Mở rộng đưa hàng sang Ấn Độ, Trung Đông

Làn sóng doanh nghiệp Ấn Độ, Trung Đông đổ xô sang Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng lẫn đối tác xuất khẩu cho thấy tiềm năng lớn của nhiều mặt hàng Việt Nam tại các thị trường này

Tham gia 2 sự kiện lớn về xúc tiến xuất khẩu hàng Việt vừa diễn ra tại TP HCM trong cuối tháng 5 và đầu tháng 6, nhiều doanh nghiệp (DN) vui mừng vì có hàng ngàn nhà mua hàng quốc tế tham quan, tìm hiểu sâu về sản phẩm và điều kiện bán hàng. Đặc biệt, nổi bật lên trong đó là những doanh nhân, đại diện các DN đến từ Ấn Độ, Trung Đông và châu Á.

Cơ hội từ thị trường ngách

Công ty TNHH Thương mại Hòa Mai (chuyên sản xuất các mặt hàng đồ dùng nhà bếp bằng gỗ, tre thương hiệu Ohi@ma) cho biết vừa tiếp một DN Trung Đông đến tham quan nhà máy và tìm hiểu giá cả một số sản phẩm của công ty. Theo ông Nguyễn Lê Thái Hòa, nhà sáng lập công ty, khách hàng này đặc biệt thích các mẫu lồng bàn, mẹt, rế… làm bằng tre có trang trí hoa văn.

Những mặt hàng này mới ra thị trường từ trước Tết Nguyên đán và được tiêu thụ rất tốt ở thị trường nội địa. Không chỉ người Việt Nam mà nhiều khách hàng người Hàn Quốc cũng rất thích sản phẩm vì có thể vừa sử dụng vừa để trang trí. "Tình cờ, các hoa văn này có sự tương đồng với văn hóa của khu vực Trung Đông, mở ra cơ hội cho công ty bước đầu thâm nhập thị trường mới mẻ này" - ông Thái Hòa nói.

Chanh không hạt của HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức (tỉnh Long An) xuất khẩu sang Dubai

Chanh không hạt của HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức (tỉnh Long An) xuất khẩu sang Dubai

Trước đó, tại Diễn đàn Xuất khẩu do Bộ Công Thương phối hợp một số đơn vị tổ chức ở TP HCM, chỉ trong một buổi sáng có đến 5 đơn vị mua hàng đến từ Trung Đông tham quan gian hàng của Hòa Mai và bày tỏ mong muốn hợp tác.

Ngay tại sự kiện đó, nhiều nhà xuất khẩu chuyên nghiệp cũng tích cực khảo sát, tìm kiếm các mặt hàng nông sản để xuất khẩu sang Nhật, Mỹ và đặc biệt là Trung Đông. Ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch Tập đoàn 365, đang tìm chanh không hạt và một số sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường Dubai. "DN có rất nhiều sản phẩm nhưng không biết loại nào phù hợp với thị trường nào và làm sao để xuất khẩu sang thị trường đó, rất đáng tiếc" - ông Cường đánh giá.

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC), nhìn nhận hiện nay rất nhiều DN muốn mở rộng thị trường sang Trung Đông, Ấn Độ. Trong đó, Trung Đông có tới 16 quốc gia đang nổi lên như khối thị trường xuất khẩu tiềm năng cho DN Việt Nam, với dân số đông (khoảng 400 triệu dân) và mức sống cao.

Trong khi quan hệ thương mại của Việt Nam với khu vực Trung Đông chủ yếu tập trung vào 6 quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) là Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ả Rập Saudi, Kuwait, Bahrain, Qatar và Oman với tổng dân số 65 triệu người (năm 2021). Đây là thị trường ngách, nhiều tiềm năng do có nhu cầu đa dạng đối với sản phẩm Việt để tiêu thụ tại chỗ lẫn trung chuyển, phân phối sang Bắc Phi. "Các mặt hàng chính mà DN TP HCM xuất khẩu sang các nước Trung Đông bao gồm thủy hải sản, rau củ quả, cà phê, hạt tiêu, dệt may, máy tính và linh kiện điện tử, linh kiện điện thoại...

Tuy nhiên, thị trường này có đặc thù riêng, bên cạnh bộ phận tiêu dùng cao cấp còn có một bộ phận người tiêu dùng là lao động nước ngoài đang sinh sống, làm việc; có thể không yêu cầu quá cao về tiêu chuẩn chất lượng nhưng đòi hỏi giá phải rất cạnh tranh, vì vậy DN cần nghiên cứu và tính toán kỹ trước khi ký kết làm ăn" - ông Lữ lưu ý.

Chuẩn bị kỹ để giảm rủi ro

Các chuyên gia kinh tế cho biết Trung Đông và Ấn Độ là 2 thị trường mới nổi, nhiều tiềm năng cho DN xuất khẩu nhưng không hề dễ tính. Để thâm nhập được, DN cần tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế để phần nào hiểu thị hiếu tiêu dùng, tập quán kinh doanh, nhu cầu của khách hàng, nhà mua hàng...

"Năm 2024, thị trường xuất khẩu truyền thống vẫn còn yếu. Vì vậy, DN cần chắt chiu đơn hàng, tìm kiếm cơ hội kinh doanh cũng như mở rộng thêm ở các thị trường khác như khu vực Nam Mỹ, Trung Đông và thị trường tỉ dân Ấn Độ" - ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), nói.

Để khai thác hiệu quả hơn thị trường Trung Đông, một số DN đã mạnh dạn cử nhân viên sang khu vực này để tìm hiểu, mở văn phòng đại diện... Đầu năm 2024, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức (tỉnh Long An) đã khai trương văn phòng đại diện tại một chợ đầu mối ở Tiểu Vương quốc Dubai, chính thức hoàn chỉnh chuỗi cung ứng từ trồng, thu hoạch, xuất khẩu và phân phối mặt hàng chanh không hạt.

Ông Trần Duy Thuận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức, cho biết toàn huyện Bến Lức sản xuất khoảng 100.000 tấn chanh không hạt mỗi năm, 60%-70% sản lượng được xuất khẩu sang các nước Trung Đông.

"Hiện tại, HTX đang gặp nhiều khó khăn về tài chính. Ngoài ra, xung đột ở khu vực Trung Đông khiến việc vận chuyển hàng hóa sang thị trường này khó hơn, thường phải đặt tàu trước khoảng 20-30 ngày. Trong khi trái chanh tới lứa phải thu hoạch, không thể đợi đến khi có tàu mới hái" - ông Thuận cho biết.

Ông Thuận nói trung bình mỗi tuần HTX xuất khẩu 1-2 container (26 tấn/container) sang Dubai, nếu thuận lợi mỗi tháng có thể xuất khoảng 10 container chanh và một số mặt hàng khác như thanh long, khoai lang, dừa.

"Văn phòng của HTX tại Dubai làm nhiệm vụ nắm bắt thông tin thị trường, mùa vụ, giá cả..., từ đó HTX chủ động kế hoạch xuất hàng, giảm thiểu rủi ro về giá. Đặc thù của thị trường này mua hàng trước, trả tiền sau hoặc phải giảm giá nhiều nếu muốn bán hàng - lấy tiền ngay. Vì vậy, DN phải chọn lọc kỹ đối tác" - ông Thuận nêu kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), cho rằng thị trường Ấn Độ và Trung Đông chưa có những chuỗi phân phối lớn nên các DN Việt còn khá dè dặt khi làm ăn với họ, nhất là trong vấn đề thanh toán. Đặc biệt, nhóm khách hàng Do Thái rất giỏi trong mua bán sỉ, có thể đặt đơn hàng lớn nhưng thường siết giá, ép giá, nếu không tính toán kỹ, DN sẽ không có lợi nhuận.

Xuất khẩu gỗ sang Ấn Độ, UAE tăng mạnh

Theo số liệu của HAWA, 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang Ấn Độ tăng 93,68%; sang UAE tăng 62,39% so với cùng kỳ năm 2023. "Thị trường Trung Đông đang tìm sản phẩm gỗ từ Việt Nam.

Các tháng đầu năm nhu cầu xây dựng tại khu vực này tăng trong khi việc nhập khẩu các mặt hàng đồ gỗ lại gặp khó khăn do những bất ổn về kinh tế, chính trị tại các thị trường nhập khẩu truyền thống. Tuy sức mua còn ít, hợp đồng nhỏ lẻ, chủng loại không đa dạng và chưa có hợp đồng dài hạn nhưng những tín hiệu tích cực từ thị trường này cũng tạo hy vọng mới cho các DN" - ông Nguyễn Chánh Phương cho biết.

Bài và ảnh: Thanh Nhân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mo-rong-dua-hang-sang-an-do-trung-dong-196240621205114898.htm