Mở rộng phạm vi công chứng giao dịch bất động sản: Cần phù hợp thực tiễn

Dự thảo Luật Công chứng quy định công chứng viên chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Việc mở rộng phạm vi công chứng với bất động sản hiện nay vẫn chưa thực sự phù hợp. Ảnh minh họa

Việc mở rộng phạm vi công chứng với bất động sản hiện nay vẫn chưa thực sự phù hợp. Ảnh minh họa

Cũng có ý kiến đề nghị không nên giới hạn thẩm quyền.

Cơ sở dữ liệu chung chưa ổn định

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại hội trường về Luật Công chứng sửa đổi.

Liên quan đến nội dung công chứng giao dịch bất động sản, theo Điều 41 dự thảo, công chứng viên chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh - nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ một số trường hợp nhất định. Nội dung này được kế thừa từ Luật Công chứng năm 2014.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, làm rõ tính phù hợp của quy định nêu trên. Đồng thời xem xét chỉnh lý theo hướng mở rộng phạm vi các giao dịch về bất động sản được công chứng không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Tán thành với đề xuất này, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, hiện các dữ liệu quốc gia về đất đai, nhà ở, bất động sản khác đã được xây dựng và khai thác.

Vì đó, việc hạn chế thẩm quyền công chứng trong phạm vi về giao dịch bất động sản sẽ gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi cần công chứng. Công chứng viên phải chịu trách nhiệm đối với hoạt động công chứng của mình. Vì vậy, việc mở rộng phạm vi công chứng liên quan đến bất động sản là phù hợp với chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đoàn ĐBQH TPHCM cho rằng, cần cân nhắc đối với đề xuất này. Lý do, trong giai đoạn hiện nay, dù đã có các cơ sở dữ liệu chung về đất đai, nhà ở, bất động sản khác, song sự chính xác của các số liệu cũng như thông tin liên quan đến dữ liệu phải có quá trình để hoàn thiện và làm đầy, đặc biệt là về tính chính xác.

Bên cạnh đó, hạ tầng, trang thiết bị của các địa phương cũng chưa có sự đồng đều nên nếu đặt vấn đề bỏ địa hạt trong các hợp đồng giao dịch về bất động sản ngay từ bây giờ sẽ khó.

“Hiện nay, tình trạng giả mạo trong các hợp đồng công chứng, lừa đảo công nghệ đang diễn ra rất nhiều… Nếu chưa có sự hoàn thiện về cơ sở dữ liệu, sự đồng bộ về trang thiết bị, các biện pháp phòng ngừa thì việc cho phép này sẽ rất nguy hiểm. Hậu quả của việc này là rất lớn và người lãnh chịu hậu quả sẽ là người dân”, bà Hạnh cho biết.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Cẩn trọng công chứng điện tử

Liên quan đến cơ sở dữ liệu công chứng, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc đề nghị, xem xét quy định trong luật theo hướng công chứng được kết nối cơ sở dữ liệu dân cư ở các trường hợp sinh trắc học mà không liên quan.

Việc này có thể ảnh hưởng đến an ninh như: Nhận diện khuôn mặt, vân tay, mống mắt để phục vụ cho việc xác định chủ thể khi tham gia giao dịch công chứng. Khi sử dụng thì phải trả tiền theo lượt khai thác do Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ Công an quy định cụ thể.

“Quy định như vậy sẽ thuận lợi, chính xác, an toàn trong hoạt động công chứng, đồng thời không lãng phí tài sản của xã hội khi các tổ chức, cá nhân phải tự trang bị thiết bị cho mình”, ông Mạnh nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, đoàn Bình Dương đề nghị, bổ sung việc liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu và quyền khai thác cơ sở dữ liệu vào dự thảo luật.

Bổ sung theo hướng: Cho phép các tổ chức hành nghề công chứng được quyền kết nối, chia sẻ và khai thác cơ sở dữ liệu thông tin sinh trắc học như ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt để hỗ trợ việc xác thực cá nhân một cách chính xác, chống lại hành vi mạo danh trong hoạt động công chứng nhưng không ảnh hưởng đến vấn đề về an ninh quốc gia, đồng thời liên thông thủ tục công chứng đăng ký đất đai và thuế.

Về công chứng điện tử, đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn ĐBQH Bình Thuận, thống nhất cao với việc bổ sung quy định về công chứng điện tử trong dự thảo luật nhằm đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động công chứng.

Động thái này góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong giao dịch dân sự, kinh tế và đảm bảo đồng bộ với các quy định Luật Giao dịch điện tử năm 2023.

Tuy nhiên, theo đại biểu Thông, trong hoạt động công chứng có nhiều vấn đề đòi hỏi công chứng viên phải tiếp xúc trực tiếp với người yêu cầu công chứng mới đảm bảo tính chính xác mà công nghệ hiện nay chưa thể thay thế được.

“Ví dụ như việc đánh giá năng lực hành vi hay ý trí tự nguyện của người yêu cầu công chứng bắt buộc phải gặp mặt trực tiếp chứ không thể thông qua công nghệ. Nhất là trong giai đoạn hiện nay đã xuất hiện tội phạm công nghệ cao sử dụng AI để giả giọng nói, khuôn mặt.

Điều này có thể dẫn đến các vụ lừa đảo gây hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, việc công chứng điện tử cần tiến hành thận trọng, có bước đi hợp lý. Trước mắt dự thảo luật cần quy định rõ, chỉ áp dụng ở phạm vi hẹp với các giao dịch đơn giản, chứ không áp dụng đối với các giao dịch phức tạp như bất động sản hay thừa kế”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông phân tích.

Ngày càng có nhiều giao dịch giả mạo. Đơn cử, hợp đồng vay tiền nhưng yêu cầu công chứng hợp đồng chuyển nhượng, hoặc chuyển nhượng, mua bán đất với 2 giá khác nhau, kê khai giá chuyển nhượng trên hợp đồng thấp hơn giá thực tế để trốn thuế. Tuy nhiên, các bên lại không lường trước được những hậu quả pháp lý xảy ra như: Nguy cơ mất nhà đất, bị phạt do chậm thực hiện nghĩa vụ đăng ký, thậm chí là phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi trốn thuế. Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân

Đức Huy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mo-rong-pham-vi-cong-chung-giao-dich-bat-dong-san-can-phu-hop-thuc-tien-post689248.html