Mở rộng đường - Làm sao hài hòa lợi ích?

Kinh nghiệm ở một số nước đang phát triển trong khu vực về giải phóng mặt bằng để làm mới, mở rộng đường giao thông, đặc biệt là tại các đô thị lớn cho thấy, họ thường dành một diện tích đất dọc khu vực giải tỏa để đấu thầu. Làm như thế, vừa lấy được tiền phục vụ cho công tác đền bù, triển khai dự án, vừa đảm bảo tính mỹ quan đô thị. Với dự án mở rộng đường Láng đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy nhiều chuyên gia cũng đề nghị như vậy.

Đường Láng là một trong những "điểm đen" ùn tắc giao thông của Thủ đô, vì vậy mở rộng, xây cầu cạn trên cao là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề làm thế nào ngân sách chi ra ít nhất, đảm bảo hài hòa lợi ích là điều cần đổi mới trong cách làm.( Ảnh LĐ)

Đường Láng là một trong những "điểm đen" ùn tắc giao thông của Thủ đô, vì vậy mở rộng, xây cầu cạn trên cao là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề làm thế nào ngân sách chi ra ít nhất, đảm bảo hài hòa lợi ích là điều cần đổi mới trong cách làm.( Ảnh LĐ)

Vừa qua Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất chủ trương mở rộng đường Láng, đang có quy mô 21m (mỗi bên 10,5 m) như hiện tại, lên 53,5m chiều rộng. Tổng chiều dài toàn tuyến là 3,8km, với số vốn đầu tư khoảng 17.241 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp 541 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 16.700 tỷ đồng (chiếm 96,8%).

Sau khi chủ trương trên được công bố công khai, đã có khá nhiều luồng ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, có luồng ý kiến của một số chuyên gia đề xuất cách triển khai trên nền tảng “lấy mỡ nó rán nó”, vừa không tốn ngân sách Nhà nước, lại bảo đảm yếu tố mỹ quan đô thị, tránh tình trạng người đang ở mặt phố phải ngậm ngùi ra đi, trong khi người ở phía trong bỗng nhiên nhà ra mặt tiền, giá trị thu về rất lớn mà Nhà nước không thu được tiền thuế từ chênh lệch địa tô.

Cụ thể, đối với dự án mở rộng đường Láng, thay vì mở rộng lên 53,5m (để làm đường), cần mở rộng thêm hơn 30m (tổng chiều rộng khoảng 90 - 100m). Số diện tích giải tỏa thêm (khoảng trên 30m) sẽ tiến hành đấu giá cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia. Số tiền thu được từ đấu thầu giá đất sẽ dùng để bù cho công tác giải phóng mặt bằng, nếu còn dư để đầu tư cho dự án. Nếu không đủ, Nhà nước cũng chỉ cần đầu tư một lượng vốn ngân sách bổ sung để triển khai dự án.

Các chuyên gia nhấn mạnh rõ thêm, cách triển khai này cùng lúc đáp ứng được 3 mục tiêu. Thứ nhất, Nhà nước không phải bỏ ra số lượng vốn lớn từ ngân sách để đầu tư, thay vì làm đường, số tiền đó đầu tư vào các lĩnh vực an sinh khác. Thứ hai, khi có diện tích đất rộng, đất sạch, chính quyền có quyền yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng công trình đúng theo quy chuẩn mà Thành phố đề ra. Làm như thế sẽ nâng cao thẩm mỹ cho bộ mặt đô thị. Thứ ba, xét về yếu tố công bằng, khi người dân thuộc diện phải giải tỏa lấy tiền đền bù, theo quy định của Nhà nước, giá trị đền bù không thể bằng giá thị trường. Họ chấp nhận thiệt đôi chút để Nhà nước, Thành phố mở mang kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển. Trong khi đó, những nhà phía trong “bỗng nhiên” lại được ra mặt phố. Giá đất ban đầu vốn chỉ vài chục triệu đồng/m2, sau khi giải phóng mặt bằng lại tăng lên hàng trăm triệu đồng. Đấy là chưa kể, tiền thu được từ cho thuê, kinh doanh rất lớn.

Những ý kiến trên đây vừa là kinh nghiệm vừa là hiến kế hay của một số chuyên gia, cơ chế góp phần giảm xung đột lợi ích kinh tế, hài hòa lợi ích các bên nên chăng chúng ta cần tham khảo để áp dụng.

Hà Lê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/mo-rong-duong-lam-sao-hai-hoa-loi-ich-171013.html