho biết, điểm a, khoản 2 quy định nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm: Ngân sách Trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội từ chi đầu tư phát triển khác.

Về nguồn vốn Trung ương, ĐB đề nghị Chính phủ quy định nguyên tắc phân bổ nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội Trung ương đến các ngân hàng chính sách xã hội địa phương. Trong đó có ưu tiên phân bổ nguồn vốn nhiều hơn đối với các tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp, phụ thuộc lớn vào ngân sách Trung ương.

“Các địa phương này có đối tượng có nhu cầu vay vốn rất lớn nhưng nguồn thu ngân sách hạn hẹp nên việc bố trí vốn từ nguồn ngân sách địa phương sang ngân hàng chính sách xã hội cũng không nhiều”, ĐB Thái kiến nghị.

Về đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm, bên cạnh người lao động thuộc hộ nghèo dân tộc thiểu số, ĐB đề nghị bổ sung thêm các đối tượng sau: người lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình, người dân tộc thiểu số. Đây là những đối tượng cũng rất khó khăn, có nhu cầu vay vốn lớn, nhưng rất khó tiếp cận với các ngân hàng thương mại cần tài sản đảm bảo hoặc khả năng chi trả lãi không đáp ứng được yêu cầu.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mo-rong-doi-tuong-duoc-ho-tro-vay-von-tao-viec-lam-post770228.html